Bước tiến khởi đầu
Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN hy vọng rằng đây là bước đầu tiên khởi đầu một tiến trình kết nối và gắn kết chặt chẽ mạng lưới các Hội doanh nhân kiều bào trên toàn thế giới. Khi tập hợp thành một mạng lưới thì mạng lưới sẽ có sức mạnh tập thể hơn rất nhiều từng Hội doanh nhân cá thể.
“Trong tương lai, chúng tôi hy vọng rằng các vị chủ tịch của các Hội doanh nhân kiều bào ở mỗi nước sẽ trở thành Phó Chủ tịch làm việc trong ban lãnh đạo của Hiệp hội Doanh nhân NVNONN, một hiệp hội có tư cách pháp nhân ở trong nước. Khi có sự gắn kết chặt chẽ của mạng lưới và có sức mạnh của tập thể, đó là điều kiện thuận lợi để có thể kết nối mạng lưới này với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong nước”, Phó Chủ nhiệm Ngô Hướng Nam chia sẻ.
Quang cảnh buổi giao lưu tại điểm cầu Ủy ban Nhà nước về NVNONN. |
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (Hội) cho biết Hội là cánh tay nối dài của Uỷ ban, kết nối kiều bào trong nước và nước ngoài tham gia đóng góp cho đất nước, ngoài ra hỗ trợ đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con kiều bào.
Về lĩnh vực kinh tế, Hội đã xây dựng diễn đàn hỗ trợ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều chuyên gia về kinh tế và pháp luật để thu hút nguồn đầu tư của bà con kiều bào để phát triển đất nước, đồng thời để đảm bảo nguồn tiền bà con đầu tư về nước không bị hư hao và đầu tư có hiệu quả, vừa ích nước vừa lợi nhà.
Đại sứ hy vọng Diễn đàn hỗ trợ đầu tư cho người Việt Nam ở nước ngoài sớm đi vào hoạt động để hỗ trợ bà con kiều bào về nước đầu tư.
Gắn kết để tạo nhiều cơ hội
Tại buổi kết nối, các doanh nhân ở các khu vực trên thế giới giao lưu, giới thiệu về bản thân, doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh, tình hình hoạt động kinh doanh của cộng đồng người Việt tại nước sở tại, cảm nghĩ về Ngày Doanh nhân Việt Nam với cộng đồng Doanh nhân NVNONN; Thảo luận về việc tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài; Thống nhất kế hoạch sinh hoạt thường kỳ, lập nhóm liên kết giữa lãnh đạo các Hội Doanh nghiệp Việt kiều trên toàn thế giới; Giao lưu văn nghệ với một số nghệ sỹ trong nước.
Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội doanh nghiệp người Việt ở châu Âu cho biết, tại Châu Âu có khoảng 2 triệu kiều bào sinh sống. Ở mỗi nước sở tại đều có Hội doanh nghiệp.
Quang cảnh buổi giao lưu tại điểm cầu Liên Hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu. |
“Tất cả các Hội doanh nghiệp Việt kiều Châu Ấu luôn luôn muốn được gắn kết với Hội doanh nghiệp Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, bởi chúng tôi đang tìm kiếm mô hình kinh doanh mới, tìm kiếm thị trường mới, mặt hàng kinh doanh mới. Không có gì hiệu quả hơn khi tất cả các hội doanh nghiệp người Việt tại các nước kết hợp với nhau. Việc liên kết, cộng lực của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trên thế giới có lợi cho hoạt động kinh doanh bởi mỗi thị trường có một thế mạnh riêng. Khi không có liên kết, không có kết nối rất nhiều cơ hội bị bỏ qua. Ngoài ra, chúng ta là người Việt chúng ta cần phải yêu thương nhau, gắn kết với nhau, trao đổi thông tin có lợi cho các kiều bào”, ông Huê nói.
Ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Đức cho rằng cần phải gắn kết cộng động doanh nhân Việt Nam trên thế giới. Đặc biệt, sau những tác động của đại dịch Covid-19, giá cả, thực phẩm tăng cao 30%. Đây là lợi thế để Việt Nam xuất hàng sang Đức và Châu Âu.
“Tôi mong muốn doanh nghiệp trong nước kết hợp với doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu hàng ra thế giới”, ông Long chia sẻ.
TS Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết, hiện nay Hiệp hội thường xuyên làm việc với trên 5000 doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu, giao thương hàng hoá và có ý tưởng hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch… với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại buổi kết nối, TS Trà My đề xuất với Bộ Công Thương, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài… cùng các cơ quan ban ngành trong nước, tạo điều kiện giúp đỡ, chỉ đạo, để có thể sớm thành lập được Hội doanh nghiệp chính thức tại Trung Quốc, chính thức hoá những đóng góp của doanh nhân trong suốt thời gian qua, và nỗ lực cống hiến hơn nữa, vào công tác kết nối thương mại, đầu tư trong tương lai.
TS Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc phát biểu tại buổi giao lưu. |
Ngoài ra, theo TS Trà My những Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài chính là cánh tay nối dài của Việt Nam mình trên khắp thế giới, và nhiều doanh nhân Việt có chỗ đứng rất tốt tại quốc gia bản địa, vì vậy, Việt Nam rất cần để có kênh chia sẻ chính thống, những chính sách ưu đãi đầu tư của các địa phương.
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm. |
Ông Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan cho rằng cần khởi đầu bằng những mô hình liên kết hoạt động cụ thể, thực tiễn và sát thực với những mong muốn của doanh nghiệp Việt kiều trên toàn thế giới.
Thứ nhất, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp Việt toàn cầu đặc biệt ở khu vực có đông doanh nghiệp Việt kiều như ở Châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN thông qua các chương trình thăm quan, giao lưu, kết nối kết hợp với du lịch, thể thao...
Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Việt kiều ở các nước cùng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước trong đầu tư, xuất nhập khẩu… để doanh nghiệp Việt kiều là nhịp cầu kinh tế giúp Việt Nam vươn ra thế giới nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Thứ ba, cùng nhau tạo hình thức liên kết cho các doanh nghiệp trẻ Việt kiều. Sự tiếp nối của doanh nghiệp trẻ Việt kiều là nguồn động lực và kết nối bền vững …
Thứ tư, sử dụng tối đa công nghệ, mạng xã hội, trực tuyến để hỗ trợ liên kết, hợp tác, tổ chức các hội thảo, diễn đàn, giao lưu nhằm tạo sân chơi cho các doanh nghiệp Việt kiều….
Q.Hoa t.h / Thời Đại