Những người chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm nâng cao cảnh giác, vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Đề cập tới việc Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Bỉ-Việt, ông Pierre Grega nêu rõ Hội Hữu nghị Bỉ-Việt nhận thức được sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông trong những tuần gần đây. Theo ông, Hội Hữu nghị Bỉ-Việt ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền hợp pháp tại Biển Đông, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ vững chắc đối với tất cả các hiệp hội đại diện cho người dân Việt Nam. Ông Pierre Grega cho rằng việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông là hoàn toàn trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Chiều 25/3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS.
Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC)".
Người phát ngôn nhấn mạnh: Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.
Theo TTXVN