Hội thảo “Từ MDGs tới SDGs, những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và sự tham gia của các tổ chức nhân dân”
(Vietpeace) Ngày 8/4/2015, tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, phối hợp với tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Từ Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) tới Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và sự tham gia của các tổ chức nhân dân”.
Ảnh: TV
Tham dự Hội thảo có ông Phạm Văn Chương và ông Trịnh Ngọc Thái, Phó Chủ tịch Qũy Hòa bình và Phát triển Việt Nam; bà Hoàng Phương Thảo, Giám đốc tổ chức ActionAid Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các cơ quan nghiên cứu, đoàn thể, các tổ chức nhân dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến các mục tiêu MDGs và SDGs và một số tổ chức quốc tế khác ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Ngọc Thái cho biết, tháng 9/2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự sau 2015 với 17 Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh nội dung chấm dứt nghèo đói cùng cực vào năm 2030 và tạo cuộc sống hoà bình cho tất cả mọi người.
Ông Thái nhấn mạnh, mục đích của Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về kết quả và bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, nội hàm của các Mục tiêu phát triển bền vững, từ đó xác định những nội dung mà các tổ chức nhân dân Việt Nam có thể tham gia cũng như phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện SDGs.
Ông Bùi Bá Bình, Ủy viên Hội đồng Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, chia sẻ: Các tổ chức nhân dân có khả năng tập hợp, huy động các cá nhân, cộng đồng, phát huy được sức mạnh tập thể trong việc thực hiện các MDGs và SDGs. Sự ra đời của rất nhiều tổ chức nhân dân cả chính thức và không chính thức cho thấy xã hội có nhu cầu hoạt động thiện nguyện to lớn trên tinh thần 4 “tự” (tự nguyện, tự quản, tự trang trải, tự chủ), thúc đẩy mạnh mẽ truyền thống dân tộc “lá lành đùm lá rách” và tinh thần “người nghèo giúp người nghèo”.
Các đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã có tham luận tại Hội thảo, tập trung vào các vấn đề như: đánh giá việc thực hiện MDGs của Việt Nam, khẳng định vai trò của sự tham gia và phối hợp của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong việc thực hiện MDGs; triển vọng, cơ hội và thách thức của Việt Nam trong việc thực hiện SDGs về lĩnh vực môi trường, lao động và an ninh xã hội.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, bà Hoàng Phương Thảo đánh giá cao sự quan tâm và chủ động của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong việc tổ chức diễn đàn, tạo ra không gian chính sách cho các bên, trong đó có Chính phủ, cùng bàn bạc về định hướng thực hiện SDGs tại Việt Nam, trong khi chưa có nhiều quốc gia quan tâm đến việc thực hiện các cam kết của mình về SDGs. Điều đó cho thấy sự trưởng thành và uy tín của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong việc truyền bá và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Thảo tin tưởng, nếu có các nguồn lực tài chính phù hợp từ các nhà tài trợ và từ nguồn thuế của Chính phủ, với kinh nghiệm thực hiện thành công MDGs, Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong các nước đầu tiên hoàn thành những mục tiêu này.