Đoàn các nhà lãnh đạo trẻ Việt Nam tích cực hoạt động tại Mỹ
(Vietpeace) Chương trình trao đổi đoàn thường niên giữa Hội Việt – Mỹ và tổ chức “Hội đồng các nhà lãnh đạo chính trị trẻ Mỹ” (ACYPL) năm 2016 được tổ chức tại Thủ đô Washington DC và bang Ilinois, Mỹ từ ngày 01 – 11/8/2016
Trong suốt gần 20 năm qua, Hội Việt – Mỹ thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã cùng với tổ chức ACYPL xây dựng và thực hiện chương trình trao đổi đoàn các nhà lãnh đạo chính trị trẻ luân phiên thường niên mang ý nghĩa thiết thực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Năm nay, Liên hiệp cử đoàn 07 thành viên hoạt động trong các lĩnh vực đối ngoại nhân dân, giáo dục đào tạo, truyền thông, bất động sản, kiến trúc, dệt may, thời trang, y tế... do ông Bùi Văn Nghị, Tổng Thư ký Hội Việt – Mỹ dẫn đầu sang thăm làm việc tại Mỹ nhằm tìm hiểu hệ thống chính trị, quá trình hoạch định chính sách, văn hóa, con người và cơ hội kinh doanh tại Mỹ.
Trong chuyến đi, đoàn thăm và làm việc tại 03 thành phố của Mỹ, gồm Thủ đô Washington và 02 thành phố thuộc bang Illinois là Springfield (thủ phủ của tiểu bang) và Chicago.
Tại Washington, Đoàn thăm trụ sở của ACYPL, làm việc với Giám đốc Điều hành và Giám đốc Tài chính của tổ chức. Tiếp đó, đoàn đã làm việc với Bộ Ngoại giao, Quốc hội, Liên đoàn công chức Mỹ và Hãng Target, tập đoàn bán lẻ lớn thứ 2 ở Mỹ.
Tại bang Illinois, đoàn làm việc với nguyên Phó Thống đốc bang, Giám đốc điều hành của “Liên đoàn các thành phố bang Illinois”, Chủ tịch danh dự Hội đồng quản trị của tổ chức “Các thành phố kết nghĩa”, thăm Nghị viện bang và trao đổi với các Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ của tiểu bang; gặp Phó Thị trưởng và Hội đồng thành phố Springfield, Chủ tịch Hội đồng thành phố Chicago và Giám đốc phụ trách quy hoạch và phát triển cở sở hạ tầng địa hạt Lake County, gặp Ủy ban bầu cử và kiểm phiếu bang Illinois, lãnh đạo của tổ chức Openlands - một tổ chức phi chính phủ Mỹ về bảo tồn thiên nhiên và cảnh quan.
Đây là một chương trình ấn tượng với sự đa dạng về đối tác tiếp xúc và chương trình, nội dung làm việc. Các cuộc gặp gỡ trao đổi xoay quanh những vấn đề mang tính thời sự đang được quan tâm.
Tại cuộc gặp tổ chức ACYPL, chủ đề được quan tâm và thảo luận sôi nổi là về hệ thống chính trị, bộ máy công quyền – Chính phủ Mỹ. Dù cũng chia thành 3 nhánh chính quyền là lập pháp, hành pháp và tòa án nhưng sự tác động cân bằng và kiểm soát quyền lực chính trị của các nhánh ở cấp Liên bang và tiểu bang lại rất khác Việt Nam. Vai trò và quyền lực của chính quyền Liên bang Hoa Kỳ trong hoạch định chính sách tập trung ở 04 lĩnh vực chính đó là an ninh – quốc phòng, đối ngoại, ngoại thương, in và phát hành tiền tệ. Ngoài các lĩnh vực trên, vai trò của các tiểu bang hay địa hạt, thành phố khá độc lập so với chính sách của chính quyền liên bang. Mỗi tiểu bang tự đưa ra các chính sách, quy định, kiểm soát và xây dựng kế hoạch phát triển cho bang, địa hạt, thành phố của mình. Đây là những điểm khác so với Việt Nam, cũng là vấn đề chúng ta cần nghiên cứu để vận dụng và ứng xử trong quan hệ với Mỹ trên nhiều phương diện hợp tác.
Bên cạnh đó, sự tham gia, tác động của các tổ chức, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, nghiệp đoàn, các “nhóm lợi ích” trong quá trình hoạch định chính sách của chính quyền từ địa phương đến cấp tiểu bang và lên cấp liên bang là rất rõ rệt và được thực hiện thông qua vận động hành lang. Tại một số cuộc họp của Quốc hội bang, tùy theo nhu cầu, họ xuất hiện và vận động cho chính sách có lợi cho mình. Qua đó, cần nhận thức trong quan hệ, hợp tác làm ăn với Mỹ, chúng ta cần quan tâm xây dựng nền tảng quan hệ, hợp tác cùng có lợi từ cơ sở và trực tiếp thì hiệu quả hơn vì sự tác động của chính quyền Liên bang đến tiểu bang, thành phố, địa phương là không nhiều.
Về quan hệ Việt – Mỹ, cả Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ đều thể hiện sự ủng hộ và vui mừng với việc gần đây hai nước phát triển quan hệ trên nhiều mặt, thông qua các chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ tháng 7/2015 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama tháng 5/2016. Qua các cuộc tiếp xúc, có thể nhận thấy tín hiệu lạc quan đáng mừng là phía Mỹ quan tâm việc duy trì đà cho phát triển quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là triển khai 18 cam kết về các lĩnh vực hợp tác.
Về công tác bầu cử ở Mỹ, ở cấp địa phương, tiểu bang, cử tri chủ yếu quan tâm tới vấn đề bầu các chức vụ ở địa phương, tiểu bang. Các Ủy ban bầu cử ở tiểu bang là cơ quan thuộc 02 đảng với số thành viên ngang nhau, chủ yếu là bầu Thượng và Hạ Nghị sỹ của tiểu bang.
Về “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP), có thể thấy rằng Mỹ rất quan tâm đến hiệp định này. Phía Mỹ rất ủng hộ và muốn Việt Nam tham gia đầu tư vào sản xuất hàng tiêu dùng có giá trị cao để cung cấp cho họ. Đây thực sự là một cơ hội lớn cho Việt Nam, cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh, đầu tư vào các thị trường đầy tiềm năng TPP trong đó lớn nhất là Mỹ. Bên cạnh đó, hiệp định TPP cũng là một biện pháp “xoay trục” của Mỹ về kinh tế và chiến lược với Châu Á mà qua tiếp xúc, trao đổi có thể nhận thấy có sự đồng thuận lớn ở cả hai Đảng và trong giới hoạch định chính sách của Mỹ.
Nhìn chung, qua các cuộc làm việc của đoàn với các đối tác, bạn bè tại Mỹ, qua tình hình triển khai hiệp định TPP, qua quan điểm của Chính phủ Mỹ với ta, có thể nhận thấy Mỹ mong muốn tiếp tục duy trì đà quan hệ toàn diện với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Do đó, chúng ta cần quan tâm, sát sao để luôn giữ độ “nóng” trong việc phát triển quan hệ giữa hai nước. Cần nghiên cứu để có thêm nhiều chương trình, sáng kiến có giá trị như chuyển hướng mở rộng sản xuất về lĩnh vực và chất lượng để bắt kịp TPP khi được thông qua, xây dựng các chương trình kết nghĩa thành phố, địa phương với địa phương, tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, trao đổi giảng dạy, giáo dục nhằm phát triển quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực từ đó đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.