(Vietpeace) Ngày 25/8, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Myanmar đã tổ chức Tọa đàm về quan hệ Việt Nam – Myanmar nhân kỷ niệm 2 năm thành lập Hội.
Tham dự Tọa đàm có ông Chu Công Phùng, Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Myanmar; Đại biện lâm thời Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam Thaw Tar Aung; đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp có quan hệ hợp tác với Myanmar; các cán bộ ngoại giao Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam và các thành viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Myanmar.
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Myanmar Chu Công Phùng đã điểm lại hoạt động của Hội trong hai năm qua, những thành tựu và khó khăn của Hội.
Ông Phùng cho biết, Tọa đàm về quan hệ Việt Nam – Myanmar là một trong những sự kiện chào mừng 2 năm thành lập Hội, đồng thời là hoạt động góp phần tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai nước.
Chủ tịch Hội Chu Công Phùng hy vọng thông qua Tọa đàm này, các đại biểu, các doanh nghiệp và Hội hữu nghị Việt Nam – Myanmar sẽ tăng cường đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác góp phần củng cố và phát triển tình hữu nghị Việt Nam – Myanmar.
Các diễn giả đã có các bài tham luận về Tình đoàn kết quốc tế Myanmar-Việt Nam; Quan hệ Việt Nam - Mi-an-ma thời gian gần đây; Việt Nam – Myanmar trong hội nhập và hợp tác; Đầu tư Việt Nam – Myanmar.
Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa, Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Trọng Kiên cho biết, Việt Nam và Myanmar đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1947. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, hai nước đã nâng cấp quan hệ Tổng lãnh sự lên quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ vào ngày 28/5/1975.
Từ đó đến nay, hai nước luôn ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau. Việt Nam đã tích cực ủng hộ Myanmar gia nhập Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM). Myanmar cũng ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và cùng các nước châu Á nhất trí ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Hai nước còn phối hợp chặt chẽ tại nhiều diễn đàn đa phương trong khu vực và quốc tế.
Về vấn đề Biển Đông, Myanmar cũng luôn ủng hộ lập trường của Việt Nam. Gần đây, ngày 13/7 Bộ Ngoại Giao Myanamr đã ra tuyên bố chính thức về phán quyết biển Đông của Tòa trọng tài quốc tế.
Trong tuyên bố, Myanmar đã kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh các hành động đe dọa hay sử dụng vũ lực. Mặc dù Trung Quốc bác bỏ bản án, Myanmar vẫn luôn gắn bó với nguyên tắc tôn trọng luật pháp, kể cả trong quan hệ đối ngoại.
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục Trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã có bài tham luận về Đầu tư Việt Nam – Myanmar. Bài tham luận nêu rõ tình hình hợp tác kinh tế hai nước trong từng giai đoạn.
Trong 5 năm qua, hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Myanmar phát triển tốt, xuất khẩu liên tục tăng, các dự án và vốn đầu tư tăng gấp nhiều lần trước đây.
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại thứ 9 của Myanmar với kim ngạch hai chiều đạt 657 triệu USD và là nhà đầu tư lớn thứ 10 tại Myanmar với tổng số vốn 693 triệu USD. Tính đến tháng 5/2016, Việt Nam có 47 dự án đầu tư tại Myanmar với tổng số vốn là 557 triệu USD. Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar (AVIM) cũng được thành lập và hoạt động tích cực. Việt Nam đã có một số dự án lớn tại đây như: Trung tâm phức hợp Hoàng Anh Gia Lại tại Yangon, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV)... Mới đây, Tập đoàn Viễn thông Viettel vừa trúng thầu và chuẩn bị liên doanh với Tập đoàn YPT của Myanmar.
Ông Trung cho biết, tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar khá lớn trong các lĩnh vực nông nghiệp, cây công nghiệp, ngân hàng, tài chính, hàng không, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, xây dựng. Trong số này, lĩnh vực hàng không, ngân hàng, viễn thông, dầu khí, khoáng sản đã có những bước phát triển và cần được ưu tiên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thực tế hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar thời gian qua chưa đạt được mong muốn của chính phủ và các doanh nghiệp hai nước. Các doanh nghiệp của Việt Nam còn yếu về tiềm lực vốn, chưa thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường này. Về phía Myanmar, các thủ tục hành chính kéo dài, chậm cấp giấy phép đầu tư cũng cản trở doanh nghiệp Việt Nam trong việc chiếm lĩnh và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Myanmar.
Ông Trung cũng nêu các chính sách đầu tư sang Myanmar của Việt Nam. Ông nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam nên nắm rõ khung pháp lý, các chính sách, thỏa thuận, tuyên bố chung của hai nước, đó chính là nền tảng để các doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh sang Myanmar.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm triển khai dự án tại Myanmar, giải đáp thắc mắc về các thủ tục đầu tư, chuyển tiền tại Myanmar.
Đại diện Đại sứ quán Myanmar, Đại biện lâm thời Thaw tar Aung đã đóng góp ý kiến cho hội thảo. Đại biện đánh giá cao hướng đầu tư của Việt Nam vào Myanmar và khẳng định sẽ sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Myanmar và cung cấp thông tin, giải đáp những thắc mắc liên quan đến thủ tục hành chính trong cấp giấy phép đầu tư tại đây.