Hội thảo Phát triển Nông nghiệp bền vững trong Hội nhập ASEAN
(Vietpeace) Trong hai ngày 15 và 16/9, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg - CHLB Đức tổ chức Hội thảo Phát triển Nông nghiệp bền vững trong Hội nhập ASEAN tại Hà Nội.
Ảnh: TV
Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; bà Liliane Danso Dahmen, Giám đốc Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg Đông Nam Á; ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; các nhà nghiên cứu, diễn giả đến từ Philippines, Campuchia, Indonesia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Ngọc Thái, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết, với khoảng 70% dân số là nông dân, nông nghiệp luôn là một lĩnh vực vô cùng quan trọng đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, chiếm gần 20% GDP của cả nước. Hội nhập kinh tế nói chung và hội nhập kinh tế ASEAN nói riêng đã mang lại những lợi ích và cơ hội đáng kể cho người nông dân, cho nền nông nghiệp Việt Nam cũng như các nước thành viên ASEAN nói chung. Tuy nhiên, hội nhập cũng sẽ đặt ra những khó khăn, thách thức ngày càng lớn, và người nông dân nằm trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg, với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển nông nghiệp bền vững trong hội nhập ASEAN” với mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo lợi ích cho người nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập ASEAN.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, tài nguyên sinh học đa dạng và phong phú. Nông nghiệp là truyền thống, vừa là động lực tăng trưởng, tăng khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng, thông qua tăng diện tích, tăng vụ, tốc độ tăng trưởng chậm.
Ông Lê Quốc Doanh mong muốn, thông qua Hội thảo, các diễn giả và các đại biểu tham dự sẽ phân tích các tác động của hội nhập ASEAN đến ngành nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của các nước thành viên ASEAN, tham khảo kinh nghiệm từ sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực đầu tư công cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo bà Liliane Danso Dahmen, Giám đốc Văn phòng Rosa Luxemburg Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia dựa vào nông nghiệp, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa trong những năm gần đây đã mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển nông thôn; hội nhập ASEAN cũng đem đến cơ hội xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang các quốc gia khác trên thế giới.
Trong hai ngày 15 - 16/9, các diễn giả đã trình bày và thảo luận các vấn đề như: Tác động của tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến ngành nông nghiệp; kinh nghiệm trong nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Campuchia; Nâng cao chất lượng sản phẩm đầu vào, giảm chi phí sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp bền vững; Quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trong phát triển nông nghiệp hàng hóa; Nông nghiệp Việt Nam: Một số vấn đề và kêu gọi các giải pháp trong AEC trong con mắt của các NGO địa phương; Chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.