Hội thảo “BREXIT - ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam và CHLB Đức”
(Vietpeace) Chiều 30/9/2016, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam – CHLB Đức phối hợp với Viện Friedrich - Naumann tại Việt Nam (FNS), tổ chức Hội thảo với chủ đề “Sự kiện nước Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu (BREXIT) - ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam và CHLB Đức”.
Photo: TV
Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có ông Bùi Khắc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; GS.TSKH. Hoàng Văn Huây, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam – CHLB Đức; đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương, Ban Chấp hành và Hội viên Hội hữu nghị Việt Nam – CHLB Đức.
Về phía CHLB Đức có ông Wolfgang Manig, Phó Đại sứ, Trưởng phòng Kinh tế Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam; Ông Hans – Georg Jonek, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Viện Friedrich-Naumann tại Việt Nam; đại diện các tổ chức phi chính phủ Đức tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Thanh Tịnh nhấn mạnh, Hội thảo “BREXIT - ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam và CHLB Đức” là một trong những hoạt động hợp tác thường niên giữa Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức và Văn phòng đại diện FNS tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động hợp tác năm 2016 giữa Văn phòng đại diện Viện Friedrich - Naumann tại Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam – Đức đồng thời cũng là một trong những hoạt động để chào mừng 41 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 5 năm kể từ khi hai nước Việt Nam và Đức trở thành đối tác chiến lược.
Ông Tịnh cho biết, hiện nay, BREXIT là vấn đề nóng đang nổi lên ở Châu Âu có ảnh hưởng sâu rộng không những riêng đối với các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) mà cả trên thế giới. Cuộc bỏ phiếu trưng cầu người dân tại Anh ủng hộ việc Anh rời khỏi EU đã và đang làm lung lay toàn bộ khối EU với 28 nước thành viên còn lại. Vì Anh là một nền kinh tế lớn và London là một trung tâm tài chính của Châu Âu. Đây là dịp tốt để các chuyên gia phân tích thực trạng, đưa ra những dự báo về mức độ ảnh hưởng của hậu BREXIT, đồng thời cập nhật về tình hình thời sự chính trị ở Đức và châu Âu.
Chia sẻ tác động của BREXIT đối với CHLB Đức, ông Hans – Georg Jonek cho biết, Anh là một đối tác nhập khẩu lớn hàng hóa và dịch vụ Đức, hai nước có quan hệ mật thiết về kinh tế và chính trị. Mặc dù Anh ra khỏi Liên minh Châu Âu nhưng kinh tế Đức quý II 2016 vẫn tăng trưởng 0,4%, tổng tăng trưởng 2016 ước tính là 1,7%.
TS. Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao nhận định, thị trường Anh chỉ chiếm chưa đầy 2,5% xuất khẩu và 4% nhập khẩu của Việt Nam. Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Anh cũng như nhập khẩu từ Anh đều có tính thông dụng có thể thay thế bằng nhiều thị trường khác. Tính đến hết tháng 6-2016, tổng số vốn đầu tư đã đăng ký của Anh vào Việt Nam (266 dự án) cũng chỉ đạt 4,6 tỷ USD. Ngoài ra, dù Anh có rời EU thì những chỉ số trên cũng không mấy biến động, do chỉ chiếm chưa tới 15% tổng số đầu tư của EU vào Việt Nam.
Ông Hải cũng nhấn mạnh thêm, sự thay đổi vị thế của Anh đối với Việt Nam cũng ít thay đổi sau khi nước này rời khỏi EU, bởi giữa hai nước đã có nền tảng là mối quan hệ đối tác chiến lược đã được thiết lập năm 2010.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tham gia tích cực trong phiên thảo luận và đưa ra những nhận xét và bình luận sâu sắc để làm rõ nét hơn các vấn đề liên quan đến BREXIT hiện nay.