Hội thảo “Hiệp định TPP và Cộng đồng ASEAN: Vai trò của các tổ chức nhân dân Việt Nam”
(Vietpeace) Ngày 26/10/2016, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quốc tế và Đối ngoại nhân dân thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng ASEAN: Vai trò của các tổ chức nhân dân Việt Nam”.
Ảnh: TV
Tham dự Hội thảo có ông Phan Anh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế và Đối ngoại nhân dân; đại diện Bộ Công thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, các tổ chức nhân dân Việt Nam và các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Anh Sơn cho biết việc Việt Nam vừa ký tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập vào cuối năm 2015 không chỉ ảnh hưởng, tác động đến Chính phủ, người dân, doanh nghiệp Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến các tổ chức nhân dân Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, ông Phan Anh Sơn đề nghị các tổ chức nhân dân Việt Nam căn cứ vào những thông tin được cung cấp, tình hình thực tế của Việt Nam và nguồn lực của tổ chức để xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án lâu dài, bền vững, giúp Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Cộng đồng ASEAN thuận lợi.
Giới thiệu về mục đích Hội thảo, ông Phan Anh Sơn cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin về cơ hội, thách thức và xác định vai trò của các tổ chức nhân dân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh gia nhập TPP và sự hình thành Cộng đồng ASEAN; khuyến nghị đối với các tổ chức nhân dân Việt Nam nhằm phát huy tối đa vai trò, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Đa biên, Bộ Công thương, nêu ra những cơ hội và thách thức khi gia nhập TPP của Việt Nam. Theo đó, việc gia nhập TPP sẽ giúp cho Việt Nam tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài; có cơ hội tăng công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo; tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh... Tuy nhiên, đồng thời với đó là những thách thức như sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi; về mặt pháp luật và thể chế, những tiêu chuẩn về quản trị minh bạch và hành xử khách quan sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý; về phía xã hội, một số doanh nghiệp yếu kém sẽ có khả năng rơi vào tình trạng khó khăn và gia tăng thất nghiệp, tăng khoảng cách giàu nghèo...
Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng khi tham gia TPP và Cộng đồng ASEAN được hình thành đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có những điều chỉnh lớn về chính sách, pháp luật, lao động, công đoàn. Vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động, đặc biệt là thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do hiệp hội và công đoàn là vấn đề có nhiều thách thức đối với Việt Nam
Tại Hội thảo, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng có những tham luận xung quanh vấn đề TPP và Cộng đồng ASEAN. Nhiều ý kiến thắc mắc của đại biểu đã được các chuyên gia trao đổi, giải thích.