Ông Somsavath Phongsa, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào ( Ảnh: Q.H)
10 thành viên của đoàn nhà báo Lào là các nhà báo đến từ các báo, đài truyền hình, phát thanh lớn của Lào như Thông tấn xã Lào, Đài Truyền hình Quốc gia Lào, Báo Nhân dân Lào, Đài Phát tranh quốc gia Lào, Thời báo Viêng chăn. Đoàn thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 2/10 - 12/10/2016.
Nhân dịp này, phóng viên trang Vietpeace đã có cuộc phỏng vấn với
PV: Xin ông cho biết mục đích chuyến thăm Việt Nam của Đoàn nhà báo Lào ?
Ông Somsavath Phongsa: Đoàn sang thăm Việt Nam với mục đích thu thập dữ liệu, quay phim, chụp ảnh về đất nước con người Việt Nam, viết bài về những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Những bài viết, phim, ảnh thu được trong chuyến thăm lần này nhằm phục vụ cho đợt tuyên truyền kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam.
PV: Đoàn nhà báo Lào đã có buổi gặp gỡ với Hội hữu nghị Việt Nam - Lào và các cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau buổi gặp gỡ ?
Ông Somsavath Phongsa: Tôi rất vinh dự khi được tiếp xúc, nói chuyện với các cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Tôi xin phép được gọi là các Bác như là con cháu trong nhà. Khi nghe các Bác kể về những kỷ niệm khi ở chiến trường Lào, về tình cảm, sự giúp đỡ chân thành mà quân, dân hai nước dành cho nhau, tôi vô cùng xúc động. Xúc động đến không biết nói gì, chỉ hy vọng các Bác sẽ mãi mạnh khỏe, sống vui vẻ bên con cháu và tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân hân hai nước sẽ được củng cố, giữ gìn và phát triển.
Trong đoàn nhà báo của chúng tôi, có nhà báo đã từng học tập tại Việt Nam, có nhà báo là con em bộ đội Lào - những người đã từng cùng sát cánh chiến đấu với quân tình nguyện Việt Nam, có người khi còn nhỏ đã có dịp tiếp xúc và có nhiều kỷ niệm với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Chúng tôi có cùng một cảm xúc là trân trọng, biết ơn và thân thiết khi gặp các Bác quân tình nguyện Việt Nam. Khi quay lại Lào, chúng tôi sẽ kể lại những giây phút gặp gỡ xúc động này với người thân và đồng nghiệp của chúng tôi.
PV: Ông có đánh giá gì về công tác tuyên truyền, truyền thông về quan hệ hữu nghị Lào - Việt Nam hiện nay ?
Ông Somsavath Phongsa: Các cơ quan thông tin, đại chúng đặc biệt là các cơ quan truyền thông của Lào đã có những thông tin kịp thời về những sự kiện hợp tác, hữu nghị giữa hai nước, phản ánh được mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Qua những thông tin tuyên truyền, nhân dân Lào đã nhận thức sâu sắc hơn về quan hệ hữu nghị hai nước.
Giữa các cơ quan báo chí, truyền thông hai nước thường xuyên có sự hợp tác, phối hợp trao đổi thông tin. Khi phía Việt Nam có những thông tin tuyên truyền về quan hệ Việt Nam - Lào, phía Lào sẽ có sự hợp tác, phối hợp mang những thông tin đó sang Lào để tiếp tục tuyên truyền cho người dân Lào và ngược lại.
Về mặt định hướng tuyên truyền, thời gian qua đã làm rất tốt. Ban Tuyên Giáo TƯ của Lào đã có các định hướng, hướng dẫn với các báo, đài theo chủ trương của Đảng và Nhà nước Lào. Ban Tuyên Giáo TƯ cũng đã xuất bản đặc san tuyên truyền về mối quan hệ Lào - Việt Nam và các phóng viên có thể tham khảo các bài viết trong đặc san để làm cơ sở, căn cứ tuyên truyền.
Hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, báo điện tử đã đóng vai trò quan trọng và thu được hiệu quả tốt trong công tác tuyên truyền. Việc khai thác tốt các mạng xã hội, báo điện tử là rất cần thiết trong việc thông tin đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, là đối tượng mà chúng ta rất cần giáo dục truyền thống về lịch sự quan hệ đặc biệt hai nước. Giới trẻ, học sinh, sinh viên là đối tượng thông thạo và thích thú với công nghệ mới, chúng ta có thể cung cấp thông tin trên mạng Internet để họ có thể vào các cổng thông tin điện tử, các báo điện tử của Đảng, Nhà nước để tìm kiến những thông tin chính thống về quan hệ Lào - Việt Nam.
Dưới sự ảnh hưởng của báo điện tử, báo in đã mất đi thế mạnh. Tuy nhiên, ở những vùng miền xa xôi, nơi internet và mạng di động chưa phát triển thì báo in lại chiếm lợi thế, rất hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Chúng ta cần phát triển song song hai thể loại báo mạng và báo in, đưa những thông tin chính xác, phong phú về quan hệ hữu nghị truyền thống, đặc biệt và toàn diện Lào - Việt Nam tới các tầng lớp nhân dân.
PV: Ông có suy nghĩ gì về quan hệ hữu nghị, hợp tác Lào - Việt Nam hiện nay ? Ông có nguyện vọng gì về quan hệ Lào – Việt Nam trong tương lại ?
Ông Somsavath Phongsa: Trên thế giới không có mối quan hệ hai nước nào được như mối quan hệ Lào - Việt Nam. Mối quan hệ hữu nghị Lào - Việt Nam là “đặc biệt” và “toàn diện”. Ý nghĩa của các tử “đặc biệt” và “toàn diện” đã miêu tả ý nghĩa quan trọng, tầm vóc to lớn của quan hệ này. Trong thời gian qua, hợp tác giữa hai nước đã phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực. Trong tương lai, ngoài “đặc biệt” và “toàn diện” tôi hy vọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước sẽ ngày càng sâu sắc, “đặc biệt” đi vào chiều sâu hơn và “toàn diện” cũng đi vào chiều sâu hơn.
Tôi tin tưởng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Lào - Việt Nam “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững và ngày càng phát triển” như mong muốn của Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn !