Tại buổi tiếp, ông Phạm Hữu Hoa đã giới thiệu về Liên hiệp và Chương trình hợp tác giáo dục giữa Liên hiệp và Trường Đại học SUNY Brockport (Mỹ) trong 20 năm qua, đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam đến các bạn sinh viên Mỹ; tổ chức nhiều hoạt động xã hội chăm lo và hỗ trợ các gia đình và nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, ước tính khoảng 400 triệu đồng mỗi năm; trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Liên hiệp và Chương trình SUNY Brockport (Mỹ) cũng đã trao tặng 100 suất quà, mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng giúp đỡ phụ nữ nghèo trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ông cũng thông báo Liên hiệp dự kiến sẽ triển khai Chương trình hợp tác với Trường Cao đẳng KEUKA (Mỹ); phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng dự kiến tổ chức Hội thảo với sự tham dự của khoảng 700 đại biểu hai nước Việt, Mỹ trong tháng 10 này nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Ông mong muốn Liên hiệp và VVA sẽ hợp tác triển khai một số hoạt động cụ thể để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, góp phần xoa dịu nỗi đau, khắc phục hậu quả của chiến tranh; tạo cái nhìn thiện cảm cho thế hệ thanh thiếu niên hai nước lớn lên sau chiến tranh; góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Ông Grant T. Coates đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa tổ chức VVA với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội Việt - Mỹ, cũng như Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt - Mỹ ở các tỉnh/thành địa phương. Đây là lần thứ 30 VVA tổ chức Đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này, VVA cũng đã gởi các hồ sơ liên quan đến bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh cho Bộ Quốc Phòng, Bộ Ngoại giao và Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, nâng tổng số hồ sơ cung cấp thông tin mất tích của bộ đội Việt Nam lên con số 304 bộ cho đến nay. Ông mong muốn đẩy mạnh Chương trình “Sáng kiến cựu chiến binh - VIP” để ngày càng đạt được những kết quả khả quan hơn nữa, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và cựu chiến binh hai nước.
Bà Margaret P. Porter cũng bày tỏ sự xúc động khi gặp lại các người bạn Việt Nam thân quen, bà đã rất đau lòng và cảm động khi xem các bộ phim về hậu quả của chiến tranh, của chất độc da cam đối với người Việt Nam. Bà cũng thông tin thêm rằng, tổ chức VVA đã đưa ra “Sáng kiến khuôn mặt da cam” để đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải thừa nhận ảnh hưởng của chất độc da cam đến cựu chiến binh Mỹ và thế hệ con cháu của họ để có những chính sách trợ cấp thỏa đáng. Qua quá trình nỗ lực, thì đến nay sáng kiến này đã được Quốc hội Mỹ thông qua, nhưng Chính phủ Mỹ thì vẫn chưa có động thái gì, VVA sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để tổng hợp các tài liệu, phim ảnh và kiến nghị với chính phủ Mỹ để giải quyết hậu quả do chiến tranh để lại cho cựu chiến binh hai nước và gia đình họ.
PGS.TS Phan Văn Hòa cho rằng nên tích cực giáo dục thế hệ học sinh, sinh viên, thanh niên hai nước hiểu rõ về chiến tranh và hậu quả của nó. PGS.TS đề cập đến nội dung Hội thảo mà ông Phạm Hữu Hoa đã thông tin ở trên, và hi vọng các bạn Đoàn VVA sẽ cung cấp thêm nhiều nội dung, hoạt động của VVA trong thời gian qua để có thêm nhiều thông tin đưa vào Hội thảo sắp đến.
Ông Grant T. Coates hoàn toàn thống nhất quan điểm cần giáo dục về chiến tranh và hòa bình cho thế hệ thanh niên hai nước, để mai này khi ông và các bạn Việt Nam cùng lứa già đi, sẽ có thế hệ tiếp cận hiểu, ủng hộ và phát huy tình hữu nghị, đoàn kết Việt - Mỹ.
Ông Grant T. Coates đã trao cho ông Phạm Hữu Hoa các tài liệu mô tả về sơ đồ, vị trí, toạ độ liên quan đến bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh.Ông Phạm Hữu Hoa đã tiếp nhận các tài liệu này và chân thành cảm ơn tổ chức “Cựu Chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam” cũng như cá nhân ông Grant T. Coates.
Trong khuôn khổ chuyến thăm tại Đà Nẵng, Đoàn tiếp tục làm việc với Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố và thăm một số gia đình nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố.
Tin + ảnh: Mai Dung-Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng