Chủ trì buổi giao lưu ở đầu cầu Hà Nội là Tiến sĩ G.B Harisha, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda; tham dự ở đầu cầu thành phố Đà Nẵng có diễn giả Bùi Xuân, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, ông Phạm Hữu Hoa, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố, ông Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Ấn thành phố, cùng các ông/bà là Ủy viên Ban Chấp hành Hội.
Chia sẻ tại Buổi giao lưu, diễn giả Bùi Xuân kể về kỷ niệm lần đầu ông bắt gặp và đọc tác phẩm “Lời dâng” của Tagore (Đỗ Khánh Hoan dịch), lúc đó trong ông có một niềm đam mê và khát khao được dịch các tác phẩm của tác giả nổi tiếng này. Được sự động viên, chia sẻ của bạn bè, các nhà nghiên cứu về văn hóa Ấn Độ, dịch giả Bùi Xuân đã tiếp cận được nhiều tác phẩm của Tagore và bắt đầu cảm thụ, nghiên cứu nắm bắt nội dung, nhịp điệu của bài thơ, rồi chuyển ngữ sao cho sát nghĩanhưng vẫn giữ được vẻ đẹp của thơ Tagore.
Trong quá trình nghiên cứu và dịch thuật, diễn giả Bùi Xuân đã đúc kết được một số tính chất trong tác phẩm của tác giả Ấn Độ như: Tagore là một nhà thơ của tình yêu, rộng lớn hơn là tình yêu thương con người, triết lý về sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, con người là thành phần trong vũ trụ bao la, dù cuộc sống không chỉ có hạnh phúc, mà còn nhiều khổ đau thì con người nên ý thức và hiểu được giá trị của mình để vui sống. Giọng điệu thơ Tagore phong phú, nồng nàn, nhiều màu sắc, thường thể hiện sự sùng kính đấng thiêng liêng vô hình nào đó. Từ ngữ, hình ảnh thơ ông thường đi liền với nội dung cần phản ánh, ví dụ: những từ như “my mother, my king, let’s me...” gắn liền với bài thơ có nội dung mang tính sùng kính; hình ảnh ngọn đèn thể hiện tình yêu; hình ảnh con chim thể hiện ước ao tổ ấm, nhu cầu tự do... Đến nay, ông Bùi Xuân đã dịch sang tiếng Việt 05 cuốn thơ của Tagore là: Bầy chim lạc (Stray birds), Mùa hái quả (Fruit-Gathering), Người thoáng hiện (The Fugitive), Những khúc hát của Kabir (Songs of Kabir), và Thơ (Poems).
Tiến sĩ G.B Harisha, bày tỏ cảm ơn sự yêu mến văn học Ấn Độ, đặc biệt là yêu mến các tác phẩm của tác giả vĩ đại Tagore của người dân Việt Nam; việc dịch các tác phẩm sang tiếng Việt sẽ lan tỏa giá trị văn học Ấn Độ đến đông đảo người dân Việt Nam và thế giới, qua đó gắn kết các nền văn hóa, để thêm thấu hiểu, gần gũi và yêu thương.
Buổi giao lưu này nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Gurudev Rabindranath Tagore” diễn ra từ ngày 04 đến ngày 08 tháng 5 năm 2020 do Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức.
Rabindranath Tagore (06/5/1861 - 07/8/1941) là nhà thơ, triết gia và nhà dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ được trao Giải Nobel Văn học năm 1913, trở thành người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel.Tài sản văn học của ông gồm hơn 16.000 tác phẩm ở nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, tiểu luận, hội họa, tiểu thuyết...Ở Việt Nam, có rất nhiều nhà văn, nhà thơ quan tâm tìm hiểu, dịch và xuất bản tiếng Việt các tác phẩm của Tagore./.
Mai Dung