Đây là quan điểm của nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan khi bàn về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Phóng viên (PV): Ủng hộ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo luôn gặp không ít khó khăn, rào cản. Nhưng chúng ta vẫn có những cán bộ dám nghĩ, dám làm và không ít cán bộ dám bảo vệ người đổi mới, sáng tạo, thưa ông?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Với ngành ngoại giao, tôi có thời gian tham gia hoạt động rất lâu năm. Tư tưởng đổi mới, sáng tạo đã nảy sinh từ rất sớm. Tất nhiên, nó là sự nối tiếp của tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao, nhưng trong hoàn cảnh cụ thể thì nó luôn vận động, phát triển. Tôi nhớ, giữa những năm 80 của thế kỷ 20, khi nước ta ở trạng thái khủng hoảng rất sâu sắc về kinh tế; bị bao vây cô lập; các nước bạn bè truyền thống là Liên Xô và Đông Âu cũng lún sâu vào khủng hoảng... nên tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn là việc vô cùng nan giải. Thế nhưng vào thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã đưa ra nhiều quan điểm đổi mới, sáng tạo. Cụ thể là gì? Cụ thể là, ông cho rằng ngoại giao phải phục vụ kinh tế. Trước kia thì ngoại giao là để thực hiện nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, đấu tranh về ngoại giao thôi chứ ít ngoại giao về kinh tế và phục vụ kinh tế.
Lúc đưa ra tư tưởng ấy đã gặp không ít trở ngại, rất nhiều người ý kiến, bàn ngược, thậm chí phủ nhận. Không ít người cho rằng: Ngoại giao như thế là làm không đúng việc của mình. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lúc bấy giờ kiên trì thuyết phục. Ông cho rằng ngoại giao muốn phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì trước hết phải mạnh trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch lập ra một loạt đơn vị để thực hiện những việc này. Tôi được chọn làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: vtc.vn |
Chúng tôi làm bằng cách nào mà không lấn sân sang các ngành khác? Câu trả lời là: Phải chọn được lợi thế của ngành ngoại giao là hiểu biết thế giới. Chúng tôi đi sâu nghiên cứu những kinh nghiệm từ các nước. Ví dụ như kinh nghiệm chống lạm phát hay kinh nghiệm công nghiệp hóa để đối chiếu với tình hình nước ta, rồi đề xuất chủ trương. Dần dần, những đề xuất đó được tiếp thu tốt đẹp và đã góp phần nhất định vào việc mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, trong đó có cả chủ trương mở cửa với bên ngoài và xây dựng Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987).
Tôi nói một ví dụ đó thôi để thấy, có được sự đổi mới, sáng tạo thì phải trải qua những cái mà ta tạm gọi là đấu tranh nội bộ rất cam go. Cái mới không phải lúc nào cũng được mọi người ủng hộ. Ngay trong nội bộ chứ chưa nói gì đến các ngành bên ngoài. Tất nhiên, ở bên ngoài cũng có những ý kiến trái chiều rất cam go, nhưng nếu không kiên quyết làm vì lợi ích chung thì không thể nào làm được gì. Điều quan trọng nhất, người đưa ra ý tưởng đổi mới sáng tạo, tầm nhìn mới phải có động cơ đúng đắn, vì lợi ích của xã hội, của dân tộc. Nếu lấy danh nghĩa đổi mới mà tính toán cá nhân thì đổi mới thành chết người chứ không thể thành công, hoặc chẳng ra gì cả!
PV: Chúng tôi được biết, ông là người đi bảo vệ người khác và cũng từng được người khác bảo vệ. Ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Lấy ví dụ về chính sách tập sự cán bộ cấp vụ và tập sự cấp bộ, những năm 80 của thế kỷ 20 và sau này. Đề xuất cán bộ cấp vụ không phải do lãnh đạo bộ mà phải đề bạt từ quần chúng đưa lên. Cán bộ cấp vụ cần có một số tiêu chuẩn nhất định, rồi từng vụ cho ý kiến, khi đáp ứng đủ các yêu cầu rồi mới đưa lên đảng ủy của bộ để xem xét, biểu quyết; rồi lại đưa ra hội đồng cán bộ cấp vụ để bỏ phiếu; cuối cùng đưa lên cấp Ban cán sự Đảng (lúc bấy giờ gọi là Đảng đoàn) xem xét, bỏ phiếu kín.
Chọn những người tập sự trong vòng hai năm. Cứ 6 tháng lại kiểm điểm một lần. Thế thì mới tạo được lớp cán bộ mới hoàn toàn. Từ chuyên viên mà lên làm lãnh đạo cấp vụ, tôi cũng rơi vào diện đó. Cần thấy rõ, muốn đổi mới, sáng tạo về công việc thì phải bắt đầu từ cách chọn lựa cán bộ. Hai cái đó phải đi song song với nhau thì mới có thể thành công được. Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã kiên trì theo cách làm này, cùng với việc kiên quyết bảo vệ cán bộ có tài, có tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm, điều này đã giúp Bộ Ngoại giao có một lớp cán bộ mới được chọn lựa từ quần chúng. Về sau, tôi được làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, tham gia ban lãnh đạo, ban cán sự của Bộ Ngoại giao thì chúng tôi vẫn đi theo con đường bảo vệ tất cả anh em có sáng kiến. Mọi ý kiến sáng tạo, đổi mới vì lợi ích chung đều được lắng nghe và cho thực hiện.
Vào thời điểm tôi ở ngành ngoại giao, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về chủ trương đối ngoại của chúng ta. Ví dụ như Việt Nam nên vào ASEAN hay không? Bởi trước kia, tiền thân của khối này là Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á SEATO (chưa bao gồm đầy đủ các nước ASEAN như hiện tại) có nhiều hoạt động chưa ủng hộ một số nước ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hay chuyện ký hay không ký hiệp định thương mại với Hoa Kỳ? Lúc đó, mọi việc không phải đơn giản, vì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đến khi tôi sang Bộ Thương mại, hiệp định thương mại với Hoa Kỳ dù đã đàm phán xong rồi nhưng đến phút chót thì hai nước vẫn chưa ký được. Sau đó quyết định lại thay đổi, là phải ký với Hoa Kỳ. Điều này khiến những cán bộ đi đàm phán, các chuyên viên lúng túng, rất khó khăn.
Trong những lúc như thế, tôi xác định mình phải đứng mũi chịu sào, tránh để anh em chịu điều tiếng gì. Tôi nói với anh em cấp dưới, tôi chịu trách nhiệm, các anh cứ đi đàm phán theo chủ trương. Tất nhiên khi ấy tôi phải báo cáo đầy đủ lên cấp cao, vì chuyện này rất quan trọng. Nhưng mà cấp cao nhất cũng chỉ cho ý kiến lớn thôi, còn cụ thể chúng tôi phải triển khai.
Khi ấy cũng có đơn thư này nọ, nói thế này, thế kia. Tôi đã báo cáo lên cấp trên và được cấp trên hiểu. Còn việc của tôi, tôi nói rất rõ: Các anh đừng đụng đến cán bộ của tôi. Cán bộ của tôi làm theo chỉ đạo của tôi và tôi thì theo cấp trên. Tôi bảo với anh em là các cậu kệ tớ, tớ sẽ chịu đựng; còn các cậu cứ làm theo chỉ đạo của tớ, đơn thư thì mặc kệ. Vì lợi ích quốc gia mình làm đúng thì thôi.
PV: Ông còn băn khoăn điều gì ở Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, khóa XIII vừa được ban hành?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Tôi còn lăn tăn ở quan điểm thứ ba trong kết luận, rằng muốn đổi mới, sáng tạo phải được thủ trưởng cơ quan với lại cấp ủy đồng ý. Tôi cho rằng nếu thủ trưởng và cấp ủy đồng ý thì còn gọi gì là đổi mới, sáng tạo nữa. Vì nhiều ông thủ trưởng cơ quan đâu có tư tưởng đổi mới, sáng tạo đâu. Thế nếu các thủ trưởng và cấp ủy không đồng ý thì sao? Nếu không cởi bỏ được cái nút này thì khó thành công.
Theo tôi, cần cho cán bộ có quyền được báo cáo vượt rào lên cấp trên cao hơn nếu mà cấp trực tiếp của mình không đồng ý. Tất nhiên là công tác báo cáo phải công khai chứ không phải là đi dấm dúi, vụ lợi cá nhân.
PV: Vậy theo ông, cần đột phá vào đâu?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Kết luận này rất quan trọng nhưng chưa đủ trọn vẹn để tháo gỡ những vướng mắc. Khâu đột phá chính ở chỗ luật hóa. Với bên Đảng thì có thể ra nghị quyết chính thức, chỉ thị... Bên Nhà nước nếu mà chưa kịp làm được luật thì phải có nghị định, chỉ thị... Lấy ví dụ về việc người được phép vượt cấp báo cáo chỉ khi cấp trên trực tiếp không đồng ý, lúc đó cần xin phép báo cáo lên cấp trên cao hơn. Ví dụ ở huyện thì xin báo cáo tỉnh ủy, nếu huyện không đồng ý. Tôi thấy khâu đó là khâu quyết định nhất. Không có sự ủng hộ thì làm sao có đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm?
PV: Theo ông, đâu là thuận lợi và khó khăn khi đưa tinh thần Kết luận số 14-KL/TW vào cuộc sống?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Cái quyết định nhất là ở cấp lãnh đạo cao nhất đã có sự chuyển biến rồi. Nhưng lãnh đạo cấp dưới Trung ương, là các bộ, ngành, địa phương thì còn cực kỳ nhiều trở ngại. Ví dụ như đồng chí bí thư tỉnh ủy mà tư tưởng không đổi mới thì sẽ có trăm phương ngàn kế để cản trở ý tưởng sáng tạo, đột phá đổi mới. Đồng chí bộ trưởng mà không có tư tưởng đổi mới, hoặc vì động cơ nào đó thì cũng không thích cái cậu mà hay ý kiến hay sáng kiến, thì cũng khó mà có cấp dưới dám sáng tạo, đổi mới. Cái đó là cái khó nhất.
Kinh nghiệm cá nhân của tôi khi ở Bộ Ngoại giao là khi có người đứng đầu đổi mới thì cả bộ máy phải nghe theo. Ông ấy đứng mũi chịu sào bảo vệ cán bộ trước cấp trên thì mới làm được. Những người lãnh đạo trực tiếp không “bật đèn xanh” thì đố mà làm được cái gì.
PV: Như vậy, Kết luận số 14-KL/TW đáng hoan nghênh và còn nhiều việc phải làm, thưa ông?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: Đây là bước đầu cởi nút. Tất nhiên là bắt đầu cởi thôi. Để hoàn thiện được vẫn còn nhiều việc phải làm. Nhưng dù sao cũng có một bước tiến đáng hoan nghênh. Câu chuyện nhân tài là nguyên khí quốc gia thì chúng ta nói quá nhiều rồi. Nhưng mà chưa có một cơ chế nào để phát hiện, tạo điều kiện cho nhân tài làm việc cả. Đây là lần đầu tiên có một văn bản ở mức kết luận như vậy đã mở đường để tiến lên thể chế hóa nó. Và càng làm công việc đó nhanh, càng cởi mở thì mới có thể sáng tạo được vì cuộc sống.
Ví như chuyện chống dịch Covid-19, phải đòi hỏi sự sáng tạo ghê gớm lắm. Chúng ta đã rất sáng tạo, như cách Quốc hội tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành. Không phát huy đổi mới, sáng tạo thì làm sao có thể giải quyết được những vấn đề cực kỳ mới mẻ của xã hội.
Dám bảo vệ cái đúng, tạo điều kiện cho những cá nhân, tập thể dám vì cái chung mà hành động là quyết sách tôi cho là rất đáng hoan nghênh, nhưng mà chưa đủ, chắc chắn phải cụ thể hóa hơn nữa thì mới khơi dậy được phong trào đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia. Không như thế làm sao đất nước phát triển được. Không có những người tiên phong như thế thì làm sao sự nghiệp làm nên thành công được.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Q.Hoa t.h / QĐND