Đại biểu tham dự tọa đàm “Quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga và ở K9”. Tọa đàm được tổ chức nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) và 100 năm lần đầu Bác Hồ đặt chân đến nước Nga (30/6/1923 – 30/6/2023) (Ảnh: Vũ Khánh). |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga thành phố Hà Nội Đường Hoài Nam cho biết, nước Nga có vị trí và tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo tư liệu lịch sử, mùa hè năm 1923, Nguyễn Ái Quốc nhận giấy mời đến Liên Xô tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản. Ngày 30/6 năm đó, trên chuyến tàu biển từ Hamburg (Đức), với giấy thông hành mang tên người thợ ảnh “Chen Vang”, Người đã cập cảng Petrograd, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước trên quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga. Chuyến đi đã trở thành một biểu tượng lịch sử cho những thay đổi mang tính chất quyết định đến con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
Các sinh viên Học viện Khoa học Quân sự đã tham gia thuyết trình về những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần đầu đặt chân tới Liên Xô và những năm tháng sau đó ở Liên Xô. Các thông tin đã làm nổi bật ý nghĩa lịch sử trong việc lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc và quyết định của Người tới Liên Xô.
Các đại biểu tham quan Triển lãm "Bác Hồ với K9" được trưng bày tại Khu di tích K9. (Ảnh: Vũ Khánh) |
Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Andrey Borodenko phát biểu tại Tọa đàm: Ngày 30/6/1923, có một người đã đi bằng đường biển từ Hamburg (Đức) đến thành phố Petrograd (Liên Xô). Đó là nhà lãnh đạo tương lai và Chủ tịch nước đầu tiên của nước Việt Nam - đồng chí Hồ Chí Minh, Người sau này trở thành một trong những nhân vật chính trị lớn nhất của thế kỷ XX. Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh một mặt tìm con đường giải phóng đất nước khỏi ách áp bức thuộc địa, mặt khác tìm con đường xây dựng một xã hội công bằng.
“Lịch sử đã gắn kết hai đất nước chúng ta hàng trăm năm trước sẽ tiếp tục là cơ sở vững chắc để tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong tương lai”, ông A.Borodenko nói.
Một số hình ảnh về các hoạt động diễn ra tại sự kiện:
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Đá Chông K9. (Ảnh: Vũ Khánh) |
Ông Đường Hoài Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga thành phố Hà Nội, Bí thư Quận ủy Long Biên tặng sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đại biểu. (Ảnh: Vũ Khánh) |
Phu nhân Đại sứ Nga tại Việt Nam Elena Bezdetko phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Vũ Khánh) |
Các đại biểu cùng các bạn sinh viên Học viện Khoa học Quân sự chụp ảnh lưu niệm sau Tọa đàm. (Ảnh: Vũ Khánh) |
* Chia sẻ tại Tọa đàm, Đại tá Nguyễn Ngọc Huân, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kể: Ngày 24/1/1962 tại Khu Di tích K9, Bác Hồ cùng Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô, do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Titov dẫn đầu đi bằng máy bay trực thăng lên thăm khu vực Đá Chông. Bác và Anh hùng G.M Titov trồng 2 cây vàng anh. Đến nay 2 cây vàng anh vẫn bốn mùa xanh lá, trổ hoa thơm ngát, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí thủy chung của nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Long Phạm / Theo Thời Đại