Thay những chuyến đò tay
Đúng 6 giờ sáng, chị Phan Sath , người xã Chàm (huyện Kampong Trabeak, tỉnh Prey Veng) cùng hơn 10 người khác đã đứng đợi sẵn ở đầu cầu Hữu Nghị 2 bên phía Campuchia. Người xe máy, người xe đạp, người đi bộ, tất cả họ đang chờ để qua cầu Hữu Nghị 2, bắt đầu một ngày làm việc bình thường tại xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An).
Cầu mở cửa, chị Phan Sath trên chiếc xe gắn máy cùng những người khác đi nhanh qua cầu. Chứng minh nhân dân đã cầm sẵn trên tay, chị xếp hàng ghé Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Hưng làm thủ tục xin qua Việt Nam mua ít đồ dùng. Chị Phan Sath cho biết, từ nhiều năm qua, hầu như ngày nào chị cũng xin qua chợ xã Hưng Điền để mua rau quả, cá, thịt, nhu yếu phẩm về bán lại cho người dân địa phương.
Chị Phan Sath (xã Chàm, huyện Kampong Trabeak, tỉnh Prey Veng) làm thủ tục tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Hưng để sang Việt Nam. (Ảnh: Kiên Cường) |
“Nhà tôi cách Việt Nam hơn 3km, gia đình không có ruộng đất. Để kiếm tiền nuôi gia đình, tôi mở một quán nhỏ, hàng ngày sang Việt Nam mua ít đồ về bán kiếm lời. Mỗi sáng, tôi qua đây, chỉ cần trình giấy tờ tùy thân và làm một số thủ tục đăng ký đơn giản là các anh bộ đội cho qua. Không chỉ tôi mà tất cả người dân sinh sống giáp biên giới đều phấn khởi khi các bạn Việt Nam đã dành mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ chúng tôi phát triển kinh tế”, chị Phan Sath nói.
Ở phía bên kia cầu, chúng tôi gặp bà Lê Kim Hậu (ấp Cây Me, xã Hưng Điền) đang trên chiếc xe gắn máy di chuyển từ phía xã Hưng Điền ghé vào Trạm kiểm soát Biên phòng Tân Hưng làm thủ tục qua Campuchia. Hàng ngày bà đi gom hột vịt của bà con xung quanh rồi đem qua Campuchia bán.
Bà kể, ngày trước, bà con hai bên phải qua lại trên một chuyến đò kéo dây bằng tay. Người đưa đò lúc đó phải lần tay theo một sợi dây thừng vắt ngang qua kênh Cái Cỏ để đưa đò qua lại. Con đò mỗi lần từ bờ này qua bờ kia phải mất hơn 10 phút mà chỉ chở được tối đa 2 xe máy. Giờ có cầu rồi, cứ 6 giờ sáng hàng ngày, khi thanh chắn cầu được mở là mọi người có thể chạy xe máy thẳng một mạch sang bờ bên kia.
Những nhịp cầu hữu nghị
Theo Đại úy Lê Minh Trung, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Hưng, cầu Hữu Nghị 2 bắc qua kênh Cái Cỏ, nối liền hai tuyến đường tỉnh 819 thuộc xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) và đường số 103 (đường Svai À Ngong), xã Chàm (huyện Kampong Trabeak, tỉnh Prey Veng).
Cầu được khởi công từ tháng 6/2014, hoàn thành tháng 3/2015 với tải trọng thiết kế (xe đơn) 18 tấn, mặt cầu rộng 4,5m, chiều dài toàn cầu trên 80m. Tổng kinh phí xây dựng là 10,6 tỉ đồng. Hàng ngày, cầu mở cửa cố định từ 6-18 giờ, nhưng những trường hợp ngoại lệ như đau ốm, bệnh tật thì bất cứ ngày hay đêm cũng phải giải quyết cho người dân đi qua.
Cầu Hữu Nghị 2 đón khoảng 100 lượt người qua lại mỗi ngày. (Ảnh: Kiên Cường) |
Trung tá Phạm Văn Toàn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng (xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, Long An) cho biết, từ khi cầu Hữu Nghị 2 hoàn thành và đưa vào sử dụng, hoạt động qua lại của người dân hai bên biên giới thuận lợi hơn nhiều. Hàng ngày, cầu đón khoảng 100 lượt người qua lại làm ăn. Khi thì người dân Việt Nam qua buôn bán con cá, con tôm, bó rau... Khi thì những người bạn Campuchia qua làm thuê, mua vật tư nông nghiệp, nông sản, vừa có thêm thu nhập, vừa học được những kinh nghiệm phát triển kinh tế.
Theo Trung tá Phạm Văn Toàn, việc duy trì, quản lý hoạt động tại cầu Hữu Nghị 2 thời gian qua được đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó giúp lực lượng vũ trang nói chung, Đồn Biên phòng Sông Trăng nói riêng và bộ đội bảo vệ biên giới Campuchia thuận lợi hơn trong công tác phối hợp, tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới. Đồng thời đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên tuyến biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Ngoài cầu Hữu Nghị 2, còn nhiều những nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia được xây dựng trên khắp tuyến biên giới Tây Nam như cầu Hữu Nghị 1 nối liền xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) và xã Crúa (huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng); cầu Long Bình - Chray Thom nối liền hai tỉnh An Giang và Kandal; cầu Mơn Chây nối liền hai tỉnh Tây Ninh và Prey Veng…
Những cây cầu không chỉ giúp kết nối giao thông mà còn là biểu tượng sống động của tình đoàn kết giữa Việt Nam và Campuchia. Người dân hai bên biên giới tuy khác nhau về quốc tịch, văn hóa, ngôn ngữ nhưng luôn xem nhau như hàng xóm, láng giềng. Mỗi lượt người qua lại đều góp phần xây dựng quan hệ láng giềng thân thiện, thúc đẩy kinh tế vùng biên và vun đắp cho tương lai chung của hai dân tộc.
Theo Thời Đại