Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị phát biểu tại buổi thảo luận (Ảnh: Tuấn Việt).
Đây là buổi thảo luận bên lề Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực 2021 (Foood Systems Summit) do Hiệp hội nhân dân Á-Âu phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức trực tuyến. Tham dự buổi thảo luận còn có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Ủy ban Liên bang Nga về UNESCO, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ủy ban Kinh tế Á-Âu, Phó Tổng Thư ký Hợp tác quốc tế EPA, Trợ lý Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO).
Trình bày chủ đề “Vai trò của các tổ chức nhân dân trong việc chuyển đổi các hệ thống lương thực nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” tại buổi thảo luận, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh “Việt Nam tích cực thực hiện chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững đến 2030 của Liên Hợp quốc, năm 2017, trong đó có những mục tiêu ưu tiên liên quan nhiều đến vấn đề lương thực - thực phẩm như: (1) Xóa nghèo; (2) Không còn nạn đói; (3) Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm; (4) Hành động về khí hậu; (5) Sức khỏe và có cuộc sống tốt; (6) Nước sạch và vệ sinh; (7) Quan hệ đối tác vì các mục tiêu.”
Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, để thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững và ứng phó với COVID-19 cũng như khắc phục hậu quả của đại dịch, việc chuyển đổi, xây dựng hệ thống lương thực có tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường có ý nghĩa rất quan trọng. Và trong quá trình chuyển đổi này, vai trò trung tâm của người dân ngày càng quan trọng bởi người dân là người trực tiếp sản xuất và cũng là người tiêu thụ các sản phẩm lương thực.
“Vai trò của các tổ chức nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc (i) tăng cường tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức của người dân về các nguy cơ, thách thức đối với các hệ thống lương thực cũng như an ninh lương thực; (ii) thúc đẩy giáo dục, đào tạo các kĩ năng ứng phó với các thảm họa thiên tai, các diễn biến bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; (iii) tăng cường phổ biến kiến thức; đưa công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến vào các hệ thống lương thực quốc gia...”, bà Nga khẳng định.
Bà Nga cho biết, ở Việt Nam có nhiều tổ chức nhân dân như Hội Nông dân, Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân, các hội chuyên ngành về xây dựng, tưới tiêu... Các tổ chức này được xây dựng trên nền tảng nhân dân, có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, lan tỏa sâu vào các mạng lưới nhân dân và giúp đỡ trong mọi mặt của quá trình sản xuất, tiêu thụ cũng như bảo vệ môi trường.
Bà Nga nhấn mạnh, về lĩnh vực hợp tác quốc tế, các tổ chức nhân dân của Việt Nam cũng có những kinh nghiệm quý báu. Các hội hữu nghị của Việt Nam với các nước thường là nơi quy tụ các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, đã từng học tập tại nhiều nước, có kiến thức quốc tế, có sự hiểu biết về các đối tác nước ngoài, sự thông hiểu về phong tục, tập quán, văn hóa…của các nước. Và vì vậy, họ có thể dễ dàng làm những cầu nối hữu hiệu trong việc hợp tác với các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài xây dựng và triển khai những dự án nhỏ về xây dựng công trình tưới tiêu, giới thiệu các công nghệ thâm canh, các phương án giải quyết vấn đề môi trường ở các vùng địa lý khác nhau… chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp thông tin và nghiên cứu, bàn giải pháp cho các vấn đề như: ngập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng của việc xây dựng các nhà máy thủy điện đến nguồn cung cấp nước cho nông nghiệp…
“Dịch bệnh COVID-19 là thách thức toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận và giải pháp toàn cầu. COVID-19 buộc chúng ta phải thay đổi và phải tập thích ứng với những điều kiện mới. Trong quá trình có tính bước ngoặt này, đoàn kết và hợp tác, phát huy vai trò của nhân dân và các tổ chức nhân dân là điều kiện tiên quyết để chúng ta vượt qua khó khăn và thành công trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực vì sự phát triển bền vững và sự thịnh vượng cho tất cả”, bà Nga khẳng định.
Đại biểu tham dự thảo luận tại điểm cầu Liên bang Nga (Ảnh: Tuấn Việt).
Buổi thảo luận đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, đói nghèo gia tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các đại biểu còn trao đổi về các thực tiễn, kinh nghiệm và kiến thức để xây dựng các quan hệ đối tác độc lập nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực Á-Âu-Phi và Liên minh kinh tế Á Âu.
Tuấn Việt