Toàn cảnh hội nghị.
Ngày 14/1, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch (nhiệm kỳ 2019-2024), nhằm đánh giá, tổng kết công tác năm 2021 và đề ra phương hướng, biện pháp cụ thể triển khai công tác năm 2022.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho rằng, công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam năm 2021 được triển khai trong một bối cảnh rất đặc biệt. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Các thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên này càng gay gắt, đặc biệt là đại dịch Covid-19 với những biến chủng mới gây ra hậu quả nặng nề trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh giành ảnh hưởng, tập hợp lực lượng ngày càng quyết liệt. Trong nước, Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV diễn ra thành công tốt đẹp, đề ra các chiến lược, mục tiêu cụ thể phát triển đất nước. Việt Nam nỗ lực vượt qua những khó khăn do đại dịch, đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Trong thành tựu chung của đất nước, có đóng góp rất quan trọng của công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại nhân dân, được ghi nhận qua các đánh giá tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc và Hội nghị ngoại giao lần thứ 31, vừa diễn ra vào tháng 12/2021. Cùng với các lực lượng làm đối ngoại nhân dân, toàn hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã nỗ lực, chủ động thích ứng tình hình mới, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động và hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức tốt công tác quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII và các văn bản chỉ đạo của Đảng. Điều lệ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được phê duyệt và đi vào thực hiện. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ động thích ứng, tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại có chất lượng, hiệu quả tốt, trong đó có việc vận động và hỗ trợ bạn bè quốc tế phòng, chống Covid-19; tham gia các diễn đàn đa phương quốc tế.
Trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do dịch bệnh gây ra, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nỗ lực vận động, duy trì nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài; có nhiều bước tiến tích cực trong thông tin đối ngoại và công tác nghiên cứu, tham mưu các cấp, qua đó tăng cường vai trò, uy tín của Liên hiệp. Cơ quan thường trực và các tổ chức thành viên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tăng cường gắn kết. Nhiều Hội Hữu nghị ở Trung ương và nhiều tổ chức địa phương đã rất chủ động, sáng tạo, có nhiều cách làm hay, hiệu quả.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích làm rõ những kinh nghiệm đúc rút được trong thực tiễn triển khai công tác thời gian qua; chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế và đặc biệt là phương hướng, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong năm 2022 và trong những năm tới.
Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên vừa qua đã nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ của đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng, theo đó nhiệm vụ của đối ngoại là phải phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động sự ủng hộ quốc tế và nguồn lực bên ngoài phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam; xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Các đại biểu cho rằng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và hoạt động, cả về nội dung và phương thức để củng cố và mở rộng mạng lưới bạn bè, đối tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, phi chính phủ nước ngoài, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng và phát triển tổ chức Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần phát huy lợi thế từ tiềm lực và vị thế mới của đất nước, biến các thách thức thành cơ hội, tạo nền tảng xã hội thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ đối ngoại, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước; xứng đáng là lực lượng nòng cốt của đối ngoại nhân dân, một trong 3 trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.
N.Nghiêm/Nhân dân