Theo Đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, chiều 11/5 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài thuyết trình tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở Washington D.C.
Phát biểu thuyết trình của Thủ tướng Phạm Minh Chính được CSIS tường thuật trực tiếp trên các nền tảng công nghệ.
Phát biểu chào mừng, Tiến sỹ John Hamre, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành CSIS, cho rằng việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới và có bài thuyết trình tại hội thảo CSIS là một đặc ân dành cho CSIS. Đây cũng là lần thứ 3 CSIS được đón các nhà lãnh đạo Việt Nam đến và thuyết trình.
Theo Tiến sỹ Hamre, thời gian vừa qua, thế giới đã chứng kiến thay đổi lớn lao do đại dịch COVID-19 và các vấn đề khác. Trong bối cảnh đó, nhiều người nhắc nhiều đến Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng. Buổi thảo luận này nhằm hiểu biết thêm về Việt Nam, để hỗ trợ Việt Nam vượt qua thách thức và thúc đẩy phát triển.
Trong bài thuyết trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại rằng cách đây 77 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bằng chân lý bất hủ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”
Đây cũng là tinh thần trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ và thể hiện sự chia sẻ giá trị chung, mang tính phổ quát, không chỉ của hai quốc gia mà còn của toàn nhân loại.
Gần 3 thập niên bình thường hóa quan hệ, mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã “đơm hoa kết trái” với nỗ lực của hai bên bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự cảm thông, chia sẻ và sự tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai quốc gia, hai dân tộc và nhân dân hai nước mong muốn và hướng tới.
Hai bên đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng dành cho quan hệ song phương, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh sự tôn trọng “thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau."
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2021, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhấn mạnh: “Quan hệ đối tác toàn diện mạnh mẽ, đầy sức sống mà hai nước chúng ta đã và đang cùng nhau xây dựng là dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.”
Việt Nam đánh giá cao Hoa Kỳ trong những năm qua luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập.
Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có nhiều biến động sâu sắc, nhanh chóng và khó lường, cả Chính phủ và các học giả hơn lúc nào hết cần tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ các ý tưởng để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Thủ tướng chia sẻ về cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay; vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay; cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế của mình.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và thế giới; mong muốn Hoa Kỳ và các đối tác quan tâm sâu sắc, hợp tác, hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa khát vọng tầm nhìn chiến lược đó. Đồng thời, điều này sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho hợp tác toàn diện và sâu sắc hơn giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước.
Thủ tướng cũng khẳng định giữa độc lập và phụ thuộc, Việt Nam luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, Việt Nam chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, Việt Nam chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, Việt Nam chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, Việt Nam chọn hợp tác và cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau. Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý những khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia, cộng đồng quốc tế.
Chính vì lẽ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong tiến trình giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông - một vùng biển quan trọng với các nước trong và ngoài khu vực, Việt Nam luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Để đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, Việt Nam chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN, Liên hợp quốc, các cơ chế hợp tác khu vực, liên khu vực và Tiểu vùng Mekong, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam đã chủ động, tích cực và trách nhiệm trong phát huy vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021). Việt Nam đã trực tiếp tham gia, đóng góp quân nhân cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ tháng 6/2014 đến nay. Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ 2.
Trong vấn đề Ukraine, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực, sáng kiến của cộng đồng quốc tế nhằm tạo điều kiện để các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững. Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine.
Trong đại dịch COVID-19, mặc dù còn nhiều khó khăn, song Việt Nam đã viện trợ khẩu trang, một số vật tư y tế cho 51 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ; đồng thời đóng góp tài chính cho Chương trình COVAX.
Dù còn rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội và là một nước đang phát triển, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm rất cao trong nỗ lực ứng phó với biển đổi khí hậu, thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris và COP 26 tại Anh để đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Việt Nam đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong số đó, Việt Nam đã đàm phán, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường thương mại tự do rộng lớn với hơn 60 quốc gia, đối tác, bao gồm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc thực hiện bình đẳng và tự do thương mại.
Đối với Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, tăng cường trách nhiệm của cả hai bên, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi được một quãng đường dài trong việc thể hiện sự chân thành, xây dựng lòng tin với nhau. Trước hết là hai bên có sự chân thành chia sẻ, tập trung, quyết tâm khắc phục hậu quả chiến tranh. Từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ năm 1995, quan hệ hai nước không ngừng phát triển trên nhiều mặt.
Trên những nền tảng quan hệ đã được xây dựng trong gần 3 thập kỷ qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần chân thành, tin cậy, tôn trọng và tiếp tục có trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, để hàn gắn vết thương cho cả hai dân tộc, vun đắp quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển hơn nữa, cho tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, như hai bên đã khẳng định trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định với việc Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đang hướng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển đầy khát vọng, hai nước đang đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ Đối tác toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chống biến đổi khí hậu… và trong giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rằng cùng với các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên cần hướng tới những lĩnh vực hợp tác của tương lai. Đặc biệt là trong ba lĩnh vực quan trọng có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước thời gian tới, đó là tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là chìa khóa để các quốc gia giải quyết những vấn đề còn bất đồng, khác biệt trong một thế giới đầy biến động như hiện nay. Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm cũng đã góp phần quan trọng tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong gần 30 năm qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng rằng đây cũng sẽ là những nhân tố chủ đạo định hướng, thúc đẩy, đưa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong những năm tới.
Sau bài thuyết trình, các học giả của CSIS đã đặt nhiều câu hỏi và được Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời, giải thích rõ về các vấn đề cùng qua tâm như: quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ; việc thực hiện cam kết tại COP 26; về sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương...
Bài thuyết trình và phần thảo luận, trả lời câu hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại CSIS được các học giả, chuyên gia dự buổi thảo luận và độc giả theo dõi trực tuyến nồng nhiệt đón nhận, hoan nghênh./.
Q.Hoa t.h / TTX