Tuần lễ tiếng Ý trên Thế giới lần thứ 9 sẽ có khách mời chính là bà Dacia Maraini, một trong những nữ văn sĩ nổi tiếng nhất của Ý. Là tác giả của hơn 50 cuốn sách, bà đã xuất bản rất nhiều tác phẩm, từ tiểu thuyết đến các nghiên cứu điều tra, tuyển tập thơ, tiểu luận và kịch. Một số các tác phẩm của bà đã được dựng thành phim và bản thân bà cũng đã tham gia viết kịch bản cho các đạo diễn nổi tiếng như Pier Paolo Pasolini. Các tác phẩm của bà đã được dịch ra tới 12 thứ tiếng và rất nhiều tác phẩm đã được trao giải thưởng trong nước cũng như quốc tế uy tín như giải International Formentor (1963), Campiello (1990) và Strega (1999).
Trong Tuần lễ tiếng Ý trên Thế giới lần thứ 9 này tại Hà Nội, bà Dacia Maraini sẽ có bài nói chuyện về chủ đề Tiếng Ý giữa Nghệ thuật, Khoa học và Công nghệ vào lúc 17.00 ngày 23 tháng 10 tại L’Espace (24 Tràng Tiền). Buổi hội thảo sẽ diễn ra bằng tiếng Ý được dịch song song sang tiếng Việt và tiếng Anh. “Chúng tôi rất vinh dự được đón Bà Dacia Maraini sang Việt Nam nhân Tuần lễ tiếng Ý trên Thế giới lần thứ 9, một trong những nhà văn Ý được đánh giá cao nhất trên thế giới. Chính bản thân bà cũng bầy tỏ mong muốn chân thành được tới thăm Việt Nam và gặp gỡ con người Việt Nam” Đại sứ Italia, Ngài Andrea Perugini tâm sự. Tuần lễ tiếng Ý trên Thế giới lần thứ 9 được phối hợp tổ chức với Đại sứ quán Thụy Sỹ vì tiếng Ý là một trong những ngôn ngữ chính thức của Liên bang Thụy Sỹ. Trong dịp này, bà Dacia Maraini cũng sẽ giới thiệu bản dịch tiếng Việt cuốn sách “Nữ công tước Marianna Ucria” (“La lunga vita di Marianna Ucria”) do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản và phát hành. Họp báo sẽ diễn ra vào 8.30 ngày 26 tháng 10 năm 2009 tại Nhà riêng Đại sứ Italia (18 Lê Phụng Hiểu). Tác phẩm “Nữ công tước Marianna Ucria” đã được trao giải thưởng uy tín tại Italia năm 1990 và cho đến nay đã được dịch sang hơn 15 thứ tiếng. Cuốn sách kể về câu chuyện của Marianna Ucria, một nữ công tước thế kỷ XVIII vừa bị câm và điếc sau một tổn thương tâm lý bí hiểm thời niên thiếu. Mặc dù về bề ngoài, cuộc sống của Marianna cũng giống như hầu hết phụ nữ thuộc tầng lớp của bà trong thời kỳ đó - có một cuộc hôn nhân sắp đặt và chỉ biết đến sinh đẻ, nhưng cuộc sống nội tâm của bà lại rất khác thường. Trong thế giới câm lặng của mình, Marianna theo đuổi một cuộc sống mãnh liệt về tinh thần, sự câm lặng trở thành một thứ vũ khí mà bà sử dụng để bảo vệ cái tôi chân thực nhất, sâu sắc nhất khỏi sự đàn áp của xã hội đối với tính sáng tạo và ý chí của người phụ nữ. Tác phẩm Nữ công tước Marianna Ucria dẫn dắt người đọc đi trên một cuộc hành trình đặc biệt xuyên suốt những tục lệ và tập quán của Sicilia trong thế kỷ XVIII và trong những ký ức về người nữ anh hùng dũng cảm và bí ẩn.
Trong khuôn khổ tuần lễ tiếng Ý lần thứ 9 tại Việt Nam, Hội thảo SEAGAL về ngành vệ tinh Hàng hải và những ứng dụng liên quan cũng sẽ được tổ chức. SEAGAL (tên viết tắt của Trung tâm Hệ thống vệ tinh Hàng hải toàn cầu châu Âu về hợp tác quốc tế và phát triển vùng Đông Nam Á) là một dự án do Istitute Superiore Mario Boella và Politecnico di Torino đảm nhận. Mục đích của dự án là để thiết lập một trung tâm hợp tác của Hệ thống vệ tinh Hàng hải toàn cầu châu Âu tại Hà Nội. Ý tưởng này đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giáo dục, thương mại và kỹ thuật của Đông Nam Á. Dự án này có thể được xem là bước đầu tiên trong kế hoạch mở rộng nhằm mang lại một mối liên hệ mới giữa châu Âu nói chung và Italia nói riêng với vùng Đông Nam Á trong khuôn khổ ngành vệ tinh Hàng hải và những ứng dụng liên quan. Được Ủy ban châu Âu tài trợ, hoạt động đầu tiên sẽ là thành lập một trung tâm và bắt đầu phát triển sự kết nối của mình trong lĩnh vực kinh tế và xã hội tại những nước phát triển nhất của Đông Nam Á. Các hoạt động của Trung tâm sẽ hướng tới công nghệ của Hệ thống vệ tinh Hàng hải toàn cầu và đặc biệt về chuyển giao công nghệ, xúc tiến nhận thức về EGNOS và GALILEO và giáo dục.
Hội thảo SEAGAL diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 10 năm 2009 và sẽ có những bài phát biểu, bài giảng về chính trị và kỹ thuật của các giáo sư, chuyên gia Italia và châu Âu. Đại sứ Italia tại Việt Nam, Ngài Andrea Perugini cùng Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ khai mạc hội thảo.
PV