Nhân dân Hà Nội chiếm phủ Khâm sai, ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu
1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi dưới sự lãnh đạo của một Đảng mới 15 tuổi, biến Đảng từ không hợp pháp thành một Đảng nắm chính quyền trong cả nước. Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới thành công trong Cách mạng Tháng Tám là Đảng đã luôn quan tâm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức theo nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong điều kiện hoạt động bí mật, bị địch khủng bố, truy lùng gắt gao, bắt bớ, giam cầm, chém giết, công tác xây dựng Đảng càng cấp thiết. Đường lối xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó, xây dựng Đảng về chính trị là cốt lõi, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Xây dựng Đảng về chính trị bao gồm xây dựng và phát triển, hoàn thiện cương lĩnh, đường lối chính trị và việc tổ chức thực hiện đường lối đó. Đường lối chính trị xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của cách mạng, là ngọn cờ tập hợp, cổ vũ động viên nhân dân; quyết định vận mệnh của Đảng và của dân tộc. Mỗi bản cương lĩnh cách mạng ở mỗi giai đoạn khác nhau đều thể hiện rõ ràng, nhất quán quan điểm cơ bản, tư tưởng xuyên suốt của Đảng về mục tiêu chiến lược, phương hướng và phương pháp cách mạng Việt Nam. Đường lối đó huy động được mọi nguồn lực, sức mạnh tổng hợp của nhân dân trên cơ sở liên minh công nhân, nông dân và trí thức vì nhân dân làm nên lịch sử. Những vấn đề chiến lược, sách lược cách mạng như: xác định đúng quan hệ giữa nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến; vấn đề dân tộc và giai cấp, đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp; vấn đề tập hợp lực lượng cách mạng; các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất; các hình thức đấu tranh, tiến trình cách mạng luôn được Đảng nêu ra theo hướng từng bước hoàn chỉnh và đã phát triển đến đỉnh cao trong Cách mạng Tháng Tám.
Xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền được Đảng luôn chú trọng. Công tác tư tưởng của Đảng là dựa trên tình hình tư tưởng trong Đảng và tư tưởng của nhân dân trong xã hội. Mục tiêu xây dựng Đảng về tư tưởng thời kỳ này là làm cho tất cả mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin; quán triệt và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về cách mạng dân tộc, dân chủ, chính sách của hội phản đế đồng minh, của mặt trận dân chủ; đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc của Đảng, tuyên ngôn, chương trình, điều lệ với 10 chính sách về chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại của Việt Minh. Đảng tiến hành đấu tranh tư tưởng trong nội bộ tổ chức Đảng, làm cho trong mọi hoàn cảnh Đảng ta luôn thống nhất ý chí và hành động.
Đảng chú trọng công tác xây dựng Đảng về tổ chức và công tác cán bộ. Trong điều kiện hoạt động bí mật phải luôn cảnh giác, sẵn sàng chống địch khủng bố, bắt bớ nên tổ chức Đảng ở thành thị và nông thôn, trong công nhân, nông dân được tổ chức, củng cố theo hướng gọn nhẹ, số lượng ít, chất lượng cao, vững vàng trong bất kỳ tình huống nào. Tổ chức cơ sở Đảng bám rễ trong trong quần chúng công nông, lãnh đạo các đoàn thể nhân dân, được nhân dân che chở. Đảng đào tạo bồi dưỡng cán bộ từ nhiều nguồn và bằng nhiều phương pháp: từ các hội nghị phổ biến nghị quyết của Đảng ở Trung ương và địa phương; từ các lớp huấn luyện chính trị, quân sự tập trung tại các trường quân chính và từ thực tiễn phong trào cách mạng.
Từ những chủ trương và biện pháp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đào tạo cán bộ đúng đắn. Bắt đầu xây dựng từ mấy nhóm ít người, được rèn luyện trong những cuộc đấu tranh ác liệt, năm 1945, Đảng vẻn vẹn chỉ có khoảng 5.000 đảng viên (một số còn bị giam trong các nhà tù đế quốc). Thế nhưng, Đảng đã đoàn kết và lãnh đạo được nhân dân cả nước, đưa cuộc khởi nghĩa đến thành công.
2. Khởi xướng và lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới, sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới toàn diện đất nước, trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được của cách mạng Việt Nam, công tác xây dựng Đảng đạt được những thành tựu to lớn nhưng cũng đứng trước những thách thức, nguy cơ không nhỏ. Đại hội XII khẳng định: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại không ít yếu kém, khiếm khuyết trong lãnh đạo, quản lý, cùng những bất cập, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đổi mới và hội nhập mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần nỗ lực để vượt qua, do vậy cần: “Tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”; “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước trong điều kiện mới”.
Xe loa phát lệnh Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Phát huy những thành tựu trong công tác xây dựng Đảng thời kỳ Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền và quá trình cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo; giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường dân chủ và kỷ luật hoạt động Đảng; thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và mọi hành động chia rẽ, bè phái. Và có như vậy mới có thể: “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
PGS-TS VŨ QUANG VINH - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh