Chủ tịch Quốc hội tiếp Ban Chấp hành Hội đồng hòa bình Thế giới (2017)
Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thấy rõ vai trò quan trọng của Hội đồng Hoà bình thế giới và sự cần thiết kết nối Việt Nam với tổ chức quốc tế này. Ta đã cử 11 đại biểu Việt Nam tham gia Đại hội thành lập Hội đồng Hòa bình thế giới năm 1949, trong đó có giáo sư Phạm Huy Thông và nhà toán học Lê Văn Thiêm, Việt Nam là một trong những nước tham gia sáng lập Hội đồng Hoà bình thế giới.
Ngày 17/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Đại hội thành lập Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình thế giới của Việt Nam (khai mạc vào ngày 19/11/1950), đây là tổ chức đa phương đầu tiên của Việt Nam, thành viên của Hội đồng Hoà bình thế giới . Đại hội đã suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiến sĩ “Hoà bình số 1” và Chủ tịch danh dự của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam.
Năm 1950, ta đã cử đoàn đại biểu từ chiến khu đi tham dự Đại hội lần thứ 2 của Hội đồng Hoà bình thế giới tại Warsaw, Ba Lan năm 1950. Tại Đại hội này, Hội đồng đã lần đầu tiên ra tuyên bố ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Cũng trong năm này, dù trong điều kiện khó khăn của kháng chiến, ta vẫn thu được gần 6 triệu chữ ký để hưởng ứng Lời kêu gọi Stockhom về cấm vũ khí hạt nhân.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội đồng Hoà bình thế giới đã thể hiện quan điểm kiên định và mạnh mẽ ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Đã xuất hiện nhiều hành động quả cảm của các chiến sĩ hòa bình ủng hộ Việt Nam, mà điển hình là phản chiến của Henri Martin và Raymonde Dien, người nằm trên đường tàu, ngăn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam. Chính quan điểm này và những hành động như vậy đã khiến Chính phủ Pháp “không hài lòng” và đã trục xuất Hội đồng (khi đó có trụ sở chính tại Paris) ra khỏi nước Pháp.
Trước tình hình đó, các thành viên Hội đồng trên toàn thế giới đã tổ chức các cuộc biểu tình chính trị chống thực dân Pháp, tăng cường các hành động đoàn kết có lợi cho Việt Nam. Khi Việt Nam giành chiến thắng lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Hội đồng đã kêu gọi và huy động các lực lượng yêu chuộng hòa bình và các dân tộc trên thế giới lên tiếng chúc mừng Việt Nam.
Bước vào những năm 1960, khi quân đội quân đội Mỹ can thiệp trực tiếp vào Việt Nam, ủng hộ và đoàn kết với Việt Nam trở thành một nhiệm vụ hàng đầu của Hội đồng Hòa bình thế giới. Hội đồng Hòa bình thế giới, với sự lãnh đạo của Chủ tịch Romesh Chandra, đã tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam như tiến hành nhiều cuộc biểu tình trước cửa các Đại sứ quán Mỹ ở các nước và trên đường phố nhằm tố cáo tội ác của quân đội Mỹ, phản đối sự xâm lược của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam, lưu hànhhàng vạn áp phích và tờ rơi ủng hộ Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng ở hàng chục quốc gia; các buổi hòa nhạc, sự kiện văn hóa đã được tổ chức và gây quỹ đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam. Năm 1980, Hội đồng Hòa bình thế giới sáng lập Giải thưởng Hồ Chí Minh để trao cho các nhà lãnh đạo phong trào hòa bình (trong đó những người đã được nhân giải là nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, Mặt trận Giải phóng Dân tộc Sandinista (FSNL) năm 1981 và Oliver Tambo của Nam Phi, nhà lãnh đạo lịch sử của SWAPO Namibia, Sam Nujoma năm 1986. Năm 2010, Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra Nghị quyết lấy ngày 10 tháng 8 hàng năm là ngày quốc tế đoàn kết với nạn nhân da cam Việt Nam. Hội đồng Hòa bình thế giới cũng luôn ủng hộ Việt Nam trên các vấn đề chủ quyền biển đảo và nhân quyền.
Hơn 7 thập kỷ qua, trải qua 21 kỳ Đại hội, Hội đồng Hòa bình thế giới đã luôn đồng hành cùng Việt Nam, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong mọi giai đoạn lịch sử, từ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Việt Nam cũng luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Hòa bình thế giới, được tín nhiệm bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch và thành viên Ban Thư ký của Hội đồng trong nhiều nhiệm kỳ qua. Nhiều lần Việt Nam đã đón các đoàn lãnh đạo của Hội đồng, tổ chức các cuộc họp Ban chấp hành và nhiều sự kiện của củaHội đồng Hòa bình thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của ta đều đã tiếp và gặp gỡ các lãnh đạo Hội đồng trong các chuyến thăm đến Việt Nam. Gần đâynhất, năm 2017, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công hội nghị Ban Chấp hành của Hội đồng tại Hà Nội, đồng thời nhân dịp đó ta đã cùng Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức kỷ niệm 100 năm kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga. Đối với các tổ chức thành viên của Hội đồng, Việt Nam luôn là biểu tượng của niềm tin, của khát vọng hòa bình, công lý, chính nghĩa và lẽ phải, của tình đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Tinh thần đoàn kết đó luôn có vị trí, vai trò đặc biệt trong mặt trận đoàn kết quốc tế nói chung, và trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam nói riêng.
Q.Hoa t.h / VUFO