Tổng thống Emmanuel Macron đón và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Pháp (Paris, 27/3/2018). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về mối quan hệ đặc biệt này.
- Thưa Đại sứ, năm 2023 là năm đặc biệt quan trọng khi Việt Nam và Pháp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược. Xin Đại sứ đánh giá tổng thể về chặng đường nửa thế kỷ hợp tác này.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: 50 năm qua, quan hệ Việt Nam-Pháp đã phát triển hết sức mạnh mẽ, vừa phát huy được mối quan hệ hữu nghị truyền thống với những gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa và sự thân thiết, gần gũi giữa nhân dân hai nước, vừa đưa những mối hợp tác đa dạng, đa lĩnh vực giữa hai nước ngày càng thắt chặt và phát triển toàn diện, đồng thời tạo thêm những mối gắn kết mới hiệu quả và thiết thực.
Hai nước ngày nay trở thành những đối tác đồng hành tin cậy của nhau. Pháp luôn là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới.
Pháp coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu vực cũng như trong các chiến lược, chính sách mà Pháp đã và đang triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp từ khi được thiết lập cũng đã nhanh chóng phát huy nền tảng hợp tác song phương để có những bước triển khai cụ thể, đa dạng trên các lĩnh vực then chốt.
Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về cả chính trị, kinh tế, quốc phòng. Hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định được ký kết làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên.
Tần suất trao đổi đoàn cũng như tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua thể hiện quan hệ chính trị khăng khít giữa hai nước.
Hợp tác kinh tế cũng đạt nhiều dấu ấn. Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương vốn viện trợ chính thức (ODA) hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993.
Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019. Đã và đang có hơn 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động trong rất nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đang có những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Pháp.
Hai nước có nhiều chương trình trao đổi và hợp tác đào tạo đại học và sau đại học phong phú, đa dạng với hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu.
Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp. Hợp tác y tế đã trở thành lĩnh vực chủ chốt với số lượng 30 hội hợp tác y học Pháp-Việt tập hợp theo chuyên khoa hoặc theo địa bàn các địa phương, trao đổi hợp tác thường xuyên.
Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng được mở rộng với sự tham gia của 24 địa phương của Pháp và 33 tỉnh, thành của Việt Nam và Hội nghị lần thứ 12 được tổ chức tại Hà Nội từ 13-16/4/2023 là minh chứng cho sức sống của quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước.
- Theo Đại sứ, đâu là những điểm mạnh và điểm cần thúc đẩy hơn nữa trong mối quan hệ Pháp-Việt?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Trong giai đoạn hiện nay, hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Như trên đã thấy quan hệ Việt Nam-Pháp là một sự tích lũy quan trọng cả về lượng cũng như về chất. Hệ thống đối tác hết sức phong phú và trải đều trên tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương, từ bộ/ngành đến doanh nghiệp, từ hội đoàn đến các thiết chế văn hóa-giáo dục.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng. (Ảnh : Thu Hà/Vietnam+)
Những kết quả tích cực đạt được và những nội hàm phong phú cùng các nhận thức chung giữa hai nước về tầm nhìn của mối quan hệ thông qua mối quan hệ đối tác chiến lược đang là những nền tảng quan trọng cho các đối tác hai bên tiếp tục đưa các kết nối của mình phát triển sâu rộng hơn.
Các chính sách đối ngoại của hai nước cũng đang có điểm giao thoa quan trọng. Pháp tiếp tục là nước nòng cốt tại châu Âu, tích cực triển khai chính sách năng động và toàn diện hướng tới khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương.
Liên minh châu Âu (EU), một khuôn khổ hành động quan trọng của Pháp, cũng ngày càng quan tâm và có nhiều biện pháp mạnh mẽ để tăng cường sự hiện diện cũng như các mối quan hệ đối tác tại đây.
Vị thế địa kinh tế, địa chính trị của Việt Nam đang được nâng cao, Việt Nam có chỗ đứng đáng kể trong ASEAN và trong các cơ chế hợp tác tại châu Á-Thái Bình Dương.
Với chính sách hội nhập chủ động, tích cực và với các thành tựu phát triển, tiềm năng tăng trưởng, vị trí địa kinh tế rất hấp dẫn, Việt Nam đang là điểm sáng thu hút các đối tác. Nền kinh tế Việt Nam và Pháp có tính bổ sung cho nhau cao.
Bên cạnh những thuận lợi đó, những năm dịch bệnh rồi sau đó là các biến động địa chính trị và khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, khu vực hiện nay đang tác động không nhỏ đến nguồn lực và chính sách.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ và các vấn đề đặt ra cho chuỗi cung ứng cũng đang đòi hỏi các doanh nghiệp, đối tác phải thi hành các chiến lược thích ứng khác nhau.
Đứng trước những thách thức mới đặt ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang tập trung nỗ lực phục hồi kinh tế đi đôi với đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng và phát triển của mình, các đối tác hai bên cần nỗ lực và có các biện pháp nhanh chóng để có hướng đi đáp ứng được các yêu cầu mới của cả Việt Nam và Pháp đang đặt ra ngày càng khẩn trương hơn và đa dạng hơn.
- Theo Đại sứ, Việt Nam và Pháp cần làm gì để phát huy thế mạnh và khắc phục các hạn chế?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Nhiệm vụ đặt ra là các cơ quan chức năng và các đối tác của hai bên làm thế nào để phát huy được những kết quả và nền tảng quan hệ đã đạt được cũng như triển khai một cách hiệu quả các định hướng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra, nhằm đưa hợp tác Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng chặt chẽ hơn và nhất là đáp ứng được yêu cầu của cả hai nước trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Các cơ chế điều phối hợp tác giữa hai bên cũng cần hoạt động hiệu quả hơn để có thể định hướng và hỗ trợ các đối tác hai bên mở rộng hợp tác và thực hiện tốt các chương trình, dự án liên quan. Trên nhiều lĩnh vực then chốt cần có những chương trình và kế hoạch rất cụ thể.
Về đầu tư, cần có giải pháp để thu hút các doanh nghiệp Pháp đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực thế mạnh và phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam như công nghệ cao, các lĩnh vực kinh tế và chuyển đổi số, y tế và dược phẩm, công nghiệp truyền thống như sản xuất xe hơi, chế tạo lốp xe, bảo dưỡng máy bay dân dụng, khí phụ trợ; năng lượng tái tạo, xây dựng hạ tầng, giao thông công cộng, sân bay, cảng biển, phát triển nông nghiệp chất lượng cao và chế biến lương thực thực phẩm, các ngành liên quan đến môi trường.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đang tạo cơ hội lớn cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Pháp.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động đổi mới sản xuất để đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu và Pháp.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn-ga Hà Nội) vay vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và Chính phủ Pháp (DGT), được công ty Systra của Pháp tư vấn thiết kế. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Các doanh nghiệp Pháp cũng cần các chiến lược bài bản hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để phát huy được sự hiện diện tại thị trường Việt Nam và tranh thủ thị trường Việt Nam để vươn ra khu vực.
Đầu tư vào giới trẻ, vào hợp tác giáo dục-đào tạo, tận dụng và phát huy khả năng sáng tạo của nguồn lực trẻ, giàu trí thức là cần thiết và nên là hướng phát triển của cả hai nước Việt Nam và Pháp.
Giới trẻ hai nước hiện nay, trong đó có các trí thức trẻ trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, đang có những tìm tòi, đổi mới hình thức giao lưu để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo sức hấp dẫn mới, ý tưởng mới để từ đó phát triển thành các chương trình, dự án hợp tác.
Hai nước cần khuyến khích, tạo động lực để giới trẻ đổi mới cách tiếp cận và triển khai hợp tác cũng như đặt niềm tin vào họ để đưa quan hệ hai bên gắn kết một cách toàn diện, đáp ứng được lợi ích của hai nước trong một thế giới đang có những chuyển biến nhanh chóng.
- Đại sứ nhận định ra sao về triển vọng và cơ hội hợp tác song phương trong thời gian tới?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Có thể nói chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa hợp tác Việt Nam-Pháp lên tầm cao mới trong những năm tới và những thập kỷ tới. Chúng ta đã có 5 thập kỷ hết sức sống động của quan hệ ngoại giao Việt-Pháp và 1 thập kỷ đầy năng động của đối tác chiến lược giữa hai nước.
Sự quyết tâm của lãnh đạo, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực đang cho chúng ta niềm tin vào sự phát triển sâu rộng và hiệu quả của quan hệ Việt Nam-Pháp trong tương lai.
Mối quan hệ đó sẽ giúp cả hai nước tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động nhưng rất cần các mối hợp tác tăng cường để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển và ổn định.
Hai nước cũng hoàn toàn có thể phát huy hợp tác để góp phần làm trụ đỡ cho quan hệ giữa hai châu lục Á và Âu, giữa ASEAN và EU với những tiềm năng còn chưa khai thác hết, góp phần xây dựng một thế giới hợp tác và hòa bình.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Long Phạm / Theo Vietnamplus