Trong bài phân tích “Trung Quốc áp đặt điều kiện của họ tại biển Đông” ngày 25.6, nhà báo Brice Pedroletti, phóng viên thường trú của Le Monde tại Bắc Kinh nhận định: “Với các nước kề cận trong khu vực như Nhật Bản, Việt Nam hay Philippines, Trung Quốc đang lấy cớ lịch sử để “chen lấn” về lãnh hải và gây nhiều hoài nghi về bộ mặt thật của cái mà họ gọi là “trỗi dậy hòa bình”.
"Dù các lãnh đạo của Trung Quốc không ngừng khẳng định họ chỉ có những mục tiêu hòa bình nhưng trong các cuộc họp song phương, phần phát biểu của họ thường không được hữu nghị như thế”.
Theo ông Pedroletti, Trung Quốc đang rất “manh động” vì muốn thực hiện tham vọng trở thành cường quốc biển. Một nhà báo khác của Le Monde là đặc phái viên Bruno Philip viết trong bài tường thuật về chuyến đi Hoàng Sa: “Việt Nam khẳng định là có cơ sở pháp lý về chủ quyền ở quần đảo này. Nhưng Trung Quốc không muốn nghe nói đến luật quốc tế: nói một cách đơn giản, Bắc Kinh muốn đòi toàn bộ biển Đông”.
Tờ Les Echos mới đây cũng có bài “Chiến lược chuyện đã rồi ở biển Đông” của nhà báo Michel de Grandi. Ông de Grandi bình luận: “Chiến lược giàn khoan có thể được xem là biểu tượng đối ngoại hiện nay của Bắc Kinh ở biển Đông. Sau khi hạ đặt giàn khoan thứ nhất hồi cuối tháng 5 trong vùng biển được Việt Nam tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc đang chuẩn bị đưa tiếp 4 giàn khoan nữa xuống biển Đông. Một trong số những giàn khoan này có thể lại được đưa đến vùng biển ngoài khơi của Việt Nam. Chiến lược “chuyện đã rồi” của Bắc Kinh khiến tất cả các nước láng giềng phải luôn ở tình trạng báo động”.
Les Echos dẫn lời chuyên gia Valérie Niquet nhận định: “Trung Quốc đang muốn thử phản ứng của các nước trong khu vực, nếu bị phản ứng mạnh, Bắc Kinh sẽ điều chỉnh phần nào cách hành xử, ngược lại, họ cứ thế rộng đường làm tới”.