|
Trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc (TQ) liên tục có hành động gây căng thẳng ở biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại hòa bình và an ninh khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Những động thái của TQ nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm biển Đông liên tục bị các chuyên gia và truyền thông quốc tế lên án. Tờ Bangkok Post ở Thái Lan, quốc gia không có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, ngày 30.6 đã đăng bài xã luận, trong đó nhấn mạnh: “Trong mấy tháng qua, TQ cố tình châm ngòi cho các cuộc tranh chấp, đặc biệt là với Việt Nam”.
Ngoại giao giàn khoan
Bangkok Post cũng vạch trần mưu đồ của TQ qua hành động triển khai giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Giàn khoan dường như là một công cụ ngoại giao lạ có thể gây nguy cơ ở vùng biển xa. Tuy nhiên, TQ đang sử dụng thứ vũ khí độc nhất vô nhị này để đẩy mạnh các mục tiêu của họ và đối đầu với những nước có tranh chấp với họ”, bài xã luận viết. Bangkok Post còn cảnh báo: “Cách giải quyết những bất đồng của TQ là bác bỏ chúng, từ chối đàm phán và nếu cần thiết sẽ dùng vũ lực”.
Bài xã luận cũng đề cập việc TQ triển khai thêm 4 giàn khoan ở biển Đông và việc Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo đang mở 4 vị trí thăm dò mới ở các khu vực phía đông và tây của biển Đông. Tờ báo này chỉ ra hai động thái đó được thực hiện theo lệnh của chính phủ TQ và CNOOC muốn củng cố tuyên bố chủ quyền bằng cách phối hợp việc thăm dò dầu khí với sự hiện diện của các tàu hải quân và hải cảnh bảo vệ giàn khoan. Bangkok Post cho rằng VN và Philippines sẽ là mục tiêu chính trong chiến lược ngoại giao pháo hạm của TQ trong thế kỷ 21 này vì đây là hai nước cứng rắn nhất trong việc phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Tương tự, trong bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest (Mỹ), chuyên gia Harry J.Kazianis tại Viện Nghiên cứu chính sách TQ thuộc Đại học Nottingham (Anh) cảnh báo TQ đang dùng giàn khoan và bản đồ có “đường lưỡi bò” liếm gần trọn biển Đông để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của họ ở biển Đông, thay vì dùng quân sự vì hành động này có thể dẫn đến chiến tranh và bị thế giới lên án. Ông Kazianis khẳng định các hành động như: đưa giàn khoan nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác, liên tục dùng công cụ hàng hải phi hải quân (như tàu hải cảnh) để củng cố tuyên bố chủ quyền, ban hành các quy định về đánh bắt trong vùng tranh chấp và phát hành bản đồ đã thể hiện rõ mưu đồ độc chiếm biển Đông của TQ. Ngày 30.6, tờ Manila Standard Today ở Philippines cũng đã đăng bài bình luận cảnh báo về các động thái bành trướng liên tục của Bắc Kinh ở biển Đông.
Vụ kiện lịch sử
Chuyên gia Kazianis khẳng định thách thức từ đường lưỡi bò của TQ đối với các trong khu vực đã quá rõ ràng nên họ cũng phải có hành động ứng phó cụ thể. Ông đề xuất các quốc gia bị ảnh hưởng phải lên tiếng phản đối bằng mọi cách có thể, chẳng hạn như kiện tuyên bố chủ quyền phi lý của TQ ra tòa án quốc tế, tương tự Philippines, để buộc Bắc Kinh phải lùi bước.
Một cách khác là tất cả các bên có tranh chấp ở biển Đông cùng tiến hành kiện TQ và ông Kazianis cho rằng đó có thể vụ kiện lớn nhất của mọi thời đại. “Đây có thể là cách duy nhất mà các quốc gia bị ảnh hưởng bởi tuyên bố chủ quyền của TQ có thể chống lại”, ông Kazianis nhận định.
Chuyên gia này cho rằng thách thức của TQ đối với Mỹ ở biển Đông cũng đã rõ ràng bởi Bắc Kinh đang cố tình thay đổi hiện trạng và tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh là mối đe dọa trực tiếp đối với vùng biển chung mà mọi quốc gia đều có lợi ích. Còn Bangkok Post kêu gọi TQ nên biến ngoại giao giàn khoan thành đàm phán thật sự. “Bằng cách tham gia đàm phán với ASEAN và các nước thành viên, họ có thể có cách giải quyết tranh chấp thỏa mãn hơn”, Bangkok Post nhấn mạnh trong bài xã luận.
Mỹ, Philippines tập trận đổ bộ ở biển Đông Ngày 30.6, hơn 200 lính thủy đánh bộ Mỹ và Philippines thực hiện cuộc tập trận với kịch bản tấn công kẻ thù trên bãi biển San Antonio nằm phía tây bắc của Philippines hướng ra biển Đông. Theo AFP, các phương tiện đổ bộ xuất phát từ một tàu chiến Mỹ neo đậu ở khoảng cách xa bờ và sau đó tiến tới bờ biển San Antonio, thả binh sĩ Mỹ và Philippines được trang bị súng trường tự động để tiến hành cuộc tấn công kẻ thù giả định. Đây là một phần của cuộc tập trận Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) giữa Mỹ và các đồng minh châu Á nhằm tăng cường an ninh, quan hệ đối tác cũng như nâng cao sự tương tác giữa các bên. Minh Trung |