Tham dự Hội nghị có hơn 120 đại biểu, đại diện cho các cơ quan tham gia cơ chế Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN; đại diện cho các cơ quan đầu mối về công tác PCPNN của các Bộ, ngành; cơ quan đầu mối về công tác PCPNN tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị chia sẻ thông tin về công tác phi chính phủ nước ngoài. (Ảnh: Thu Hà) |
Báo cáo tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó Trưởng ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, có 396 tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động và có các chương trình dự án viện trợ cho các cơ quan đối tác Việt Nam thường xuyên. 3 lĩnh vực viện trợ chiếm giá trị lớn nhất là giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và y tế. Quan hệ của các tổ chức PCPNN với các cơ quan, đối tác Việt Nam tiếp tục được củng cố, hiệu quả của các chương trình, dự án được nâng cao.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về tình hình hoạt động của các tổ chức PCPNN hiện nay; trao đổi về việc thực hiện các quy định liên quan công tác PCPNN tại các Bộ ngành, địa phương trong thời gian qua; thảo luận về một số định hướng, biện pháp triển khai công tác PCPNN trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hà) |
Các đại biểu cũng tiến hành trao đổi về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ V về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức PCPNN. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, cuộc chiến Nga – Ukraine, dịch bệnh COVID-19, sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác đang là các vấn đề, thách thức đặt ra cho các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức PCPNN, Hội nghị quốc tế lần thứ V về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức PCPNN có ý nghĩa quan trọng.
Hội nghị sẽ cung cấp nền tảng thông tin cho các cơ quan và địa phương trong việc định hướng quản lý hoạt động và phương thức đồng hành với các tổ chức PCPNN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong thời gian tới.
Ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hà) |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đã chia sẻ một số vấn đề vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải liên quan đến vận động, tiếp nhận viện trợ, hợp tác với các tổ chức PCPNN.
Trong thời gian tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ mở các lớp tập huấn nhằm giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, sử dụng viện trợ PCPNN, hướng dẫn các vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, kỹ năng thiết lập dự án, những vấn đề lưu ý trong công tác vận động viện trợ, tiếp nhận viện trợ... để nâng cao năng lực cho cơ quan chuyên trách về công tác PCPNN tại địa phương, cũng như tạo điều kiện để các tổ chức PCPNN hoạt động tại địa phương. Đồng thời tăng cường kết hợp các đoàn công tác của Liên hiệp đi vận động viện trợ tại nước ngoài có sự tham gia của các địa phương.
Cũng theo ông Phan Anh Sơn, các địa phương cần đổi mới góc nhìn trong công tác vận động, viện trợ PCPNN. Bên cạnh việc vận động viện trợ từ các tổ chức PCPNN, cần tập trung nhiều hơn trong vận động trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài mong muốn có đầu tư, hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, đưa ra các giải pháp khuyến nghị, nỗ lực cùng các địa phương thúc đẩy công tác PCPNN.
Long Pham / Theo Thời Đại