Những cuộc "thiên di" của người Lào
Y Cúc bây giờ không còn nhớ mình sinh năm bao nhiêu. Tiếp xúc với Y Cúc, tôi đoán người phụ nữ Lào này khoảng chừng ngoài 60 tuổi. Trên gương mặt phủ đầy nếp nhăn thời gian, vẫn phảng phất nét sắc sảo của cô gái Lào xinh đẹp năm xưa.
Y Cúc bảo gia đình sinh sống tại một bản nghèo ở Noọng Ma, tỉnh Khăm Muộn. Cuộc sống đang bình yên thì chiến tranh ập đến, bom đạn Mỹ ngày ngày trút xuống quê hương Y Cúc. Có rất nhiều người chết vì bom đạn kẻ thù. Nhà cửa tan hoang, Y Cúc và một số dân bản chọn cho mình lối đi sâu vào đất Việt Nam, trốn bom đạn. Cứ mãi miết đi, ngược hướng hành quân của bộ đội Việt Nam mất hai ngày thì qua cửa khẩu.
Y Cúc ở lại Việt Nam, nên duyên với một trai bản người Ma Coong tên Đinh Chay. Họ có với nhau tất thảy 7 người con, 5 trai, 2 gái, định cư tại bản Tuộc (xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) cách đường 20 chừng non cây số.
Y Cúc, người phụ nữ Lào làm dâu tại bản Tuộc |
Những cuộc “thiên di” của người Lào theo đường 20 qua Cửa khẩu Cà Roòng-Noọng Ma đến Việt Nam, như trường hợp Y Cúc, vẫn tiếp diễn cho tận đến bây giờ. Trai gái người Ma Coong thăm thân tại Lào, bén duyên với gái trai nước bạn Lào và ngược lại. Khi họ nên duyên vợ chồng sẽ tỏa đi định cư rải rác khắp 18 bản của xã biên giới Thượng Trạch.
Khi được hỏi chính quyền có nắm bắt được bao nhiêu cặp vợ chồng Lào-Việt, Việt-Lào “nên đôi, nên đũa” về định cư trong xã, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch Đinh Cu lắc đầu: “Từ trong chiến tranh bà con qua mình nhiều lắm rồi, giờ thành người bản địa, làm sao thống kê hết!”.
Có thương nhau thì theo anh về Đất Việt!
Cách Thượng Trạch hơn nửa ngày đường là xã Trường Sơn (Quảng Ninh). Đến bản Cây Cà hỏi thăm gia đình Hồ Văn Khăm, chúng tôi được dân bản chỉ cho một ngôi nhà sàn to nhất bản: “Nhà Khăm đó!”.
Những ngày cuối năm, Hồ Văn Khăm dọn dẹp nhà cửa, chờ đón một mùa xuân mới. Nhớ đến chuyện “nên đôi, nên đũa” với người vợ Lào thua mình đến 14 tuổi, Hồ Văn Khăm cười xòa hạnh phúc: “Mình sinh năm 1967, vợ mình tên Nang Tuất, sinh năm 1981. Năm 2003, mình lưu lạc sang Lào làm ăn rồi “được” vợ bên đó”.
Nang Tuất quê quán bản Pa Cần, xã Khun Sêng, huyện Bualapha (Khăm Muộn), bố mẹ mất sớm, ở với chị gái. Run rủi thế nào, Hồ Văn Khăm xin ở nhờ nhà hai chị em Nang Tuất. Thời điểm này, Nang Tuất 22 tuổi, mấy lần tình cờ gặp nhau, Hồ Văn Khăm bỗng nhiên mến, nhớ, thương cô gái Lào. Nang Tuất cũng thích người con trai Bru-Vân Kiều Trường Sơn. Hai người “tình trong như đã mặt ngoài còn e” suốt hơn 2 năm ròng.
Năm 2005, nhân cùng nhau đi chơi Tết “té nước” của người Lào, thấy thời cơ “chín muồi”, Hồ Văn Khăm lấy hết can đảm tỏ tình với Nang Tuất: “Ai i bun em!” (Anh yêu em!). Gương mặt cô gái Lào chín đỏ, e thẹn, cho Hồ Văn Khăm nắm lấy tay như là sự đồng thuận.
“Thương anh thì theo anh về Việt Nam nhé!”, Hồ Văn Khăm bảo. Nang Tuất gật đầu. Và thế... sau một cái lễ rước dâu ấm cúng trên đất Lào, cô dâu theo chồng về Việt Nam.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, Nang Tuất định cư với chồng tại bản Cây Cà, xã Trường Sơn 15 năm và có với nhau 3 người con trai: Hồ Văn Hùng, Hồ Văn Hảo, Hồ Văn Huy.
“Trước đây, mỗi năm một lần hai vợ chồng cắt rừng về thăm quê ngoại. Nhưng hai năm nay do đại dịch COVID-19 nên không thể thăm thân. Nang Tuất ở với mình đến năm 2019 mới được nhập quốc tịch Việt Nam. Vợ chồng mình ưng cái bụng lắm. Mình bảo vợ, giờ Việt Nam là quê hương thứ hai, cố gắng yêu thương nhau nuôi dạy con cái nên người, góp phần xây dựng gia đình, bản làng, quê hương”, Hồ Văn Khăm chân thành.
Bản Tuộc, bản Việt-Lào bên mái biên giới. |
Bản Việt - Lào bên mái biên giới
Trở lại với xã biên giới Thượng Trạch, cán bộ, bộ đội biên phòng trìu mến gọi bản Tuộc là bản hữu nghị Việt-Lào khi nơi đây đang có sự cộng đồng cùng chung sống hài hòa giữa đồng bào Ma Coong và người dân có gốc gác từ Lào.
Theo tuyến đường dọc con suối Cà Roòng, đại úy Hoàng Đức Lợi, Phó Bí thư Chi bộ bản Tuộc dẫn chúng tôi vào trung tâm cụm bản. “Đẹp!”, chỉ có dùng đúng một từ này để khái quát trọn vẹn bản Tuộc vừa mới được nhà nước hỗ trợ xây dựng. Những ngôi nhà sàn mái đỏ tươi nằm san sát nhau dọc hai bên con đường rộng thoáng.
Đại úy Hoàng Đức Lợi cho biết: “Được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Cà Roòng và các ban, ngành đứng chân ở Cửa khẩu Cà Roòng-Noọng Ma, bà con bản Tuộc đang nỗ lực hết mình quyết tâm giữ gìn bản xanh-sạch-đẹp-văn minh, xứng đáng là một bản kiểu mẫu nơi vùng biên cương. Toàn bản có 25 hộ đồng bào, trong đó có 7 hộ gốc gác từ Lào”.
Đại úy Hoàng Đức Lợi “bật mí”: “Riêng đại gia đình nhà vợ chồng Y Cúc, Đinh Chay đã đủ 6 nóc nhà. Ngoài nhà của Y Cúc, Đinh Chay, các con trai của họ sống quần tụ ở đây, nhà nước không phân biệt người Ma Coong, người gốc gác Lào, đều làm nhà cho gồm: Đinh Rai, Đinh Khăm, Đinh Bỉ, Đinh Coong và Đinh Trứu”.
Hôm chúng tôi đến thăm bản Tuộc, thăm gia đình Y Cúc, Đinh Chay, rất tiếc không gặp được Đinh Chay khi ông cùng các con lên rẫy, lên rừng. Người Lào hay đồng bào Ma Coong giống nhau bởi phong tục giữ lửa. Bếp lửa nhóm lên giữa nhà không bao giờ tắt. Bên bếp lửa ấm, Y Cúc kể về quãng đời lưu lạc sang Việt Nam rồi làm vợ, làm mẹ trọn vẹn mấy chục năm. “Việt Nam trở thành ruột thịt của miềng rồi. Vì giờ trên đất Lào miềng không còn người thân thích”.
“Thủy chung, son sắt, đó là tình cảm rất đáng trân quý của đồng bào Ma Coong, đồng bào Lào khi cộng đồng chung sống tại 18 bản dọc tuyến biên giới xã Thượng Trạch. Người chồng Lào hay người vợ Lào khi về sống bên mái biên giới Việt Nam luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; xây dựng bản làng văn minh”, trung tá Nguyễn Chí Thanh, Chính trị viên Đồn biên phòng Cà Roòng chia sẻ.
Q.Hoa t.h / Báo Quảng Bình