- Nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam, Giáo sư thích nhất điều gì ở Tết Việt?
Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào năm 1974, gần nửa thế kỷ trước, nhưng đón Tết tại Việt Nam không nhiều. Trong đó, lần đầu tiên đón Tết Việt Nam là năm 1978, sau đó là vào các năm 1981, 2017 và 2020.
Kỷ niệm Tết Việt Nam sâu sắc nhất của tôi là Tết năm 1978. Lúc đó tôi dạy tiếng Nhật ở Trường Đại học Ngoại thương. Tối Giao thừa các em sinh viên học tiếng Nhật rủ tôi đi dạo xung quanh Hồ Gươm. Chúng tôi hòa vào dòng người, vừa đi vừa nói chuyện. Tôi rất ấn tượng, bởi hai lý do. Một, tôi được chia sẻ niềm vui đón mừng năm mới của mọi người. Hai, đây là cơ hội hiếm hoi, tôi được trò chuyện cùng sinh viên, bởi lúc đó việc tiếp xúc giữa người nước ngoài và người Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bản thân tôi, ngoài giảng đường, rất ít có dịp gặp gỡ, chuyện trò với sinh viên.
Tết năm 2017, một số bạn đồng nghiệp người Việt ở Trường Đại học Việt Nhật mời tôi đến thăm một số ngôi chùa xung quanh Hồ Tây. Tôi thích không khí Tết ở Hà Nội, yên tĩnh nhưng ấm áp. Người Nhật ăn bánh dày vào ngày đầu năm mới. Tôi rất mong muốn được ăn bánh chưng ở Việt Nam.
- Trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, Giáo sư muốn gửi thông điệp gì tới người dân Việt Nam?
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra định hướng lớn là đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tôi thấy đây là ước mơ lớn của nhân dân Việt Nam cần phải nỗ lực phấn đấu vượt bậc nhưng là mục tiêu khả thi. Nhưng năm 2021 do đại dịch Covid-19 hoành hành, bước tiến của Việt Nam bị chậm lại. Tình hình Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng tôi tin chắc rằng nhân dân Việt Nam sớm khống chế thành công Covid-19 và làm cho năm Nhâm Dần thành năm ghi nhận một bước phát triển xứng tầm mục tiêu lớn hướng tới năm 2045.
Nhân dịp chuyến đi thăm Nhật Bản tháng 11/2021, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Nhật Bản nhất trí mở ra giai đoạn mới cho quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước. Trong tình hình mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển, tôi tin chắc rằng vai trò của ngoại giao nhân dân cũng tăng lên. Hiện nay ở Nhật Bản hơn 400.000 người Việt Nam đang sinh sống lâu dài ở Nhật Bản. Số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đã tăng lên nhanh chóng, và nhiều người đang phải đối mặt với những khó khăn khác nhau gồm cả thảm họa do đại dịch Covid-19 gây ra.
-Giáo sư có thể chia sẻ về những kì vọng đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) trong vai trò thúc đẩy mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản?
Hội Hữu nghị Nhật – Việt có 16 chi hội địa phương với số hội viên khoảng 1.000 người. Họ đều là những người đã lớn tuổi và tham gia ủng hộ nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức với Hội hữu nghị Nhật – Việt. Trước tình hình đó, các chi hội của Hội Hữu nghị Nhật – Việt các địa phương đã tổ chức các hoạt động, giúp đỡ những người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản gặp nhiều khó khăn. Cụ thể: cung cấp lương thực và bố trí nơi cho người Việt Nam mất việc và làm việc với các công ty Nhật Bản tuyển dụng thực tập sinh Việt Nam.
"Trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển, tôi tin chắc rằng vai trò của ngoại giao nhân dân cũng tăng lên", GS Furuta Motoo nói. |
Kế hoạch sắp tới của Hội sẽ thu hút thêm những hội viên trẻ tuổi. Một số chi hội sẽ mở tiếng Việt cho người Nhật và dạy tiếng Nhật cho người Việt Nam. Khi khôi phục đường bay thương mại giữa hai nước thì Hội Hữu nghị Nhật – Việt sẽ tổ chức một số chuyến đi thăm hữu nghị Việt Nam.
Đối tác của Hội hữu nghị Nhật – Việt là Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt - Nhật. Tôi kỳ vọng hướng đến năm kỷ niệm này, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đoàn kết chặt chẽ với các tổ chức đối tác phía Nhật Bản để nâng tầm quan trọng của ngoại giao nhân dân giữa hai nước.
Theo Thoidai