Quang cảnh buổi lễ. (Ảnh: TV)
Tham dự buổi lễ có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, ngài Guido Hildner; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Đức; Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương cùng đông đảo thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam-Đức.
Hội hữu nghị Việt Nam - Đức đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. (Ảnh:TV)
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước tặng Hội hữu nghị Việt Nam-Đức ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những thành tích xuất sắc trong công tác, đóng góp tích cực, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân hai nước; đặc biệt trong lĩnh vực đấu tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Đức Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: TV)
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Đức Nguyễn Chí Dũng cho biết: 35 năm qua, trung thành với mục tiêu: “Góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Đức; đóng góp vào việc phát triển không ngừng quan hệ giữa hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển”, Hội đã ra sức hoạt động nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế với nhân dân Đức và bạn bè quốc tế nói chung, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần vào công cuộc hội nhập và phát triển của đất nước.
Hội cũng đã tích cực vận động hướng dư luận Đức vào các hoạt động hỗ trợ công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam, đòi quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ các vùng nông thôn, miền núi còn nghèo ở Việt Nam. Đặc biệt, Hội đã có nhiều hoạt động kịp thời và có hiệu quả tuyên truyền và vận động bạn bè Đức và quốc tế đoàn kết, ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Bên cạnh những hoạt động kể trên, Hội hữu nghị Việt Nam-Đức vẫn thường xuyên, liên tục triển khai các hoạt động nhằm giới thiệu Việt Nam với nhân dân Đức, tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng phát triển.
Sự gắn kết và thấu hiểu về văn hóa giữa hai đất nước, hai dân tộc chính là cơ sở cho mối quan hệ chính trị, kinh tế lâu dài giữa Việt Nam và Đức. Nhìn vào quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc, có thể nói rằng hai đất nước chúng ta đã gắn bó dài hơn 45 năm, từ những ngày Việt Nam còn đang kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ở Việt Nam có hơn 100.000 người đã từng học tập, lao động ở cả hai miền nước Đức và tại Đức cũng có hơn 170.000 người Việt Nam đang sinh sống, hội nhập vào quê hương thứ hai của họ. Họ chính là nhịp cầu kết nối hai đất nước chúng ta một cách lâu dài, bền vững. Có thể nói đó là một quan hệ độc đáo có một không hai trên thế giới và trong khu vực.
Ngài Guido Hildner, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam khẳng định hoạt động kỷ niệm 35 năm thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Đức là sự kiện ý nghĩa với hai nước Việt Nam và Đức. Nhắc lại hành động vô cùng ý nghĩa của Hội hữu nghị Việt Nam-Đức khi đã quyên góp hơn 80 nghìn khẩu trang y tế gửi tặng nhân dân Đức trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Đức. Đó là món quá đúng thời điểm và vô cùng quý giá mà nhân dân Đức nhận được từ nhân dân Việt Nam.
Đại sứ cho biết: Hai nước đã và đang thúc đẩy nhiều lĩnh vực hợp tác; trong đó, ở lĩnh vực giáo dục, hiện có khoảng 7,5 nghìn học sinh, sinh viên Việt Nam học tại Đức. Đại sứ Guido Hildner bày tỏ hy vọng hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục sẽ ngày càng được thúc đẩy, trở thành một điểm nhấn trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Đức.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Đức là đối tác quan trọng của Việt Nam ở Châu Âu. (Ảnh: TV)
Chúc mừng Hội hữu nghị Việt Nam-Đức đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, quan hệ hữu nghị và hợp tác đối tác chiến lược với Cộng hòa Liên bang Đức luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu.
Trong 45 năm qua, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, ngày càng được củng cố và phát triển trong khuôn khổ hợp tác đối tác chiến lược.
Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Trong khi đó, Việt nam cũng là đối tác quan trọng của Đức tại Châu Á và ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt trên 10,24 tỷ USD.
Các nhà đầu tư Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đức hiện có 361 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,06 tỷ USD, đứng thứ 4 trong EU và thứ 18/132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đức là một trong những nước viện trợ ODA nhiều và thường xuyên cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính. Đồng thời, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực văn hoá – nghệ thuật; giáo dục – đào tạo; khoa học công nghệ; quốc phòng, an ninh.
Thời gian tới, để quan hệ hợp tác đối tác chiến lược Việt Nam – Đức ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên mọi lĩnh vực: Chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, an ninh, quốc phòng, giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch…; nhằm tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ giữa nhân dân hai nước, Phó Thủ tướng đề nghị Hội Hữu nghị Việt-Đức cần tiếp tục bám sát các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, đặc biệt là các trọng tâm hợp tác trong khuôn khổ đối tác chiến lược Việt-Đức, phát huy thế mạnh để tăng cường thông tin, đẩy mạnh giao lưu nhân dân; đồng thời, cần có những giải pháp đổi mới để vận động, thu hút ngày càng nhiều lớp trẻ tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân.
Cùng với đó, Hội Hữu nghị Việt Nam-Đức cần giữ mối liên hệ thường xuyên, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các đối tác, bạn bè truyền thống và tích cực, chủ động tìm kiếm, mở rộng đối tác mới nhằm lan tỏa sâu rộng hoạt động đối ngoại nhân dân trong các tầng lớp nhân dân của hai nước.
Phó Thủ tướng tin tưởng, với sự chỉ đạo sát sao, tâm huyết, trách nhiệm của Ban Lãnh đạo và sự tham gia tích cực của các Ủy viên Ban Chấp hành và hội viên của Hội hữu nghị Việt Nam-Đức, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành liên quan, Hội Hữu nghị Việt Nam-Đức sẽ tiếp tục gặt hái thành công mới, góp phần tích cực hơn nữa vào việc tăng cường, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Đức.
Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga đánh giá cao vai trò hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam-Đức và khẳng định Liên hiệp Hữu nghị sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội trong thời gian tới. (Ảnh: TV)
Bích Ngọc