Hội thảo “Các phương án tự chủ của các nước phương Nam trong thế giới toàn cầu hóa”
(Vietpeace) Ngày 13-14/8, tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phối hợp với Mạng lưới Đoàn kết Nhân dân Nam - Nam, Quỹ Rosa Luxemburg tổ chức Hội thảo quốc tế “Các phương án tự chủ của các nước phương Nam trong thế giới toàn cầu hóa.”
Ảnh: TV
Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam (Quỹ); ông Trần Đắc Lợi, Phó Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương, Phó Chủ tịch Quỹ; bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Quỹ; bà Nadja Charaby, Giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg tại khu vực Đông Nam Á; đại diện Bộ Ngoại giao, một số cơ quan nghiên cứu, tổ chức quốc tế và Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội; một số chuyên gia kinh tế trong nước, học giả, nhà hoạt động xã hội từ các khu vực ASEAN, châu Á, Mỹ Latinh, châu Âu.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Bình nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến dự Hội thảo quốc tế về một đề tài rất quan trọng đối với các nước phương Nam và thế giới.
Bà Bình nhấn mạnh, tiếp theo các cuộc hội thảo tại Diễn đàn xã hội thế giới tại Tu-ni-di tháng 3/2013 và Hội nghị An-giê-ri tháng 9/2013 của Mạng lưới đoàn kết nhân dân Nam - Nam, mục đích Hội thảo lần này là nhận diện những thách thức, những nghịch lý cũng như những cơ hội đang đặt ra đối với các nước phương Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng trong cục diện và tình hình quốc tế ngày nay để từ đó đề xuất những giải pháp cho các nước phương Nam nhằm bảo vệ được độc lập, tự chủ, phát triển bền vững, góp phần xây dựng một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.
Bốn vấn đề được đưa ra tại Hội thảo là: Lựa chọn mô hình phát triển; Mô hình dân chủ, hay nói một cách khác là mô hình chính trị, mô hình tổ chức và quản lý xã hội; Trật tự quan hệ quốc tế, trong đó quan hệ Bắc - Nam là then chốt; Quan hệ Nam - Nam.
Bà Nadja Charaby đã nêu bật những thách thức của các quốc gia phương Nam cần vượt qua trong giai đoạn hiện nay, cũng như sự hỗ trợ để xây dựng phương án tăng cường tình đoàn kết, các dự án về phát triển xanh, duy trì những kết nối truyền thống và kết nối những kinh nghiệm phát triển của các nước phương Bắc và phương Nam.
Trong hai ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu trình bày và thảo luận về các vấn đề: Bản chất, quan điểm và chính sách phát triển do phương Bắc áp đặt và tác động của nó đối với sự phát triển của các nước phương Nam; Hợp tác Nam - Nam vì một mô hình hậu tư bản chủ nghĩa; Các nước phương Nam tự chủ đi lên như thế nào?; Tác động của trật tự kinh tế thế giới và toàn cầu hóa đối với sự phát triển và chủ quyền kinh tế của các nước phương Nam; Bảo vệ chủ quyền, tự chủ quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa: thực tiễn phương Nam và kinh nghiệm Nam - Nam; Những bài học thực tế về phát triển của các nước phương Nam-kinh nghiệm ở các khu vực đặc biệt là Mỹ la tinh và ASEAN, phong trào không liên kết; Tác động của mô hình dân chủ phương Tây đối với các nước phương Nam; Tác động của trật tự chính trị thế giới và chính sách của các nước lớn đối với các nước phương Nam; Các nước phương Nam trước sự thay đổi của cục diện thế giới từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay; Giải pháp về mô hình phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền kinh tế; Hợp tác, hội nhập quốc tế và đoàn kết Nam-Nam; Xã hội dựa trên các giá trị; Kinh tế độc lập tự chủ trong hội nhập đầy đủ; Điển hình thành công về hợp tác Nam-Nam.
Theo TTXVN, chiều 13/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật ông Samir Amin và ông Francois Houtart - hai học giả lý luận Mác-xít, đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế trên./.