
Ảnh: TV
Đẩy mạnh các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác
Trong 64 năm qua, công tác đối ngoại nhân dân đã trở thành một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong công tác đối ngoại chung của Việt Nam, góp phần tạo nên mặt trận nhân dân thế giới, ủng hộ và cất cánh cùng nhân dân Việt Nam, giúp Việt Nam giành được thắng lợi cuối cùng: độc lập dân tộc vào năm 1975. Đối ngoại nhân dân không chỉ là công việc lễ nghi, khánh tiết chung chung mà còn bao gồm cả vận động chính trị, vận động văn hóa, vận động viện trợ. Các hội hữu nghị trở thành cầu nối quan hệ về chính trị, kinh tế, thương mại văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, du lịch, giao lưu. Trong giai đoạn mới, trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp, công tác đối ngoại nhân dân càng phải đổi mới linh hoạt, chủ động hơn.
Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ban hành chỉ thị số 28-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành chỉ thị số 04-CT/TW về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn của lãnh đạo Đảng ta đối với công tác đối ngoại nhân dân nói chung và Liên hiệp nói riêng trong tình hình mới, khi đất nước bước vào thời kì chủ động hội nhập quốc tế.
Đến nay, Liên hiệp đã có trên 100 các tổ chức thành viên trung ương là các hội hữu nghị ở các khu vực Á – Phi, khu vực châu Âu, châu Mỹ, khu vực đa phương. Tại các địa phương đã có 44 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh, thành phố được thành lập và duy trì khá tốt hoạt động, có những đóng góp tích cực cho các phong trào của địa phương.
Với phương châm hoạt động: “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, Liên hiệp đã mở rộng, đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, coi trọng phát triển chiều sâu quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các nước quan hệ đối tác chiến lược và các nước có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của ta, củng cố quan hệ bạn bè truyền thống, tăng cường quan hệ với các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, các tổ chức cánh tả; chủ động, tích cực nghiên cứu, thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới là các cá nhân, tổ chức, hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế thương mại, giáo dục. chính trị…Hiện nay, Liên hiệp đã thiết lập quan hệ đối tác với hơn 1.000 tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế.
Với các nước láng giềng, quan hệ hữu nghị, hợp tác nhân dân đặc biệt với Lào và quan hệ hữu nghị truyền thống Campuchia tiếp tục được củng cố và phát triển có chiều sâu thông qua nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, hiệu quả, đã góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia . Với Trung Quốc, Liên hiệp và các tổ chức thành viên đã chủ động triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân với sự tham gia của đông đảo nhân dân 2 nước.
Quan hệ nhân dân với các nước trong khu vực ASEAN được tiếp tục thúc đẩy thông qua nhiều hoạt động song phương, đa phương, góp phần thực hiện vai trò chủ thể tích cực của các tổ chức nhân dân trong việc tham gia xây dựng cộng đồng ASEAN hướng về nhân dân. Liên hiệp và các tổ chức thành viên cũng đã thiết lập được quan hệ đa dạng và triển khai nhiều hoạt động hữu nghị và hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và 1 số nước khác trong khu vực Á-Phi
Với khu vực châu Âu, Liên hiệp triển khai các hình thức hoạt động đa dạng đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong việc trao đổi thông tin hai chiều, phát huy vai trò cầu nối của Liên hiệp trong thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ,văn hóa giáo dục…
Với khu vực châu Mỹ, Liên hiệp duy trì và mở rộng quan hệ với chính khách trong Quốc hội, chính quyền Mỹ và Canada, các tổ chức cánh tả, tiến bộ, các tổ chức cựu chiến binh, các tổ chức phi chính phủ; vận động các đối tác thúc đẩy hợp tác để giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam cũng như tăng cường hiểu biết, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhân dân giữa Việt Nam với các nước.
Trong công tác đa phương, Liên hiệp đã triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả cao, mở rộng hợp tác với các tổ chức cánh tả, tiến bộ, các mạng lưới và phong trào nhân dân, khôi phục và duy trì quan hệ với các tổ chức bạn bè truyền thống, phối hợp và hỗ trợ kênh ngoại giao Nhà nước trong một số thiết chế hợp tác đa phương quan trọng.
Thông qua các cuộc tiếp xúc, hội thảo, Liên hiệp tích cực, chủ động tham gia vận động, đấu tranh dư luận có hiệu quả trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, vấn đề chất độc da cam, chủ quyền biển đảo, quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Việc đón tiếp các đối tác đến từ nhiều nước trên thế giới đã góp phần tăng cường sự hiểu biết và thiện cảm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Góp thêm nguồn lực cho an sinh xã hội
Những năm qua, Liên hiệp đã góp phần mở rộng mạng lưới bạn bè quốc tế, tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ của nước ngoài dành cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực phát triển, nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, y tế, hợp tác phát triển, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, khắc phục hậu quả chiến tranh… Thông qua Liên hiệp, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ với khoảng 1.000 đối tác ở nhiều nước trên thế giới. Từ năm 1992 đến nay, số viện trợ giải ngân từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước ta.
Nếu như trước đây, sự ủng hộ giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam có ý nghĩa hết sức to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thì hiện nay, những hỗ trợ về vật chất và kinh nghiệm trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó thiên tai, giải quyết vấn đề môi trường… vẫn đặc biệt cần thiết đối với Việt Nam.
Theo đánh giá của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các địa phương, đối ngoại nhân dân với sự kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức NGO đã góp phần thay đổi bộ mặt địa phương. Những dự án của các tổ chức phi chính phủ phục vụ đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Chẳng hạn, tại nhiều địa phương, những dự án tín dụng nhỏ cho hộ nghèo được vay vốn làm ăn phát triển. Những dự án này giúp người dân tự biết nâng cao đời sống mình, biết tiết kiệm, vươn lên trong cuộc sống, cho con em học hành và xử lý những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Qua các hoạt động- dự án hợp tác này, tình hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè thế giới cũng đã được tăng cường.
Để mỗi người dân là một “đại sứ”
Trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác đối ngoại nhân dân ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tham gia thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại chung, góp phần vào việc tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thực tế cho thấy, đối ngoại nhân dân đã trở thành sứ mệnh, mệnh lệnh, yêu cầu của cuộc sống.
Để tiếp tục cụ thể hóa đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong nhiệm kỳ tới, Liên hiệp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, nhằm huy động tinh thần đoàn kết quốc tế, quan hệ hữu nghị và hợp tác ủng hộ Việt Nam, đấu tranh hiệu quả trên các lĩnh vực nhạy cảm như dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, chủ quyền biển đảo…Tiếp tục củng cố, mở rộng, phát triển theo chiều sâu mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế, tích cực tham gia các thiết chế đa phương quan trọng.
Liên hiệp sẽ chú trọng cải tiến phương thức tổ chức và nội dung nhằm nâng cao hiệu quả thiết thực của các hoạt động đối ngoại; chú trọng nâng cao hiệu quả chính trị và đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục,…Tăng cường kết hợp hoạt động hữu nghị với vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và vận động tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức thành viên và lợi thế linh hoạt của đối ngoại nhân dân trong quan hệ và hoạt động đối ngoại; củng cố và phát triển tổ chức Liên hiệp vững mạnh; tăng cường huy động các nguồn lực trong xã hội để đẩy mạnh các hoạt động của Liên hiệp sao cho mỗi người dân là một “đại sứ” để bạn bè quốc tế thêm hiểu, thêm yêu Việt Nam.
Những thành quả trong chặng đường 64 năm thành lập của Liên hiệp đã chứng minh tính đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Đảng về vai trò công tác đối ngoại nhân dân. Với niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, Liên hiệp và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống và bài học kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức, đóng góp hiệu quả vào công tác đối ngoại của đất nước.
Ngày 17/11/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội thành lập Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam. Hai ngày sau, ngày 19/11/1950, Đại hội thành lập Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới Việt Nam, (nay gọi là Uỷ ban hoà bình Việt Nam) được tổ chức trọng thể tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội thành lập một trong những tổ chức thành viên quan trọng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trở thành Ngày truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đánh dấu sự ra đời, phát triển của đơn vị chuyên trách làm công tác đối ngoại nhân dân. Trong kháng chiến, Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách cổ vũ, động viên nhân dân ta và kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp, góp sức vào cuộc kháng chiến. Tại đây, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã cho dựng bia đá, khắc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị. |
Hà My - Tạp chí Hữu nghị