(Vietpeace) Thành phố Đà Nẵng có quan hệ hợp tác với 5 tỉnh Trung Nam Lào trên các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, văn hoá… Đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác về giáo dục, hằng năm có khoảng 150 sinh viên Lào đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Đại học Đà Nẵng.
Ảnh: Minh họa
Qua công tác khảo sát số sinh viên Lào đang học tập tại thành phố, Hội hữu nghị Việt - Lào thành phố Đà Nẵng nhận thấy thấy chất lượng học tập của sinh viên Lào trong những năm gần đây là tương đối thấp; đa số sinh viên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu các môn học chuyên ngành bằng tiếng Việt, dẫn đến kết quả học tập còn thấp so với yêu cầu đặt ra của nhà trường; việc hoà nhập với một môi trường sống mới, tiếp xúc với một nền văn hoá mới khiến các sinh viên Lào chưa tự tin trong giao tiếp cũng như thiết lập các mối quan hệ với bạn bè xung quanh, đặc biệt là hoà nhập vào lối sống văn hoá của người Việt Nam nói chung và người dân Đà Nẵng nói riêng.
Xuất pháp từ tình hình trên, từ tháng 4/2011, Hội hữu nghị Việt - Lào thành phố Đà Nẵng triển khai “ Chương trình ở nhà dân dành cho sinh viên Lào” với mục đích giúp các sinh viên Lào có cơ hội thực hành nâng cao khả năng tiếng Việt một cách hiệu quả, tiếp thu những nét đẹp văn hoá Việt Nam thông qua cuộc sống thường ngày của gia đình người Việt và nhanh chóng hoà nhập với cộng đồng địa phương, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và môi trường cuộc sống học tập cho sinh viên Lào đang theo học tại Đà Nẵng.
Đến nay, Hội đã tổ chức được 04 đợt, đưa được 123 sinh viên Lào đang theo học tại trường Đại học Sư phạm, Đại học Kinh tế và Đại học Ngoại ngữ đến ở tại nhà các hộ dân tại phường Mỹ An, Khuê Mỹ thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Chương trình đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Tổng lãnh sự quán CHDCND Lào; sự giúp đỡ về mặt vật chất cũng như tinh thần của các cơ quan, doanh nghiệp và đoàn thể địa phương như tài trợ kinh phí cho chương trình, khảo sát chọn nhà dân, bảo đảm an ninh cho sinh viên, tổ chức thăm hỏi, động viên hộ dân và sinh viên trong thời gian các em tham gia chương trình.
Đến nay, Chương trình đạt được hiệu quả trong việc cải thiện trình độ ngôn ngữ tiếng Việt, nâng cao chất lượng học tập của sinh viên Lào; tạo cơ hội cho các em tìm hiểu, tiếp xúc với văn hoá Việt Nam, giao lưu với nhân dân địa phương; tham gia công tác xã hội và hoà nhập nhanh chóng với cuộc sống mới, môi trường mới; khơi dậy những tình cảm yêu quý đầy trong sáng và đẹp đẽ giữa thế hệ trẻ của Lào và nhân dân thành phố. Thông qua Chương trình, người dân Đà Nẵng cũng có cơ hội tiếp xúc với nền văn hoá đặc sắc của nước bạn, càng thêm yêu quý những bản sắc dân tộc đầy màu sắc và mối tình hữu nghị Việt - Lào son sắt thuỷ chung. Mỗi người dân cảm thấy phấn khởi vì chính họ đã trở thành những nhà ngoại giao nhân dân rất gần gũi và chân chất. Người dân Đà Nẵng đã nhận thức rõ hơn về vai trò của mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Có thể nói, Chương trình chính là chiếc cầu hữu nghị kết nối và làm giàu đẹp thêm mối tình hữu nghị giữa dân tộc hai nước Việt - Lào.