Dự án Làng Cầu Vồng đã giúp người dân nghèo vùng bãi rác thành phố Rạch Giá có cuộc sống ổn định (Ảnh: ĐCS)
Từ câu chuyện của làng Cầu Vồng
Ở phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang có một ngôi làng mang cái tên rực sáng – làng Cầu Vồng. Ngôi làng được thành lập cách đây 6 năm. Cư dân ngôi làng đặc biệt này nói đây là câu chuyện trong mơ với họ. Đa phần bà con sinh sống ở đây là các hộ nghèo, vốn hành nghề ve chai, lượm rác và trước đây sống ngay cạnh bãi rác giữa lòng TP Rạch Giá. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Kiên Giang đưa việc di dời người dân đang sống trên bãi rác vào một dự án kêu gọi tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Ba tổ chức Habitat for Humanyti và Catalyst Foudation, tổ chức C4C đã tài trợ tương đương 16, 5 tỷ đồng để hỗ trợ dân nghèo, không nhà cửa ở Kiên Giang. Dự án chính thức khởi động vào 20/2/2008, đã hoàn thành xây dựng hơn 100 căn nhà cho người dân, tại đường Lê Anh Xuân phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Gía. Mỗi căn trị giá trên 70 triệu đồng, với hạ tầng điện nước hoàn chỉnh, có trung tâm giáo dục dạy nghề cho thanh thiếu niên và chị em phụ nữ, một trường tiểu học gồm 6 phòng học, một thư viện, phòng máy tính và sân chơi rộng rãi cho hơn 200 em nhỏ thất học, vốn làm việc và sống cực khổ trên bãi rác. Khó có thể diễn tả niềm hạnh phúc, vui sướng của người dân làng Cầu Vồng khi được sống trong những ngôi nhà khang trang, con cái được đi học, được dạy nghề.
Chủ động, sáng tạo vận động
Câu chuyện xây dựng làng Cầu Vồng là minh chứng cho việc chủ động, tích cực vận động và nâng cao hiệu quả quản lý nguồn hỗ trợ của các tổ chức PCPNN của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Kiên Giang.
Với vai trò, nhiệm vụ là cơ quan đầu mối trong quan hệ, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài và là Thường trực Ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài của tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác vận động viện trợ, theo phương châm “Chủ động vận động, quản lý tốt hoạt động và nâng cao hiệu quả viện trợ”. Từ năm 2004 đến 6/2013, Kiên Giang vận động tài trợ đạt giá trị giải nhân trên 1.046 tỷ đồng, tương đương 57,6 triệu USD. Bình quân mỗi người dân được hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ tài trợ gần 35 USD. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc như: Xây dựng 271 phòng học; 238 cây cầu và trên 290 km đường giao thông nông thôn; xây mới và sửa chữa 7.307 căn nhà…
Để góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tạo thành sức mạnh tổng hợp trong thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang”, đồng thời hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua yêu nước với chủ đề “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Chính phủ phát động, năm 2011, Liên hiệp chủ động xây dựng Đề án tham gia xây dựng nông thôn mới với 07/19 tiêu chí, trong đó tập trung cho xây dựng cầu, đường nông thôn; nhà ở; trường học; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; mô hình sinh kế nâng cao thu nhập giảm nghèo cho người dân. Đây là những lĩnh vực mà tỉnh còn khó khăn và cần ưu tiên kêu gọi tài trợ. Qua 03 năm triển khai lĩnh vực thực hiện, đề án thu đã thu hút đông đảo sự tham gia, ủng hộ của các nhà tài trợ trong và ngoài nước, giá trị giải ngân đạt gần 229 tỉ đồng. Các công trình này góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh. Ngoài việc được hỗ trợ về vật chất, thông qua các dự án, cán bộ địa phương và nhân dân được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức, khả năng quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, được hướng dẫn nghiên cứu, xây dựng các mô hình phù hợp với sự phát triển của từng địa phương trong tỉnh. Hầu hết các dự án đều được triển khai đúng theo kế hoạch và được đánh giá hiệu quả và mang tính bền vững giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc.
Thông qua triển khai dự án trên địa bàn đã xây dựng được mối quan hệ tốt với các đối tác và nhân dân địa phương, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân địa phương với bạn bè quốc tế, qua đó phát huy được các giá trị về văn hoá, tinh thần, tăng cường giao lưu và đoàn kết quốc tế, trở thành cầu nối hữu nghị giữa tỉnh với các nước trên thế giới, góp phần phát triển công tác đối ngoại nhân dân, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta.
Cùng bắc một nhịp cầu hiểu biết
Để đạt kết quả trong công tác vận động viện trợ thời gian qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang đã năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm và đã đút kết được kinh nghiệm thực tế đối với công tác vận động viện trợ.
Trước hết, việc quản lý đầu tư các dự án từ nguồn vốn viện trợ được đảm bảo đúng quy định không có thất thoát, lãnh phí và luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng theo mục tiêu các chương trình, dự án đề ra, vừa tranh thủ tốt nguồn viện trợ vừa đảm bảo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước trong quá trình tiếp nhận và thực hiện dự án.
Thứ hai là phát huy vai trò trung tâm đoàn kết để huy động sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài cùng tham gia vận động tài trợ cho tỉnh. Chủ động kết hợp một cách nhuần nhuyễn, hài hoà giữa các hoạt động giao lưu, hữu nghị nhân dân với vận động viện trợ thông qua việc tổ chức các sự kiện, chương trình giao lưu để gây quỹ, tôn vinh các nhà tài trợ.
Phối hợp tốt với sở, ngành, địa phương, tổ chức triển khai và thực hiện đúng các cam kết trong thoả thuận dự án như: Phê duyệt, xin phép đoàn vào, vốn đối ứng, minh bạch về tài chính.v.v… Khi kết thúc dự án có báo cáo tổng kết đánh giá tính hiệu quả và bền vững của từng dự án. Thông qua báo cáo này để nhà tài trợ có hướng tiếp tục đầu tư mở rộng thêm dự án.
Bố trí đúng cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt phải là người tâm huyết với nhiệm vụ được giao, phải là những người có “Tâm”, có “Tầm” và phải là trung tâm đoàn kết phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, ý chí phấn đấu tất cả vì một mục tiêu chung. Huy động được đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, có kiến thức làm công tác đối ngoại.
Có thể nói, trong những năm qua, quan hệ phối hợp giữa Liên hiệp với các đối tác, nhà tài trợ được bền vững chính là vì cùng nhau bắc một nhịp cầu hiểu biết – thông cảm – tin cậy. Trong đó, điểm đặc biệt quan trọng nhất là tính minh bạch tài chính trong các dự án đã thuyết phục được các đối tác tin cậy, xem Kiên Giang là “địa chỉ hiếu khách”, từ đó tiếp tục hợp tác và giúp mời gọi thêm các đối tác mới về Kiên Giang. Bài học này đã giúp cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang thành công trong công tác đối ngoại nhân dân, cũng như công tác vận động viện trợ, tài trợ.
Nguyễn Minh - TCHN