Hội thảo “Cộng đồng ASEAN - Cơ hội và thách thức, đoàn kết và hợp tác”
(Vietpeace) Trong hai ngày 19 và 20/10 tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phối hợp với Văn phòng Rosa Luxemburg Stiftung Đông Nam Á tổ chức Hội thảo “Cộng đồng ASEAN - Cơ hội và thách thức, đoàn kết và hợp tác”.
Photo: TV
Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; các ông Phạm Văn Chương, Nguyễn Văn Huỳnh, Trịnh Ngọc Thái, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam; bà Liliane Danso-Dahmen, Giám đốc Văn phòng Rosa Luxemburg Stiftung (RLS) Đông Nam Á; bà Anna Mae, Ban Thư ký ASEAN…; đại diện một số Bộ, ban, ngành Trung ương; các đại biểu và diễn giả trong, ngoài nước…
Thay mặt bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Thái đã trình bày phát biểu khai mạc Hội thảo.
Bài phát biểu nêu rõ: Cộng đồng ASEAN 2015 sẽ là dấu mốc lịch sử trong thành công của ASEAN 48 năm qua. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu, chưa phải là đích cuối. Liên kết ASEAN là một tiến trình phát triển liên tục. Cộng đồng ASEAN sẽ hiện thực hóa mục tiêu về một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội, có quan hệ rộng mở với bên ngoài, hoạt động theo luật lệ và lấy người dân làm trung tâm. Với một cộng đồng 600 triệu dân, có tổng GDP đứng thứ bẩy và lực lượng lao động dồi dào thứ ba thế giới, triển vọng phát triển của ASEAN đầy hứa hẹn.
Trong những năm qua, cùng các nước thành viên triển khai thực hiện 17 điểm chủ chốt và 434 biện pháp ưu tiên, Việt Nam đã tham gia hết sức tích cực với trách nhiệm cao trong ASEAN.
Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam phải hiểu đầy đủ tính chất, nhiệm vụ của các vấn đề mà Cộng đồng đặt ra để hoạch định cơ chế, chính sách phù hợp, vạch ra một kế hoạch hành động cụ thể, tạo năng lực, hiệu quả kinh tế cao trong các lĩnh vực chủ chốt như tự do hóa thương mại hàng hóa, tự do hóa thương mại dịch vụ, hợp tác về nông nghiệp và nâng cao khả năng cạnh tranh trong nông nghiệp; đặc biệt là hợp tác và xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao phục vụ sự phát triển của từng nước cũng như cả cộng đồng.
Trong khuôn khổ của cuộc Hội thảo, bên cạnh những vấn đề chung của cộng đồng ASEAN, tập trung vào nội dung Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), làm rõ hơn nữa những cơ hội và thách thức khi Việt Nam cùng các thành viên ASEAN khác bước vào một giai đoạn mới với tính chất cao hơn của Hiệp hội - một cộng đồng thực sự.
Bà Liliane Danso-Dahmen nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự Hội thảo và cho biết RLS rất coi trọng việc hội nhập của cộng đồng ASEAN, đặc biệt việc hội nhập kinh tế là vấn đề chủ chốt của các nước ASEAN.
Hiện nay, RLS đã xây dựng chương trình hợp tác với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Ở Việt Nam, RLS đã thiết lập quan hệ tốt với nhiều tổ chức, trong đó có Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam.
Trong hai ngày làm việc, ngoài các vấn đề khác, cuộc Hội thảo đã tập trung vào nội dung Cộng đồng kinh tế ASEAN, một trong ba cột trụ của Cộng đồng ASEAN, cùng với Cộng đồng chính trị an ninh và Cộng đồng văn hoá - xã hội.
Nhiều đại biểu đã giới thiệu công trình nghiên cứu của mình về tầm quan trọng của khối ASEAN trong tình hình toàn cầu hoá, đánh giá về những cơ hội và thách thức khi Cộng đồng được thành lập.
Chủ đề thứ hai của Hội thảo là vấn đề phát triển nông nghiệp trong hội nhập ASEAN, những thế mạnh và những mặt còn yếu kém trong nông nghiệp và xuất khẩu nông sản.
Chủ đề thứ ba là thương mại, đầu tư và doanh nghiệp trong AEC, nhấn mạnh sự chuẩn bị của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia AEC.
Chủ đề thứ tư là vấn đề nhân lực trong hội nhập, phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực cao trong hội nhập ASEAN.
Các đại biểu cho rằng có một số vấn đề chung cần chú ý trong hội nhập: trình độ kinh tế, khoa học, công nghệ của các nước ASEAN gần ngang nhau và thấp hơn các nước công nghiệp phát triển dẫn đến việc các nước phải nhập công nghệ cao, xuất khẩu lao động tay nghề thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động; phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật của từng nước cho phù hợp với hội nhập có sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân; làm cho các doanh nghiệp và người dân hiểu rõ ràng, đầy đủ và cụ thể các điều cam kết trong cộng đồng; cần nâng cao sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nội khối cũng như ngoài cộng đồng; mô hình tổ chức và canh tác để nâng cao đời sống người nông dân, sản lượng và chất lượng nông sản, trồng trọt và chăn nuôi, xây dựng nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững; cần có biện pháp đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao bằng mọi biện pháp, không để tình trạng chỉ làm gia công kéo dài và xuất khẩu lao động giản đơn.
Các đại biểu dự Hội thảo cũng đã được nghe báo cáo về những thuận lợi, thách thức và những bài học kinh nghiệm của Ủy ban châu Âu để tham khảo.
Cuối cùng, Hội thảo cho rằng đây mới là bước đầu, cần tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm về những vấn đề cụ thể hơn nữa, có những kiến nghị với các cơ quan hữu quan về những thay đổi, bổ sung trong đường lối, chính sách cũng như pháp luật để có thể phát huy được cơ hội, hạn chế thách thức, biến thách thức thành cơ hội nhằm phát triển sản xuất, hợp tác kinh doanh và nâng cao đời sống người lao động và nhân dân nói chung.