4 trí thức kiều bào tham gia tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Phan Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban NNVNVNONN nhấn mạnh, trong lực lượng trí thức Việt Nam, bộ phận trí thức NVNONN là một cấu thành quan trọng, một nguồn lực dồi dào đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử.
Ông Mai Phan Dũng cho biết, hiện nay, theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số 5,3 triệu NVNONN, tương đương khoảng 600.000 người gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt đã định cư ở nước sở tại.
Ông Mai Phan Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban NNVNVNONN phát biểu tại hội thảo. |
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, bổ sung thêm: Trí thức kiều bào trong lĩnh vực KHCN làm việc ở các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đại học, công ty sản xuất những sản phẩm kỹ thuật và công nghệ cao, cũng như tại nhiều tổ chức quốc tế. Trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn từ điện tử, sinh học, y học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương đều có chuyên gia người Việt Nam làm việc.
Ngoài ra, trí thức kiều bào cũng có nhiều tiềm lực trong các lĩnh vực xã hội như luật sư, thẩm phán, nhà văn, nhà thơ… Hiện có nhiều chuyên gia kiều bào đang cộng tác, cố vấn, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương. Trong số đó có 4 chuyên gia trí thức kiều bào được lựa chọn tham gia tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và đã có những đóng góp ý nghĩa như đưa ra các khuyến nghị về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, động lực tăng trưởng, tăng vốn đầu tư khu vực Nhà nước, khai thác tài nguyên...
Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”. |
Thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về NVNONN
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, công tác vận động NVNONN, đặc biệt là các chuyên gia trí thức kiều bào ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra rằng, việc thu hút chuyên gia NVNONN tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam trong thời gian qua chưa thực sự tạo được bước đột phá cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả.
Ông Phạm Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho biết, hằng năm trung bình có khoảng 300-500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học NVNONN về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Bên cạnh các kết quả đạt được, qua thực tiễn công tác, ông cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập. Cụ thể, các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng ưu đãi hơn là trọng dụng và nhiều chế độ ưu đãi hiện nay không còn phát huy hiệu quả. Tại một số nơi, một số cấp, thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cũng là rào cản đối với sự nhiệt tình đóng góp của trí thức kiều bào cho đất nước. Do đó, nhiều trí thức vẫn còn băn khoăn, nghi ngại, chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở Việt Nam, thậm chí có một số trường hợp đã về nước làm việc ổn định nhưng lại phải trở ra nước ngoài. Về cơ sở dữ liệu NVNONN, hiện thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về NVNONN để các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác chung.
Ông Phạm Việt Hùng cũng cho biết, Uỷ ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ quan, địa phương đã có cơ sở dữ liệu riêng về chuyên gia, trí thức, doanh nhân nhưng do thiếu kinh phí, không cập nhật thường xuyên và không kết nối với nhau nên chưa phát huy được hiệu quả sử dụng cho các cơ quan trung ương và các địa phương; Về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc triển khai công tác thu hút nguồn lực NVNONN, hiện chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả công tác.
Cần có thủ lĩnh trí thức như chim đầu đàn tập hợp, dẫn dắt, chỉ huy từng lĩnh vực
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ (GS Đại học năng lượng quốc gia Moskova, LB Nga) cho rằng, đối với nhiều các trí thức NVNONN mong muốn được trở về đóng góp cho quê hương không phải là để được hưởng những chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước từ thu nhập, biệt đãi nhà nhà ở,…mà mong muốn được cống hiến, tận hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học nước nhà. Tuy nhiên trong quá trình trở về của các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cũng còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều người sau khi trở về Việt Nam một thời gian ngắn lại quay trở lại quốc gia họ từng sinh sống.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ (GS Đại học năng lượng quốc gia Moskova, LB Nga) phát biểu tại hội thảo. |
Ông cũng đề xuất một số kiến nghị: Đảng, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội nên thể hiện mọi lúc, mọi nơi sự trân trọng, cầu thị, lắng nghe, tôn vinh trí thức kiều bào. Tập trung mọi nguồn lực của đất nước, của xã hội cho phát triển khoa học công nghệ, trong đó phải lấy tiêu chí hiệu quả ứng dụng lên hàng đầu...
"Để sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức kiều bào cần có những cá nhân xuất sắc, những thủ lĩnh trí thức như con chim đầu đàn tập hợp, dẫn dắt, chỉ huy trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, đồng thời là người chịu trách nhiệm trước hệ thống chính trị và nhân dân cả nước trong lĩnh vực công việc của mình. Chúng ta cần nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trong thu hút, tập hợp lực lượng trí thức, đồng thời phải có chiến lược hợp tác chặt chẽ, sâu rộng và hiệu quả với các quốc gia phát triển có tiềm lực tri thức của thế giới; trong hợp tác với các nước phát triển, hết sức chú ý sử dụng vai trò cầu nối của lực lượng trí thức kiều bào", Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho biết.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Tổng Thư ký Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hiện nay Ủy ban NNVNVNONN xây dựng cơ sở dữ liệu về trí thức NVNONN, tập hợp danh sách trên 100.000 người có thông tin từng ngành, nghề, địa chỉ. Nhưng danh sách này khá khiêm tốn so với tổng số trí thức NVNONN, vì vậy cần đẩy nhanh tiến độ điều tra xã hội học và khi có dữ liệu tương đối cần giữ liên hệ thường xuyên với họ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và sẵn sàng tham vấn những vấn đề trong nước đang cần thiết.
Ông Hoài cho biết cần phải có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chuyên gia, trí thức NVNONN. Nhờ có chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà kiều bào mới thấy được những đóng góp của họ được trọng dụng một cách xứng đáng và tạo được động lực khuyến khích họ trở về quê hương xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, cho biết trong lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay thì cộng đồng trí thức NVNONN chính là một nguồn lực dồi dào còn nhiều tiềm năng chưa khai thác.
"Có thể thấy rằng định hướng ưu tiên trong thời gian tới của các cấp là có một kế hoạch, chiến lược cụ thể triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút trí thức kiều bào về nước tham gia đóng góp trên các lĩnh vực của KHCN và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của đất nước", ông nói.
Ông cho rằng, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình trong công tác về NVNONN, việc triển khai phải thực sự đúng vai, nhất quán và giảm thiểu chồng chéo về chức năng đồng thời có sự liên thông, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống về công tác này.
Q.Hoa t.h / Thời Đại