Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng. |
Đó là sự xuất hiện đa dạng với các hình thức khác nhau của các loại thông tin xấu, độc được chủ động truyền trên internet và các trang mạng xã hội. Đây là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc sự việc, "đổi trắng, thay đen"… Đó còn là các dạng thông tin phá bỏ những chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống, tin đồn thất thiệt, thông tin nhảm nhí… Đây là vấn đề không mới nhưng khi có cơ hội là lập tức nổi lên như những luồng thông tin có sức mạnh chi phối, gây hoang mang, nghi ngờ cho người đọc, người sử dụng…
Trong buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV vừa qua, có nhiều người dân thành phố Đà Nẵng đã bày tỏ với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu Quốc hội thành phố sự bức xúc, lo lắng về thực trạng thông tin xấu, độc. Các cử tri nêu rõ, thông tin xấu, độc trên các nền tảng mạng xã hội đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức của người tiếp nhận, gây ra cách nhìn nhận lệch chuẩn, thậm chí gây mất lòng tin của nhân dân đối với cuộc sống, với Đảng, Nhà nước…
Những băn khoăn, lo lắng của cử tri thành phố Đà Nẵng là thực tế và cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, thay mặt cử tri địa phương mình nêu rõ tại nghị trường trong các kỳ họp khác nhau của Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, đáng lo hơn, nhiều thông tin xấu, độc trong giai đoạn vừa qua tạo nên "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của không ít một số người do họ thiếu cái nhìn khách quan, trung thực, sáng suốt.
Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm. Tuy nhiên, các hành vi vẫn phức tạp, tinh vi, các đối tượng chủ mưu phát tán thông tin xấu, độc vẫn hoạt động lẩn khuất…
Chia sẻ với cử tri thành phố Đà Nẵng về những lo lắng, bức xúc đối với thông tin xấu, độc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, việc hoạt động, tham gia các trang mạng xã hội là quyền tự do của mỗi công dân nhưng việc thông tin, bày tỏ suy nghĩ, chủ kiến về con người hay sự việc nếu không thận trọng, không nghiêm túc sẽ có thể dẫn đến hành vi xuyên tạc, buộc tội vô căn cứ. Đây là sai phạm mà nhiều nước trên thế giới, kể cả những quốc gia được coi là dân chủ hàng đầu, đều xử lý nghiêm minh với những hình thức xử phạt rất nặng...
Về mong muốn của cử tri về việc phải xử lý kịp thời những hành vi phát tán thông tin xấu, độc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thẳng thắn cho biết: Các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng của chúng ta chưa làm tốt vấn đề mà cử tri nêu và mong muốn. Vì vậy, chúng ta sẽ phải thực hiện nghiêm minh hơn, hiệu quả hơn, kịp thời hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, khi tham gia mạng xã hội, mỗi người cần tỉnh táo, sáng suốt, chọn lọc thông tin để nhận diện, đón nhận. Nếu không, mỗi người rất có thể bị "ngấm" và ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí, mỗi người tham gia mạng xã hội cần sẵn sàng lan tỏa những thông tin chính thống, chuẩn mực, qua đó góp phần nhân rộng những điều tốt đẹp, những điều có ý nghĩa trong cuộc sống.
Q.Hoa t.h / Nhân Dân