Nâng cao chất lượng cán bộ thông qua tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm.
Đầu tháng 8/2022, lần đầu tiên, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức một chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ mới tuyển dụng. Tham gia chương trình đào tạo có 16 công chức mới được tuyển dụng trong năm 2022.
Chương trình này trang bị cho cán bộ mới được tuyển dụng những thông tin về cơ cấu tổ chức, hệ thống bộ máy, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị. Đồng thời cung cấp thông tin về những điểm chung giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, những nét riêng, đặc sắc của đối ngoại nhân dân. Qua chương trình, đội ngũ cán bộ mới của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam có nhận thức đúng về những khó khăn, thách thức, thời cơ đối với công tác thông tin đối ngoại hiện nay.
Việc đào tạo các cán bộ mới tuyển dụng cũng được tiến hành thông qua đào tạo trực tiếp tại các hoạt động đối ngoại, tập huấn chuyên đề và sáng kiến “Ăn trưa với Chủ tịch”.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam xác định công tác cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực đối ngoại nhân dân là giải pháp căn bản để nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho 16 công chức mới tuyển dụng năm 2022 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Ảnh: Hải An). |
Báo cáo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ theo hướng “chuyên trách, chuyên tâm, chuyên nghiệp”, có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất, kỷ luật và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, chất lượng đội ngũ cán bộ Cơ quan Thường trực từng bước được nâng cao thông qua việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm.
Mặc dù từ năm 2021 đến nay không được Nhà nước cấp kinh phí đào tạo, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã linh hoạt vận dụng các nguồn chi hợp pháp và nguồn lực sẵn có để cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo như: cao cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng cán bộ cấp vụ, cấp phòng; bồi dưỡng theo ngạch bậc; phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao triển khai “Đề án Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân giai đoạn 2021-2025” thông qua việc tham gia xây dựng chương trình đào tạo và cử báo cáo viên tham gia giảng dạy tại các khóa.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tiến hành tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ lãnh đạo cấp ban thông qua các hoạt động tập huấn định kỳ hàng năm; yêu cầu theo dõi và báo cáo về tình hình thế giới và khu vực tại các cuộc giao ban tuần; báo cáo tại các buổi toạ đàm/trao đổi thông tin của Cơ quan Thường trực; chủ trì xây dựng các báo cáo khoa học/báo cáo chuyên đề hàng năm về các vấn đề liên quan trực tiếp đến công tác chuyên môn và các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác của lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
"Cần bộ tiêu chí năng lực cán bộ đối ngoại nhân dân"
Đây là đề xuất của bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ nhằm nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân. Bà cho rằng phải có cơ chế đánh giá năng lực cán bộ, triển khai đồng bộ với việc tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân theo hướng chính quy, hiện đại. Có chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, động viên và giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám trước sự cạnh tranh và sức hấp dẫn ngày càng lớn của các công ty, doanh nghiệp nước ngoài và khu vực tư nhân.
"Xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý làm công tác đối ngoại nhân dân có đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng các kỹ năng mềm như: kỹ năng thích ứng thay đổi và xử lý khủng hoảng; kỹ năng tác chiến độc lập và làm việc nhóm; xây dựng và phát triển mạng lưới quan hệ; kỹ năng thuyết trình, đàm phán, trả lời phỏng vấn, ứng xử trên môi trường mạng xã hội, chủ trì hội nghị, hội thảo quốc tế; kỹ năng giao tiếp đa văn hóa, kỹ năng kết nối với các cơ quan đại diện ngoại giao trong và ngoài nước. Tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình, cơ chế đào tạo cán bộ qua công việc đang phát huy hiệu quả như cơ chế tập sự lãnh đạo, quản lý, cơ chế cử cán bộ trẻ làm việc tại các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài", bà Giang gợi ý.
Trong tham luận gửi tới Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2023 tổ chức tại Bình Định vào tháng 7/2023, Ban Tổ chức cán bộ (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) đã đề xuất thường xuyên luân chuyển cán bộ trong Cơ quan Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và ở các Liên hiệp địa phương có đủ điều kiện về số lượng cán bộ để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ theo hướng “chuyên trách, chuyên tâm, chuyên nghiệp”, mỗi cán bộ giỏi một việc, biết nhiều việc, sẵn sàng thay thế, luân chuyển khi cần.
Cùng với đó, xây dựng chiến lược trong công tác cán bộ, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đúng vị trí, năng lực của đội ngũ nhân sự. Xây dựng hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là môi trường đào tạo và tự đào tạo tốt cho các công chức, viên chức, người lao động của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ theo hướng “chuyên trách, chuyên tâm, chuyên nghiệp”, có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất, kỷ luật và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong thời gian tới.
Q.Hoa t.h / Thời Đại