Mùa xuân đang về với nhiều ước mơ và hy vọng.
Các chuyến bay thương mại đều đang tạm ngưng khai thác, cho nên Việt kiều ở Mỹ hoặc châu Âu năm nay không có cơ hội trở về Việt Nam để ăn Tết truyền thống.
Ủng hộ chủ trương của Chính phủ, phần lớn người Việt có bà con ruột thịt ở nước ngoài đều kêu gọi thân nhân không nên mạo hiểm đi lại giữa mùa dịch bệnh.
Vì vậy, những Việt kiều có điều kiện kinh tế ổn định, đã thay đổi cách thức chia sẻ hạnh phúc ngày Tết của họ, bằng cách gửi tiền về nước để làm từ thiện.
Một Việt kiều Anh đã viết trên Facebook mấy dòng chia sẻ xúc động: “Ở Luân Đôn rất buồn, trong giá lạnh bỗng nhớ da diết không khí Tết tại Sài Gòn. Nếu về quê ăn Tết, tôi phải bỏ ra chi phí khoảng 5 nghìn USD để đi lại và 5 nghìn USD để cách ly, mà vẫn phập phồng âu lo trở ngại.
Tôi quyết định không ăn Tết Việt Nam một lần, để dành khoản tiền kia cho ba má tôi giúp đỡ những người khốn khó nơi quê nhà”.
Cũng bởi lý do gắn kết với cố hương như vậy, mà lượng kiều hối của Việt Nam không mấy bị ảnh hưởng trong bối cảnh Covid-19. Theo thống kế của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 7%, mà Việt Nam vẫn nằm trong top 10 những quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất
Theo con số chưa đầy đủ của các tổ chức tài chính, thì lượng kiều hối người Việt chuyển về nước trong năm 2020 đạt khoảng 15,7 tỷ USD. Nếu so với con số 16,7 tỷ USD của năm 2019, thì kiều hối của Việt Nam trong sóng gió Covid-19 chỉ giảm 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, không phải hầu hết người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn ở nước ngoài đều có thu nhập khá giả. Rất nhiều người Việt đang mưu sinh ở các quốc gia lân cận lại chủ yếu là lao động phổ thông và phải chắt chiu dành dụm mới có đủ tiền về quê ăn Tết hàng năm.
Do đó, việc quyết định không thu phí cách ly tập trung đối với những trường hợp nhập cảnh qua đường bộ, chính là một giải pháp nhân văn mà Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã đưa ra đúng lúc.
Bởi lẽ, thời điểm cận Tết càng có nhiều người Việt tha hương sốt ruột tìm đường trở lại quê nhà. Nếu phải trả phí cách ly tập trung, có thể khiến họ nảy sinh những phản ứng không lành mạnh như nhập cảnh chui theo sự dẫn dắt của những đối tượng nguy hiểm.
Trong dịp Tết Tân Sửu, trước làn sóng người Việt tha hương về quê ăn Tết, nước ta vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới, tăng cường lực lượng cho bộ đội biên phòng, hỗ trợ kịp thời cho các chốt kiểm soát dịch bệnh trên đường biên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Cần tuyên truyền, vận động những gia đình có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về thì phải theo đường hợp pháp, tuân thủ các quy định về cách ly, giám sát y tế.
Đối với người Việt đang làm việc ở các quốc gia khác, phải hết sức động viên bà con tuân thủ các quy định phòng chống dịch, pháp luật nước sở tại, việc không về nước thời điểm này cũng là đóng góp cho công tác phòng chống dịch ở trong nước.
Đối với những trường hợp người dân muốn về nước theo nguyện vọng, đặc biệt là lao động hết hạn hoặc bị kẹt lại, đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, sẽ có cơ chế tổ chức các chuyến bay trên tinh thần đảm bảo tuyệt đối an toàn, đảm bảo đúng năng lực cách ly trong nước”.
Ngay trước thềm Tết Tân Sửu, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã phối hợp hoàn thiện và cập nhật hệ thống quản lý thông tin về dịch Covid-19 và thông tin về những người nhập cảnh.
Hệ thống sẽ ghi nhận thông tin ngay khi công dân, chuyên gia đăng ký với cơ quan ngoại giao Việt Nam và Hàng không để về nước. Tất cả trường hợp này phải khai báo y tế bắt buộc, trong đó phải nêu rõ sau khi cách ly về sẽ ở đâu.
Từ đó, lực lượng phòng chống dịch bệnh trong nước sẽ chủ động chuẩn bị phương án đón-đưa người nhập cảnh đến khu cách ly tập trung và sau khi hoàn thành cách ly phải có bàn giao chi tiết giữa cơ quan y tế nơi tổ chức cách ly với địa phương đón người về.
Ngoài công tác xử lý người dân nhập cảnh bằng đường bộ, một vấn đề khác đáng quan tâm là gần đây xuất hiện nguy cơ nhập cảnh trái phép từ đường biển, đường thuỷ.
Chẳng hạn, ngày 22/1, lực lượng làm nhiệm vụ tại thị trấn Sông đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã phát hiện một chiếc tàu chở nhóm người chạy từ hướng ngoài biển vào đất liền.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 38 đối tượng nhập cảnh trái phép từ Malaysia. 38 người này khai có hộ khẩu ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Họ sang Malaysia làm việc với nhiều nghề.
Tết Nguyên đán gần đến, họ lên tàu từ nước bạn nhập cảnh trái phép về cửa biển Sông Đốc thì bị lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện. Ông Trần Tấn Công- Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết đã đưa 38 người này đi cách ly tập trung để phòng chống dịch Covid-19. Ngoài 38 người nhập cảnh trái phép, 2 người điều khiển phương tiện cũng được đưa đi cách ly tập trung.
Do đó, bên cạnh tăng cường lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, công an… thì chính quyền cơ sở cũng phải tích cực tuyên truyền, vận động để những gia đình có người thân ở nước ngoài nếu buộc phải về nước thì phải động viên những người này thực hiện khai báo y tế đầy đủ và chấp hành cách ly.
Trường hợp người dân phát hiện người lạ hay người có biểu hiện từ nước ngoài về cần báo ngay cho chính quyền địa phương.
Hơn nữa, cũng cần nâng cao ý thức cho bà con ngư dân, để khi phát hiện trường hợp chở người ở nước ngoài về hay có người đi nhờ thuyền về, thì lập tức thực hiện biện pháp phòng, chống dịch và thông tin ngay cho lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương ngay từ trên thuyền để tránh những diễn biến phức tạp.
Mùa xuân Tân Sử 2021 là một khoảng thời gian tương đối đặc biệt đối với người Việt Nam, vì tất cả vừa đón Tết vừa chống dịch. Ngày Tết đoàn viên và ấm áp, nhưng không thể mất cảnh giác với Covid-19.
T.h / nongnghiep.vn