Quang cảnh buổi lễ.
Tham dự có Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov; Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga và đại diện nhiều ban, ngành, tổ chức, đơn vị.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên công khai thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Quan hệ hai nước đã trải qua chặng đường 70 năm lịch sử với những thành tựu quan trọng, toàn diện. Từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử, Việt Nam và Liên Xô đã triển khai ký kết hàng loạt văn bản, hiệp định, hiệp ước hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, quân sự, trong đó có lĩnh vực về hàng không, vũ trụ. Từ đó, dẫn tới sự kiện lịch sử năm 1980 với việc nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam - Phạm Tuân bay vào không gian vũ trụ trên con tàu “Liên hợp – 37 cùng với người bạn đồng hành Liên Xô Gorbatko.
Sự tham gia của phi công Việt Nam trong chuyến bay 40 năm trước có ý nghĩa quan trọng, là sự kiện lịch sử tiêu biểu, ấn tượng và là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam, ước mơ bay vào vũ trụ, chinh phục vũ trụ của người Việt Nam đã trở thành hiện thực. Lần đầu tiên, Việt Nam có nhà du hành vũ trụ tham gia thực hiện chinh phục không gian ngoài Trái đất, Việt Nam cũng là nước châu Á đầu tiên có nhà du hành vũ trụ đặt chân vào không gian vũ trụ bao la, là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử hàng không vũ trụ Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên này không chỉ thể hiện ước mơ mà còn là cơ sở, triển vọng phát triển về khoa học - công nghệ trong lĩnh vực vũ trụ của các nhà khoa học Việt Nam, minh chứng về khả năng to lớn chinh phục vũ trụ của người dân Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn mới trong việc ứng dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật phục vụ công cuộc xây dựng đất nước.
Nhằm khẳng định hơn nữa những giá trị, ý nghĩa lịch sử của chuyến bay vào vũ trụ cũng như lòng tự hào, khát vọng chinh phục khoa học công nghệ, chinh phục vũ trụ của người dân Việt Nam, trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác giai đoạn 2019-2022 giữa Cục Văn thư và Lưu trữ Việt Nam và Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Liên Xô /Liên bang Nga và 40 năm chuyến bay vào vũ trụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Việt Nam và Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga thực hiện biên soạn, xuất bản ấn phẩm tài liệu lưu trữ “Chuyến du hành vũ trụ lịch sử” bằng tiếng Nga năm 2020.
Cuốn sách “Chuyến du hành vũ trụ lịch sử” dày 130 trang, giới thiệu các tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn từ các cơ quan lưu trữ và văn hóa của hai nước. Đặc biệt, trong sách có một số tài liệu vừa giải mật, lần đầu tiên được công bố giới thiệu tới bạn đọc, cung cấp những thông tin, tài liệu có giá trị.
Trao tặng sách cho các vị khách mời.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, lần đầu tiên Ban tổ chức giới thiệu bộ phim tài liệu “Yuri Gagarin - Bảy năm cô đơn”, do Công ty Phát thanh và Truyền hình Trung ương Toàn Nga cung cấp. Bộ phim kể về một số câu chuyện thú vị trong cuộc đời của nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên hành tinh Yuri Gagarin.
Tại buổi lễ, Trung tướng Phạm Tuân đã chia sẻ những kỷ niệm của ông về chuyến bay vào vũ trụ 40 năm trước và về cuốn sách “Chuyến du hành vũ trụ lịch sử” mới ra mắt bạn đọc Việt Nam. Ban Tổ chức đã trao tặng sách cho Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam, Trung tướng Phạm Tuân và các vị khách mời.
Theo thanhuytphcm.vn