Bà Agarwal Vandana Shah, Phó Chủ tịch về tăng cường hệ thống y tế, Tổ chức CTFK/GHAI tại Hoa Kỳ - Tăng cường hợp tác trên nhiều cấp độ, đảm bảo khả năng tài chính của địa phương.
Bà Agarwal Vandana Shah (Ảnh: Hồng Anh) |
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của chương trình phòng chống đuối nước do GHAI và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Việt Nam phối hợp thực hiện là sự hợp tác. Ở cấp quốc tế, chúng tôi làm việc với Quỹ từ thiện Bloomberg và Tổ chức Y tế thế giới WHO.
Ở cấp quốc gia, GHAI đã hợp tác chặt chẽ với Quốc hội, các cơ quan chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Đoàn Thanh niên cùng với các Bộ ngành khác. Ở cấp độ địa phương, chúng tôi đề cao việc học tập kinh nghiệm quốc tế, từ đó điều chỉnh các giải pháp phù hợp với bối cảnh, văn hóa cụ thể của từng địa phương.
Để duy trì tính bền vững của chương trình, tôi cho rằng cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cần quan tâm sát sao đến vấn đề đuối nước. Đặc biệt, ở cấp địa phương, cần có cam kết về nguồn lực tài chính để triển khai chương trình như: đào tạo giáo viên dạy bơi, tổ chức dạy bơi cho trẻ, xây dựng và duy trì các bể bơi công cộng.
Bà Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - Tạo điều kiện về chính sách, pháp luật đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng.
Bà Angela Pratt (Ảnh: Hồng Anh) |
Để giảm nguy cơ đuối nước, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Cụ thể, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo, cam kết và tài trợ chi phí cho chương trình phòng chống đuối nước.
Bên cạnh đó, cộng đồng và phụ huynh cần ủng hộ các con tham gia vào các lớp dạy bơi, kỹ năng an toàn. Gia đình, phụ huynh cần đảm bảo an toàn ở các nguồn nước mở, giám sát con trẻ cẩn thận khi các con ở gần khu vực có nguồn nước mở.
WHO khuyến nghị 4 nội dung: Một, tập trung vào những giải pháp đã được chứng minh hiệu quả, bao gồm mở các lớp dạy bơi và đào tạo kỹ năng bơi lội, nâng cao nhận thức về các kỹ năng an toàn cơ bản dưới nước cho phụ huynh, đảm bảo các cộng đồng và quốc gia có thể tiếp cận dễ dàng những giải pháp này. Hai, các quốc gia cần có luật pháp, chính sách để hõ trợ các can thiệp kể trên. Ba, đảm bảo kinh phí để triển khai, nhân rộng các giải pháp trên. Bốn, đảm bảo mọi người đều nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống đuối nước và trang bị cho phụ huynh những kỹ năng cơ bản về an toàn dưới nước.
Một trong những điều tôi ấn tượng về Việt Nam là sự cam kết mạnh mẽ từ chính phủ, từ Thủ tướng trở xuống các Bộ ngành, như Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế, Quốc hội. Trong thời gian tới, WHO sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH và Quốc hội để khuyến nghị các chính sách, cơ chế hiệu quả dựa trên kinh nghiệm của WHO nhằm hỗ trợ Việt Nam giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ em. Bên cạnh đó, WHO cũng mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là về vai trò, tầm quan trọng của từng cá nhân, gia đình trong việc phòng chống đuối nước.
Bà Kelly Larson (Ảnh: Hồng Anh) |
Chúng tôi đã ghi nhận những kết quả ấn tượng trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ 6-15 tuổi tại Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2018 chúng tôi hợp tác với chính phủ Việt Nam triển khai hướng dẫn bơi an toàn cho trẻ em 6-15 tuổi tại 8 tỉnh và từ đó mở rộng địa bàn lên 12 tỉnh. Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhân rộng mô hình dạy bơi, đặc biệt là dạy bơi trong trường học ở các tỉnh thành phố trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định tăng hỗ trợ tài chính để triển khai công tác này. Từ đó đã có 30.000 trẻ em được dạy bơi miễn phí, dự định sẽ tăng lên 80.000 trẻ em và mục tiêu cuối cùng là 50% trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi an toàn thông qua chương trình phòng chống đuối nước 10 năm của Bộ LĐ-TB&XH.
Với sự hợp tác của chính phủ Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục để mở rộng địa bàn can thiệp. Với những bài học quý giá đã tiếp nhận được trong quá trình hợp tác, chúng ta sẽ đưa ra được chiến lược hiệu quả cho chương trình phòng chống đuối nước trong 10 năm tới.
Bà Đoàn Thu Huyền - Đại diện tại Việt Nam của Tổ chức CTFK - Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao kiến thức.
Bà Đoàn Thu Huyền (Ảnh: CTFK) |
Việt Nam là đất nước có đường bờ biển dài và hệ thống sông suối, kênh ngòi dày đặc, nhất là tại các khu dân cư. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về gánh nặng do đuối nước và kỹ năng an toàn trong môi trường nước còn hạn chế. Tỷ lệ trẻ em biết bơi còn thấp. Những yếu tố trên dẫn đến nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc, đặc biệt ở các khu vực nông thôn.
Trong 4 năm qua, tổ chức CTFK đã phối hợp với Việt Nam triển khai chương trình dạy bơi miễn phí cho 32.000 trẻ em và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 52.000 trẻ em tại 12 tỉnh, thành phố. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em đuối nước ở các khu vực này giảm đi đáng kể, tỷ lệ trẻ em biết bơi là hơn 32%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước (19%).
Trong thời gian tới, CTFK sẽ tiếp tục tăng cường dạy bơi, dạy kỹ năng và kiến thức an toàn trong môi trường nước cho trẻ em ở các địa bàn can thiệp. Bên cạnh đó, một điểm nhấn nổi bật trong năm nay của CTFK là các hoạt động về truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh, con trẻ, đồng thời hướng tới các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành.
Qua đó, các bên cùng chung tay, nỗ lực hơn nữa để bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong việc phòng, chống nguy cơ đuối nước. Cụ thể, chúng tôi đã kết hợp với các đối tác tổ chức Ngày hội gia đình nhân dịp Ngày Thế giới phòng chống đuổi nước 25/7. Bên cạnh đó, CTFK sẽ tiến hành nhiều hoạt động tại cộng đồng ở các địa phương, hỗ trợ phụ huynh, người chăm sóc trẻ, cán bộ trẻ em tại cấp tỉnh, thành phố, xã, huyện tham gia tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng chống đuối nước.
Long Pham / Theo Thời Đại