“Mối duyên” với Việt Nam
Susan Hammond đã dành gần như cả cuộc đời để trợ giúp các cộng đồng tái thiết. Nhưng đôi khi điều đó không diễn ra tại bang Vermont (Mỹ) quê hương bà, mà cách đó nửa vòng trái đất. Có những người bạn không hiểu vì sao bà đi xa như thế, để làm một công việc mà chính phủ Mỹ trước kia luôn né tránh đề cập.
Mối “duyên nợ” với Việt Nam của bà Susan xuất phát từ người cha, một cựu chiến binh Mỹ.
Bà Susan Hammond trò chuyện với các nhà báo trong chuyến thăm Hà Nội đầu tháng 7/2018
“Vào tháng 4/1970, cha tôi đến Việt Nam khi tham gia Công binh Lục quân Mỹ. Chị em chúng tôi lúc đó đã đủ lớn để xem tin tức về cuộc chiến trên tivi, nhưng khu vực đồi núi bang Vermont đã hạn chế tín hiệu truyền hình. Vì thế, chúng tôi không biết về những gì đang xảy ra trong cuộc chiến. Cha tôi đã trở về an toàn, hay ít nhất là chúng tôi nghĩ vậy”, bà từng viết.
“Ban đầu, tôi chưa hiểu rõ về ảnh hưởng của chất độc da cam tại Việt Nam. Nhưng khi tôi quay trở lại nhiều lần, qua các năm, tôi gặp gỡ nhiều người hơn và một bác sĩ của Hội chữ thập Đỏ Việt Nam đã giới thiệu tôi với các gia đình nạn nhân. Tôi đã gặp họ trực tiếp. Khi đó đã hơn 20 năm sau chiến tranh và cuộc chiến vẫn gây hậu quả tại Việt Nam”, Susan hồi tưởng.
Sự tò mò về đất nước cha mình từng tham chiến đã đưa Susan tới Việt Nam lần đầu tiên cùng chị gái năm 1991. Cô gái 26 tuổi khi đó dành một năm rưỡi để đi du lịch khắp thế giới và dự định quay trở lại Mỹ làm giáo viên.
Nhưng Việt Nam đã trở thành một điểm đặc biệt trong hành trình đó, một ngã rẽ bất ngờ trong cuộc đời, như bà tâm sự trong lần trở lại Việt Nam đầu tháng 7/2018.
“Ban đầu, tôi chưa hiểu rõ về ảnh hưởng của chất độc da cam tại Việt Nam. Nhưng khi tôi quay trở lại nhiều lần, qua các năm, tôi gặp gỡ nhiều người hơn và một bác sĩ của Hội chữ thập Đỏ Việt Nam đã giới thiệu tôi với các gia đình nạn nhân. Tôi đã gặp họ trực tiếp. Khi đó đã hơn 20 năm sau chiến tranh và cuộc chiến vẫn gây hậu quả tại Việt Nam”, Susan hồi tưởng.
“Khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1991, tôi thấy một đất nước còn nghèo, với nhiều dấu tích của chiến tranh. Các tòa nhà bị trúng bom và người ăn xin trên đường phố. Nhưng tôi cũng nhìn thấy một thế hệ sau chiến tranh muốn hàn gắn và tiến về phía trước. Một đất nước đang trên đà thay đổi lớn và tôi muốn trở thành một phần trong đó”, bà nhớ lại.
Susan trở lại Việt Nam năm 1996 để học tiếng Việt và dạy tiếng Anh. Khi sống và làm việc tại Việt Nam, bà đã tận mắt chứng kiến những hệ quả dai dẳng mà chiến tranh để lại, dù cuộc chiến đã lùi xa.
Cùng thời điểm đó, cha bà Susan bị chẩn đoán mắc bệnh Parkinson, một trong nhiều chứng bệnh có liên quan tới chất độc da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng tại Việt Nam.
“Tôi biết cần phải làm gì đó, bất kể điều gì có thể để trợ giúp. Ở nhà, tôi có thể nhận thấy những ảnh hưởng của chất độc da cam đối với cha tôi. Khi tới Việt Nam, tôi có thể nhìn thấy những ảnh hưởng đang tiếp diễn đối với người dân Việt. Là một người Mỹ, tôi thấy mình có trách nhiệm nào đó đối với những hậu quả do chiến tranh gây ra”, bà Susan nói.
Hơn 20 năm miệt mài vì nạn nhân da cam
Trong khoảng thời gian từ 1961-1971, ước tính quân đội Mỹ đã rải gần 80 triệu lít chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam, cũng như tại Lào và Campuchia, để hủy diệt những khu rừng và cải thiện tầm nhìn cho các máy bay. Thuốc diệt cỏ này có chứa TCDD, dạng nguy hiểm nhất của dioxin, “một trong những hợp chất độc nhất mà con người từng biết đến”, theo một báo cáo năm 2006 của Viện Khoa học Quốc gia Mỹ. Các tác động của phơi nhiễm bao gồm việc gia tăng nguy cơ bị sinh non, sảy thai tự nhiên, thai lưu, một loạt dị tật bẩm sinh và ung thư tử cung.
Bà Susan trong một chuyến công tác tại Việt Nam (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Theo tổ chức phi chính phủ War Legacies Project (Dự án Giải quyết Di sản chiến tranh - WLP) có trụ sở tại Bartonsville (bang Vermont), gần 3 triệu người Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi các căn bệnh liên quan tới chất độc da cam, trong đó có khoảng 150.000 trẻ em bị ảnh hưởng do sự phơi nhiễm từ bố mẹ.
Đối với nhiều người Mỹ, Chiến tranh Việt Nam giờ đây chỉ còn trong những cuốn sách lịch sử. Mặc dù người Mỹ có thể ý thức được cuộc chiến đã ảnh hưởng như thế nào tới các cựu chiến binh, nhưng không nhiều người biết rằng nó vẫn đang ảnh hưởng tới người Việt Nam.
“Chiến tranh Việt Nam không được dạy trong một số trường trung học. Đó là một cuộc chiến mọi người biết, nhưng không hiểu rõ. Giờ đây, sau hơn 40 năm, cuộc chiến vẫn đang giết chết hàng trăm người mỗi năm. Hầu hết mọi người không nghe gì về nó và không hiểu được làm sao mà một cuộc chiến từ nhiều năm trước lại vẫn gây hậu quả cho tới ngày nay”, bà nói.
Tận mắt chứng kiến những di chứng khủng khiếp của chất độc da cam đối với chính các cựu chiến binh Mỹ cũng như với môi trường và những người dân của Việt Nam, bà Susan đã quyết tâm dành mọi tâm huyết và nỗ lực trong suốt hơn 20 năm qua để nâng cao nhận thức của công chúng về những tác động dai dẳng của chất độc này đối với người dân Việt Nam và tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp các nạn nhân chất da cam tại Việt Nam.
Bà Susan đã sáng lập WLP vào năm 2007 và điều hành tổ chức phi chính phủ này để triển khai các hoạt động hỗ trợ những người đang phải chịu những di chứng về sức khỏe và môi trường của chiến tranh.
Trước khi thành lập WLP, bà Susan làm Phó Giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) từ năm 1996-2007 với mục đích thúc đẩy quan hệ song phương Việt-Mỹ, tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước và khuyến khích các tổ chức phi chính phủ và trường đại học của Mỹ xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ Việt Nam.
Các hoạt động hỗ trợ Việt Nam của bà Susan diễn ra tại nhiều tỉnh thành, bao gồm Quảng Nam, Hà Nam, Thừa Thiên Huế.
Những dự án do bà Susan xây dựng và triển khai để hỗ trợ Việt Nam tuy không có quy mô hay giá trị lớn về tài chính, nhưng đều rất thiết thực đối với người hưởng lợi và có ý nghĩa quan trọng trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt là khi nguồn tài trợ cho một số dự án đến từ chính các cựu binh Mỹ và gia đình với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau cho chiến tranh gây ra cho cả 2 phía Việt Nam và Mỹ.
Kể từ cuối thập niên 1990, bà Susan đã hỗ trợ giải quyết những tác động lâu dài về sức khỏe và môi trường của chất da cam bằng cách thông tin thường xuyên tới Quốc hội Mỹ, các viện nghiên cứu, giới báo chí, cựu chiến binh và công chúng ở Mỹ về tác hại của chất da cam đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam.
Trong hơn 20 năm qua, Susan đã cùng nhiều phóng viên báo chí, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim tài liệu xây dựng nhiều phóng sự về ảnh hưởng của chất da cam ở Việt Nam. Bà cũng viết sách, báo về ảnh hưởng của chất da cam và thuyết trình tại nhiều hội thảo, sự kiện trên khắp nước Mỹ. Bà tham gia tổ chức ra mắt nhiều bộ phim tài liệu về nạn nhân chất độc da cam, trong đó có các buổi chiếu phim “Châu Beyond the Lines” tại Thượng viện Mỹ và trụ sở Liên hợp quốc ở New York. Bà xây dựng và tiếp tục cập nhận các thông tin, dữ liệu liên quan đến chất da cam trên trang http://www.agentorangerecord.com.
Bên cạnh đó, bà Susan còn làm cố vấn cho tổ chức Ford Foundation trong Nhóm đối thoại Mỹ-Việt về chất độc da cam và Sáng kiến thông tin chất độc da cam ở Việt Nam.
Cùng với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam, bà Susan đã hỗ trợ trực tiếp cho 350 gia đình có trẻ khuyết tật nặng sửa chữa cải tạo nhà ở, cung cấp vốn hoặc con giống để phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc sức khỏe cho trẻ khuyết tật, cấp học bổng cho trẻ khuyết tật hoặc người trong gia đình trẻ khuyết tật.
Ngân sách cho dự án trên được quyên góp từ gia đình và bạn bè của ông Bob Feldman, một cựu chiến binh từng đóng quân ở Biên Hòa. Ông Bob mất năm 2006 vì ung thư do phơi nhiễm chất da cam khi còn tham chiến. Bà Susan đã gặp gia đình và bạn bè của Bob, đề nghị họ tiếp tục giúp đỡ các nạn nhân chất da cam ở Việt Nam.
Bà Susan xây dựng dự án này từ năm 2007 khi làm việc tại FRD. Trong năm đầu tiên, Quỹ Bob Feldman đã dành 50.000 USD hỗ trợ 50 gia đình ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Biên Hòa. Tính đến nay, tổng giá trị về tiền của dự án này là hơn 250.000 USD.
Tại Hà Nam, bà Susan đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam hỗ trợ các gia đình tăng thu nhập, học nghề và cải tạo nhà ở. Ngân sách cho dự án này được bà Suzanne Magman - con gái một người lính Pháp đã chết trong cuộc chiến tranh chống Pháp ở Hà Nam - đóng góp. Bà Magnan đã viết di chúc dành 60.000 USD để giúp các gia đình có trẻ khuyết tật tại tỉnh này.
Tại Thừa Thiên Huế, bà Susan đã cùng các chuyên gia Việt Nam là Tiến sĩ Võ Quý và Tiến sĩ Phùng Tửu Bối nghiên cứu các tác động của chất độc da cam ở huyện A Lưới. Bà Susan sau đó đã vận động quyên góp để trồng hàng rào xanh xung quanh điểm nóng dioxin ở A Lưới và hỗ trợ các gia đình ở khu vực này trồng cây mây để tăng thu nhập hộ gia đình.
Làm thay đổi nhận thức của chính phủ Mỹ
Sau hơn 20 năm làm việc tại Việt Nam, Susan nói bà cảm thấy được an ủi phần nào khi nhận thức của công chúng Mỹ, chính phủ Mỹ về chất độc da cam đã thay đổi.
Bà Susan cho biết, trong nhiều năm, vấn đề chất độc da cam từng được xem là rất nhạy cảm chính trị, ở cả Mỹ và Việt Nam. Người Việt Nam e ngại rằng mọi người có thể nghĩ cả đất nước bị nhiễm độc. Trong khi đó, chính phủ Mỹ lại nghi ngờ các khẳng định của Việt Nam về thiệt hại là một cuộc tuyên truyền. Những ngờ vực đó đã cản trở hành động ở cả hai phía.
Bà Susan gặp gỡ một bé gái trong một chuyến công tác tại Việt Nam (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tại Mỹ, các cựu chiến binh của Chiến tranh Việt Nam có thể được đền bù khuyết tật và các hỗ trợ chăm sóc y tế thông qua Bộ Các vấn đề Cựu chiến binh đối với các căn bệnh liên quan tới phơi nhiễm da cam và các chất diệt cỏ khác. Tuy nhiên, theo bà Susan, Mỹ không chính thức công nhận các căn bệnh tương tự và các khuyết tật bẩm sinh có liên quan tới phơi nhiễm dioxin tại Việt Nam. “Quan điểm của chính phủ Mỹ là bạn không thể liên hệ trực tiếp các khuyết tật với chất độc da cam, rằng không đủ bằng chứng khoa học để chứng minh điều đó”, Susan nói.
Nhưng Susan nói một tín hiệu tích cực là chính phủ Mỹ đã dần thay đổi quan điểm về chất độc da cam, dù điều này phải mất nhiều năm.
“Khi mới tới đây làm việc về vấn đề da cam, tôi được chính phủ cho biết rằng không có vấn đề gì đối với chất độc da cam tại Việt Nam, rằng các câu chuyện về chủ đề này đều “không đúng”, là “tin giả”. Nhưng sau nhiều năm làm việc tới các đồng nghiệp Việt Nam, chứng kiến những người chết vì chất độc da cam, làm việc với những người Mỹ quan tâm tới Việt Nam và quan tâm tới chất độc da cam, chúng tôi đã dần cho chính phủ Mỹ thấy tầm quan trọng và hệ quả của vấn đề này, và cung cấp cho họ các thông tin đúng sự thật về vấn đề này mà họ không thể bác bỏ. Đó là một quá trình rất dài. Rất may là vấn đề này giờ đã có nhiều tiến triển”, bà nói.
Chính phủ Mỹ đã cung cấp viện trợ cho một số tổ chức để trực tiếp trợ giúp các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tại Việt Nam. Bà Susan cho hay, một số chính trị gia Mỹ cũng ủng hộ vấn đề này.
“Chúng tôi có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy. Ông là một người rất ủng hộ các vấn đề di sản chiến tranh khắp thế giới, đặc biệt tại Việt Nam, Lào. Ông đảm bảo rằng luôn có một khoản tiền từ quốc hội Mỹ để trợ giúp các nạn nhân, vì ông hiểu được tầm quan trọng của việc có trách nhiệm đối với những hậu quả từ các cuộc chiến của Mỹ tại các nước khác”, Susan chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Susan cho rằng các nguồn viện trợ như vậy là chưa đủ và chưa tới được với tất cả các gia đình bị ảnh hưởng, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa.
Susan cho biết, việc tìm được các nguồn tài chính hỗ trợ nạn nhân là điều không dễ dàng. Tổ chức WLP do bà điều hành là một tổ chức nhỏ nên không nhận được sự hỗ trợ của các chính phủ. Hầu hết các hoạt động gây quỹ là từ các cá nhân và một số tổ chức gia đình nhỏ.
“Thuyết phục mọi người hỗ trợ những người khác ở rất xa đất nước họ thực sự là thách thức lớn. Một khi họ tận mắt nhìn thấy các hậu quả thì họ mới muốn giúp đỡ. Làm thế nào để họ hiểu được các hậu quả của một cuộc chiến đã lùi xa từ lâu, rồi sau đó đồng ý trợ giúp là điều không dễ dàng”, bà Susan trăn trở.
Susan kể, khi tới tỉnh Quảng Nam, các thành viên của Hội chữ thập Đỏ Việt Nam luôn mong bà đến thăm thêm nhiều gia đình nạn nhân. “Tôi muốn giúp tất cả các gia đình cần sự trợ giúp nhưng tôi không thể làm điều đó nếu không có tiền”, Susan thẳng thắn chia sẻ.
Giải thích về việc sử dụng các khoản viện trợ, bà Susan nói, WLP là một tổ chức nhỏ nên không sử dụng nhiều kinh phí cho các dịch vụ địa phương như thuê nhân viên, lập văn phòng... WLP làm việc với các tổ chức hỗ trợ của Việt Nam như Hội chữ thập Đỏ, Hội nạn nhân chất độc da cam /dioxin Việt Nam, Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), các tình nguyện viên. “Chúng tôi không muốn tiền quyên góp được dùng cho các khoản như tiền thuê nhân viên hay văn phòng. Chúng tôi muốn tiền hỗ trợ tới thẳng tay các gia đình cần được trợ giúp và làm việc trực tiếp với các gia đình chặt chẽ nhất có thể”, bà nói.
“Sẽ tiếp tục làm việc tại Việt Nam chừng nào còn có thể”
Trong suốt cuộc trò chuyện với các phóng viên Việt Nam khi trở lại Hà Nội vào đầu tháng này, bà Susan đã bày tỏ tình yêu với đất nước và con người Việt Nam, về những trăn trở trong hơn 2 thập niên làm việc vì các nạn nhân da cam.
Susan say sưa kể về những trường hợp nạn nhân bà từng gặp gỡ và trợ giúp, trong đó có cặp song sinh Phú và Phi tại Đồng Nai. Do di chứng của chất độc da cam, hai anh em song sinh không thể tự đi lại và người mẹ phải cõng hai anh em tới trường.
“Chúng tôi đã giúp họ mua xe lăn để tự di chuyển. Ngay sau khi nhận được xe lăn, họ đã viết thư cho tôi kể về niềm vui và hạnh phúc khi lần đầu tiên trong 20 năm cuộc đời có thể tự di chuyển. Họ có thể đi ra ngoài và làm những việc đơn giản mà không cần sự trợ giúp của mẹ. Sự tự do mà họ có được bằng việc di chuyển bằng xe lăn là điều vô cùng tuyệt vời. Giờ đây, họ vẫn dạy học cho trẻ em trong làng. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc qua Facebook và đôi khi trò chuyện trên mạng”, Susan xúc động nói.
Nói tiếng Việt với giọng nơ nớ, Susan cho hay bà học tiếng Việt hơn 20 năm nhưng quên nhiều rồi, vì thế bà sẽ phải học thêm nữa.
“Tôi không nhớ đã đến Việt Nam bao nhiêu lần trong hơn 20 năm qua. Tôi yêu đất nước này và ước gì có nhiều thời gian hơn ở đây. Tôi cảm nhận được năng lượng phi thường tại đây. Tôi thấy các nạn nhân da cam luôn hi vọng vào tương lai và cố gắng hết mình cho tương lai. Đó là một bài học tốt cho tất cả mọi người”.
Susan tâm sự ước mơ lớn nhất của bà là tất cả nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam có được sự hỗ trợ họ cần. Nhưng ước mơ này hẳn không dễ dàng, bởi giờ đây đã xuất hiện những nạn nhân dioxin thế hệ thứ 4.
“Tôi sẽ tiếp tục làm việc tại Việt Nam cho tới chừng nào còn có thể”, Susan nói.