Đặc biệt như cương vị ông đã đảm đương gần 3 thập kỷ qua, cuộc đời và nhất là mối duyên với Việt Nam của nhà “ngoại giao nhân dân” này chứa đựng nhiều điều không phải ai cũng biết.
“Cuốc bộ” đến ước mơ
Sugi Ryotaro tên thật là Yamada Katsuhiro. Ông sinh năm 1944 tại Kobe, Nhật, trong một gia đình nghèo. Trước khi trở thành một nghệ sĩ có tên tuổi, ông đã phải trải qua một hành trình đầy chông gai.
Vừa để thực hiện ước mơ âm nhạc, vừa để gánh vác giúp cha mẹ một khoản nợ lớn, Sugi quyết định đến Tokyo học thanh nhạc và tìm kiếm cơ hội phát triển.
Để có tiền ăn học, chàng trai trẻ Sugi đã trải qua tất thảy 14 công việc làm thêm, từ nhân viên quán ăn, cho tới thợ xây đường, rải đá, đánh bóng sàn tàu. Không đủ tiền đi xe buýt nên ngày ngày, dù đã mệt nhoài sau những giờ làm việc vất vả, Sugi vẫn phải cuốc bộ 6 giờ đồng hồ, cả đi lẫn về để đến với lớp học nhạc.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, sự cần cù chăm chỉ, ý chí mạnh mẽ, bền bỉ đã đưa Sugi vượt qua những năm tháng khó khăn, kết thành“quả ngọt” cho sự nghiệp của ông sau này.
Thành công mỉm cười với Sugi Ryotaro với một vai diễn ấn tượng năm 21 tuổi. Từ đó đến nay, ông đã đóng vai chính trong 1.400 tác phẩm. Cuộc đời nghệ thuật của ông đã giành được nhiều giải thưởng và lập nên nhiều kỷ lục trên truyền hình cũng như công diễn sân khấu. Ông còn lập ra một sân khấu mang tên mình và xây dựng chương trình kịch đương đại trên truyền hình với số lượng tác phẩm để lại khá lớn.
Từ nghệ sĩ đến nhà đối ngoại nhân dân
Đến Hà Nội lần đầu tiên vào năm 1989 để tổ chức một buổi hòa nhạc từ thiện, Sugi Ryotaro đã tận mắt chứng kiến những thử thách, khó khăn mà Việt Nam phải vật lộn để vực dậy sau chiến tranh. Câu chuyện của đất nước nhỏ bé đương đầu với vô vàn chông gai gợi nhắc cho ông về chính quê hương mình, Nhật Bản, cũng từng trải qua thời kỳ hậu chiến đầy cam go.
Chính sự đồng cảm ấy đã thôi thúc ông quay trở lại để giúp đỡ người dân Việt Nam cũng như vun đắp tình hữu nghị Việt Nam, Nhật Bản.
Là một nghệ sĩ, ông đã lựa chọn thực hiện sứ mệnh ấy thông con con đường thúc đẩy giao lưu văn hóa.
Đại sứ Ryotaro Sugi và các nhạc công nhí của trường Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh Dân trí.
Chia sẻ về con đường mình đã chọn, ông nói: “Tôi đã hứa sẽ lấy sức mạnh của văn hóa làm trụ cột thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam và nói rằng để xây dựng quan hệ hữu nghị, bên cạnh chính trị và kinh tế không thể thiếu sự thấu hiểu về văn hóa. Sự thấu hiểu, tôn trọng và giao lưu lẫn nhau là điều quan trọng do đó sức mạnh của văn hóa phải được coi trọng.”
Với tâm niệm ấy, năm 1991, Đại sứ Sugi đã khởi xướng thành lập Hội Giao lưu văn hóa Nhật - Việt.
Với tư cách là một nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng, ông đã tích cực cùng Hội Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật đặc sắc, góp phần tăng thêm tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước như kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao giữ hai nước với sự tham gia của 500 nghệ sỹ Nhật Bản, lễ hội Hoa Anh Đào; hòa nhạc vì hòa bình, tổ chức các chương trình giao lưu cho các đoàn nghệ thuật hai nước.
Không dừng lại ở phương diện nghệ thuật, Đại sứ Sugi Ryotaro còn chú trọng đến việc kết nối người dân Việt Nam – Nhật Bản cũng như mở ra con đường phát triển cho thế hệ trẻ Việt Nam thông qua thúc đẩy việc dạy và học tiếng Nhật. Năm 1995, ông đã tham gia thành lập Trung tâm Nhật ngữ Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội).
Trong hơn 20 năm qua, từ xuất phát điểm chỉ với 2 giáo viên Nhật và 20 học viên, hiện tại Trung tâm đã có hơn 1.600 học viên, trở thành một địa chỉ tin cậy về giảng dạy ngôn ngữ và truyền bá văn hóa Nhật Bản.
Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp ở trung tâm đã hoàn thành các kỳ thi tiếng Nhật với kết quả cao, đủ điều kiện làm việc ở các cơ sở kinh tế của Nhật ở Việt Nam, đi tu nghiệp ở Nhật Bản hoặc tìm được công việc lý tưởng có liên quan đến ngôn ngữ Nhật Bản.
Bên cạnh đó, vị Đại sứ hữu nghị cũng đặc biệt quan tâm đến các dự án viện trợ nhân đạo như kết nối hãng thuốc Shionogi với 14 bệnh viện các tỉnh nghèo để viện trợ không hoàn lại gần một triệu đô tiền thuốc chữa bệnh; vận động quyên góp hàng chục xe cứu thương, xe cứu hỏa cho Việt Nam.
Người cha Nhật và những đứa con Việt
Với công chúng, ông là vị Đại sứ đặc biệt, là nghệ sĩ nổi tiếng, còn với những cô bé, cậu bé ở Làng trẻ em Birla Hà Nội, ông được gọi một cách gần gũi là “Bố Sugi”
Đại sứ Sugi kể rằng, 30 năm về trước, khi ông đến Làng Birla lần đầu tiên, ông không hề nghĩ đến chuyện mình sẽ trở thành cha nuôi của nhiều người con đến vậy, cho đến khi ông gặp một cô bé tên Nga.
Khi chia bánh kẹo cho Nga, ông thấy em cứ giữ khư khư trên tay mà không hề ăn. Ông ngạc nhiên hỏi vì sao lại không ăn, cô bé nói: “Con chỉ muốn có bố mẹ”. Nghe câu nói của Nga, ông đã phải vội vã sang phòng bên để giấu đi những giọt nước mắt. Đó là khoảnh khắc ông hiểu rằng, trẻ con không phải cần bánh kẹo hay đồ chơi mà là tình cảm, sự che chở, bao bọc của cha mẹ. Từ đó, ông đã quyết định nhận cô bé Nga và một số em nhỏ ở làng Birla làm con nuôi.
Mỗi năm 2 lần, ông đều đến đích thân đến thăm các con nuôi, thăm hỏi tình hình học tập, sinh hoạt và chu cấp cho các con ăn học. Trải qua 29 năm đi về giữa hai nước Nhật – Việt, số con nuôi của ông tính đến tháng 9/2018 đã là 152 em.
Chị Nguyễn Thanh Nga, cô bé năm nào đã khiến ông bật khóc năm nay 41 tuổi, hiện đã trở thành giáo viên tiếng Nhật tại Trung tâm Nhật ngữ Núi Trúc Sugi Ryotaro, sau khi tốt nghiệp Đại học tại Việt Nam và du học tại Nhật.
Tiếp tục những hoài bão vun đắp quan hệ Việt – Nhật
Với những đóng góp tận tâm của mình, năm 2008, ông Sugi Ryotaro đã chính thức được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc biệt Việt Nam-Nhật Bản, Nhật Bản – Việt Nam.
Ông chia sẻ, những năm gần đây, đa số người dân mới biết đến ông trong vai trò Đại sứ đặc biệt của hai nước Việt Nam và Nhật Bản nhưng thực sự, ông đã tự nguyện làm công việc của một Đại sứ, gần 30 năm nay. Với 30 năm gắn bó với Việt Nam, đến nay, ông cảm thấy, một nửa trong ông đã là người Việt.
Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản vào năm nay càng thêm ý nghĩa đối với ông Ryotaro Sugi, khi đầu tháng 9 vừa qua, ông đã được gia hạn nhiệm kỳ "Đại sứ đặc biệt Việt Nam – Nhật Bản" thêm 2 năm nữa, đến năm 2020.
30 năm miệt mài đóng góp cho Việt Nam, Đại sứ Sugi bảo rằng, ông cảm thấy những việc làm của mình còn rất nhỏ nhoi. Đến nay, ông vẫn luôn đau đáu làm sao để giúp được Việt Nam nhiều hơn. Ông chia sẻ, trong thời gian tới sẽ tổ chức Đại nhạc hội ASEAN tại Nhật Bản - sự kiện có các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia trong khu vực, và rất nhiều chương trình khác nữa ông đang ấp ủ phối hợp với các đối tác, trong đó có Đài Truyền hình Việt Nam.
- Đại sứ Sugi Ryotaro đã nhận được Huy chương Hữu nghị (1992), Huân chương Hữu nghị (1997, 2018); Huân chương Shinju (của Nhật Bản, vì có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao năm 2009), Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội (2014). - Ước tính, tổng số tiền cá nhân ông đã dành cho các hoạt động hữu nghị, thiện nguyện vì Việt Nam là trên 2 tỷ yên. - Từ năm 2017, Trung tâm tiếng Nhật Núi Trúc đã mang tên Sugi Ryotaro, như một sự tri ân với vị Đại sứ đặc biệt. |