Ông sinh năm 1925 tại Bỉ, trong một gia đình công giáo truyền thống. Ở tuổi 24 ông trở thành linh mục và tiếp tục theo học tại Trường đại học công giáo Louvian lấy bằng Tiến sĩ xã hội học với đề tài nghiên cứu Phật giáo tại Xrilanca và giảng dạy tại trường đó nhiều năm. Với những nghiên cứu xã hội học, ông tiếp cận những tác phẩm của Karl Mark, Ph. Engel, Lenin và tiếp xúc với nhiều nhà khoa học duy vật lịch sử và biện chứng, ông đã trở thành nhà xã hội học Marxít.
Ông Francoir Houtart (ngoài cùng bên trái) và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Hơn 60 năm làm việc, ông đã viết 70 tác phẩm như: những vấn đề xã hội, bất bình đẳng do chủ nghĩa tư bản gây ra; thần học giải phóng; công giáo và phát triển; con đường lựa chọn phi tư bản chủ nghĩa của các nước thế giới thứ 3; kinh tế chủ nghĩa tự do mới và đặc biệt là những tác phẩm về mặt trái của toàn cầu hóa. Tháng 10 năm 2008 trong lúc cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đang diễn ra, ông được Liên hợp quốc mời thuyết trình tại trụ sở về những vấn đề của toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa.
Tham gia các hoạt động hòa bình đoàn kết hữu nghị, ông đã đến thăm nhiều nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Mỹ la tinh và trở thành người bạn rất gần gũi với nhân dân và chính phủ các nước. Với những kiến nghị về con đường phát triển độc lập và tự chủ của các nước thế giới thứ 3 trong bối cảnh toàn cầu hóa, Francoir Houtart được coi là “Giáo hoàng chống toàn cầu hóa”.
Ông cùng một số bạn bè thành lập Trung tâm Ba châu (Centre Tricontinental) năm 1976 và là Giám đốc trung tâm tới 2004. Ông thành lập tổ chức Tiêu điểm phương Nam toàn cầu (Focus on Glaobal South) có trụ sở tại Bangkok năm 1995 nhằm “thách thức chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa quân phiệt, toàn cầu hóa TBCN, tìm kiếm sự lựa chọn công lý và bình đẳng” chủ yếu tại khu vực châu Á. Năm 2001, ông là một trong những người chủ xướng việc tổ chức Diễn đàn xã hội tại Porto Alegre Brasil để tìm con đường xây dựng một thế giới mới, chống những mặt trái của toàn cầu hóa TBCN với khẩu hiệu nổi tiếng “một thế giới khác là có thể”. Từ đó Diễn đàn được tổ chức hàng năm ở nhiều nước và Việt Nam là một trong những thành viên tích cực tham gia Diễn đàn bởi ông tin rằng “chúng ta phải tìm một mô hình cuộc sống mới chống lại mô hình đang chết. Mô hình mới đó đó là mô hình của nền văn minh chung của nhân loại”. Năm 2009, Francoirs Houtart được UNESCO tăng giải thưởng Mandajeet Sing vì những hoạt động hòa bình nhân quyền công lý và đối thoại giữa các nền văn hóa.
Từ năm 2012, ông đã tham gia vào phái đoàn quốc tế trong cuộc thương lượng hòa bình giữa quân đội FARC và chính phủ Colombia, kết thúc bằng một thỏa hiệp hòa bình lịch sử chấm dứt cuộc nội chiến ở Colombia kéo dài từ mấy chục năm và kết thúc vào năm 2016.
Gần 2 thập kỷ cuối đời, hoạt động chủ yếu của François Huotart là tại các nước Mỹ la tinh. Ông sống tại “ngôi nhà cuối cùng” của mình và sáng lập Quỹ về người da đỏ (Pueblo Indio Foudation), đồng thời là cố vấn cho chính phủ cánh tả nước này.
François Huotart đã tham gia nhiều hoạt động chống chiến tranh ủng hộ và đoàn kết với Việt Nam từ những năm 1960 và nhiều lần thăm, trao đổi với các học giả Việt Nam về các vấn đề lý luận và xã hội. Ngôi nhà riêng của ông ở Brussels là nơi nhiều sinh viên các nước đang phát triển ở khi sang Bỉ học tập và nghiên cứu, trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam.
Đầu những năm 1980 ông đã phối hợp với Viện xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thực hiện dự án giúp đỡ cho nhân dân xã Hải Vân, một xã thuần nông nghèo. Dự án đã mở các lớp đào tạo cho cán bộ và nhân dân xã về tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp và đào tạo nghề, đồng thời dự án tạo cơ sở vật chất ban đầu cho các cơ sở sản xuất trong đó có trung tâm đào tạo thành niên sử dụng công nghệ thông tin. Với dự án của François Hutart, cán bộ và nhân dân xã Hải Vân đã thay đổi tư duy làm kinh tế, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, làm tăng năng xuất lao động, phát triển nhiều ngành nghề phụ trong lúc nông nhàn như xây dựng các xưởng đồ gỗ, các công ty xây dựng thương mại và dịch vụ. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp việt nam, hiện nay chỉ trong xã Hải Vân với 12 xóm đã có gần 30 công ty sản xuất, dịch vụ và thương mại hoạt động. Các sản phẩm từ nhôm, gỗ, xây dựng của Hải Vân đã có mặt trên thị trường Nam Định và các địa phương. Bộ mặt nông thôn mới ở Hải Vân đã khang trang sạch sẽ. Ông được nhân dân xã Hải Vân quý mến và vinh danh là công dân danh dự.
Lần cuối cùng François Houtart thăm Việt Nam vào năm 2004 theo lời mời của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tham dự Hội thảo “Các phương án tự chủ của các nước Phương Nam trong thế giới toàn cầu hóa”. Trong thời gian tham dự Hội thảo, ngày 13-8 ông đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp thân mật.
François Houtart đã ra đi nhưng hình ảnh ông, một người cương trực gần gũi đã cống hiến trọn đời cho sự tiến bộ và phát triển của nhân dân các nước đang phát triển trong đó có Việt nam sẽ còn mãi mãi.
Nguyễn Văn Huỳnh - Phó Chủ tịch Quỹ HBPT Việt Nam