Bà Stoyanka Dimitrova (người thứ 2 từ phải sang) phiên dịch trong buổi Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tiếp đoàn Đại biểu Bulgari sang Việt Nam tham dự chương trình "Tri ân đất nước Hoa Hồng" tháng 11/2010. (ảnh TV )
Hình ảnh đáng nhớ của người phụ nữ ấy cũng để lại ấn tượng khó phai với nhiều người dân Việt Nam trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Bulgari Rosen Plevneliev tới Việt Nam năm 2013. Khi ấy, bà cũng đóng vai trò là phiên dịch cho đoàn.
Bà là Stoyanka Dimitrova, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Bulgari-Việt Nam, người đã có trên 50 năm gắn bó với Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trên xứ sở hoa hồng Bulgari, năm 1957, cô gái trẻ Stoyanka Dimitrova được ngành giáo dục nước nhà cử đến tận đất nước Việt Nam xa xôi để được đào tạo bài bản về ngôn ngữ nước này.
Trở thành lưu học sinh khóa 1957-1963, Khoa tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, với một chút vốn liếng ít ỏi về Việt Nam đã tìm hiểu trước khi đi du học, cô bắt đầu làm quen và có tình yêu với đất nước, con người và đặc biệt là tiếng Việt. Càng học, cô gái Bulgari càng say mê tiếng Việt và không quá khó khăn để làm quen, học nâng cao và trở nên thành thục ngôn ngữ đó. Cô bắt đầu khám phá lịch sử, đất nước, con người Việt Nam thông qua sách báo, những cuộc giao lưu, gặp gỡ với những bạn bè người Việt. Cứ như vậy, tình yêu với đất nước và con người Việt Nam theo năm tháng lớn dần lên trong cô.
Cuối năm 1963, cô gái trẻ Stoyanka tốt nghiệp Đại học, trở về nước, lập gia đình và trở thành giáo viên dạy tiếng Nga tại quê chồng - thành phố Svilengrad. Bảy năm gắn bó với nghề dạy học và không một lần được trở lại đất nước Việt Nam, nhưng những kỷ niệm về đất nước hình chữ S xinh đẹp vẫn luôn hiện hữu trong cô. Và cũng trong những năm tháng đó, phong trào xuống đường chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam diễn ra rầm rộ ở nhiều nước trên thế giới. Từ đây, Stoyanka bắt đầu có cơ hội được tái ngộ với các bạn Việt Nam.
Năm 1971, tại thành phố Svilengrad diễn ra một cuộc mít tinh lớn ủng hộ Việt Nam. Stoyanka được tham gia một số nội dung liên quan việc tổ chức. Từ đó, cô gắn bó liên tục với đất nước Việt Nam cho đến nay với vai trò là thư ký kiêm phiên dịch cho Cơ quan đại diện Việt Nam tại Bulgari.
Với khả năng nói tiếng Việt thành thạo cùng với những hiểu biết về văn hóa và tình yêu chân thành với đất nước Việt Nam, cô vinh dự được đảm nhận vai trò phiên dịch cho nhiều vị lãnh đạo cấp cao của hai bên: Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Bulgaria S. Todorov; tháp tùng các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Bulgaria thăm Việt Nam…
Mỗi chuyến đi Việt Nam của cô phiên dịch trẻ người Bulgaria luôn xem như sự một sự “trở về”. Và sau mỗi chuyến đi như vậy, bộ sưu tập những kỷ vật Việt Nam tại căn hộ nhỏ của cô lại nhiều thêm.
Đến nay, tuy đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe không còn được như xưa, nhưng nhiệt huyết với công việc và tình yêu với đất nước Việt Nam trong bà không hề thay đổi. Ngoài thời gian làm việc cho Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Sofia, bà còn tích cực hoạt động với vai trò là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Bulgari - Việt Nam.
Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Bulgari - Việt Nam, bà đã có nhiều đóng góp thiết thực trong việc góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa nhân dân hai nước. Bà cùng Ban Lãnh đạo Hội hữu nghị Bulgari - Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động nhân các ngày lễ lớn của Việt Nam như Quốc khánh 2-9, ngày giải phóng miền Nam 30-4 và kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Bulgari của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1957-2007)…
Với tình yêu đất nước và con người Việt Nam, bà luôn quan tâm tới Cộng đồng người Việt tại Bulgari, liên hệ với các cơ quan hữu quan và chính quyền sở tại để giải quyết các vấn đề liên quan tới Cộng đồng như các trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, tử vong, ốm đau không nơi nương tựa, bị bắt tạm giam…
Bà còn là một dịch giả tài năng. Bà đã dịch hàng trăm bài báo, tài liệu từ tiếng Việt ra tiếng Bulgari và ngược lại để đăng báo, giới thiệu quảng bá về Việt Nam.
Để góp phần giới thiệu đất nước Việt Nam tới nhân dân Bulgari, bà đã lập một trang web về Việt Nam, có số điện thoại, địa chỉ website, địa chỉ email của các cơ quan nhà nước, báo chí, các tỉnh. Trong phần các tỉnh, thành phố của Việt Nam, bà bổ sung thêm thông tin về các tỉnh, thành phố để mọi người đi thăm.
Bà còn giúp Đại sứ quán Việt Nam tại Sofia sưu tầm nhiều hình ảnh và tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tình yêu Việt Nam nồng cháy còn được bà truyền đến những thành viên khác trong gia đình, không chỉ có chồng và hai con mà cả cháu bà đều biết nhiều về Việt Nam. Thậm chí, khi trong nhà có đồ đạc gì mới, như một bức tranh, cháu bà đều hỏi ngay: “Bà ơi, tranh về Việt Nam phải không ạ”?
NYến