Triển lãm trưng bày nhiều sách báo và các bức ảnh tư liệu nhằm giới thiệu và tôn vinh những đóng góp của bạn bè Pháp, đặc biệt là những hình ảnh tư liệu về ba người bạn, người đồng chí thân thiết đối với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập là Raymonde Dien, Henri Martin và Madeleine Riffaud.
Triển lãm cũng giới thiệu những năm tháng Bác Hồ hoạt động cách mạng tại Pháp, nơi Người đã tiếp thu những tư tưởng về chủ nghĩa quốc tế vô sản và nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn của những nhà hoạt động cách mạng tên tuổi của Pháp như Marcel Cachin, Henri Barbusse, Paul-Vaillant Couturier.
Phát biểu nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã bày tỏ lòng biết ơn chân thành của nhân dân Việt Nam tới những người bạn Pháp-những người yêu chuộng hòa bình và công lý, đã dành tình cảm sâu sắc và hết lòng giúp đỡ sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
''Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, luôn khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Khát vọng này là biểu tượng, là mục tiêu của cuộc đấu tranh lâu dài và gian khó của nhân dân Việt Nam để đi đến thắng lợi.
Chính vào những thời khắc khó khăn nhất của cuộc chiến đấu, nhân dân Việt Nam đã không đơn độc vì có những người bạn Pháp luôn sát cánh, hết lòng ủng hộ. Các thế hệ người Việt Nam đã và sẽ mãi mãi khắc ghi tình cảm và sự hy sinh của các bạn Pháp, những chiến sỹ hết lòng đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam,'' Đại sứ Dương Chí Dũng nói.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng ân cần thăm hỏi hai người bạn thân thiết của Việt Nam, bà Madeleine Riffaud và bà Raymonde Dien. (Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)
Bầu không khí trở nên đặc biệt thân mật và ấm cúng với sự có mặt của hai trong số ba gương mặt nổi bật được tôn vinh tại buổi lễ là Raymond Dien và Madeleine Riffaud.
Các đại biểu tham dự đã ca ngợi hành động quả cảm của bà Raymonde Dien, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, người vào ngày 23/2/1950 đã lao mình xuống đường ray nhằm chặn một đoàn tàu chở vũ khí ra cảng để chuyển sang chiến trường Đông Dương. Đoàn tàu đã phải phanh gấp, bà đã bị bắt giam và bị xử tù sau đó vì tội ''đe dọa an ninh quốc gia.''
Sau khi ra tù, bà vẫn tiếp tục hoạt động hướng về Việt Nam. Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà xúc động nói: ''Phản xạ của tôi lúc đó là hết sức tự nhiên, tôi không đắn đo gì, chỉ biết làm tất cả vì hòa bình cho Việt Nam.''
Nữ nhà báo Madeleine Riffaud trong một lần gặp gỡ với Bác Hồ vào năm 1966. (Ảnh tư liệu tại Triển lãm)
Cả hội trường cũng đã lặng đi khi nhà báo Madeleine Riffaud xúc động kể về lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ năm 1946 tại Hội nghị Fontainebleau, về những năm tháng bà viết báo trong vùng ''bưng biền Việt Cộng,'' nơi cái chết luôn cận kề do bom đạn của đế quốc Mỹ.
Với bà, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân cách lớn, suốt đời hết lòng phụng sự dân tộc, yêu thương nhân loại. Tấm lòng bao dung và tình đoàn kết quốc tế của Bác là tấm gương sáng để bà suốt đời học hỏi và noi theo.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà sử học Alain Ruscio đã nói: '' Những phóng sự, những bài báo của bà về cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam đã góp phần to lớn vào việc giới thiệu với dư luận Pháp và thế giới về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam, thức tỉnh lương tri nhân loại nhằm ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.''
Vì lý do sức khỏe, ông Henri Martin đã không thể đến tham dự cuộc gặp gỡ này, nhưng các đại biểu và nhân chứng có mặt tại buổi gặp đã kể lại câu chuyện về ông- người lính hải quân được cử sang Việt Nam ''với mục đích giúp Việt Nam chống lại phátxít Nhật.'' Sang đến Việt Nam, ông mới biết là mình bị lừa, vì thực chất đây là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp.
Chính vì vậy, ông đã cự tuyệt tham gia đồng thời kêu gọi thủy thủ Pháp phản chiến. Tháng 3/1950, Henri Martin bị quân đội Pháp bắt vì tội hoạt động bí mật, rải truyền đơn kêu gọi nhân dân Pháp ủng hộ Việt Nam và bị xử tù.
Nhắc tới ông, ông Patrice Jorlan, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tinh thần quốc tế vô sản, nhiệt huyết không phai nhạt và trọn vẹn vì hòa bình và sự phát triển của Việt Nam.
Ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp phát biểu, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những đóng góp vô cùng ý nghĩa của những người bạn Pháp yêu chuộng hòa bình trong những giai đoạn ''nước sôi lửa bỏng'' của hai cuộc kháng chiến.
Cuộc triển lãm cùng với cuộc gặp gỡ cảm động này là sự tri ân của Việt Nam với những người bạn Pháp đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam vì hòa bình, hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp, và giữa các dân tộc trên toàn thế giới./.