Cơ duyên trở thành chiến sỹ quốc tế trong hàng ngũ kháng chiến Việt Nam
Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Hy Lạp bị Đức đánh chiếm. Kostas Sarantidis khi đó mới 16 tuổi bị quân Đức bắt để đưa sang Đức lao động khổ sai. Trên đường đi, ông may mắn trốn được và sống chui lủi trên những chuyến tàu qua lại vùng biên giới Nam Tư – Hi Lạp.
Sau khi Chiến tranh Thế chiến thứ hai kết thúc năm 1945, ông Kostas Sarantidis không thể trở về quê nhà Hy Lạp vì không có giấy tờ tùy thân. Bị đưa vào trại tập trung tại Italy, sau đó gia nhập đội quân lê dương của Pháp và được đưa sang Đông Dương theo sứ mệnh giải phóng các dân tộc tại đây, giải giáp phát xít Nhật.
Tháng 2/1946 ông bị điều sang Việt Nam. Chứng kiến những trận càn, cướp bóc, giết chóc, tra khảo dã man của quân đội thực dân Pháp, ông hiểu ra bản chất của những tên lính lê dương.
Ông Kostas Sarantidis tìm cách bắt liên lạc với Mặt trận Việt Minh và xin gia nhập hàng ngũ những người Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Kostas Sarantidis trốn khỏi đội quân lê dương Pháp để tới vùng tự do ở Bình Thuận, rủ thêm một lính lê dương khác có tên là Merinos cùng đi. Khi đi ông mang theo là một khẩu súng trường và một khẩu súng máy để nộp cho cách mạng. Sau khi tham gia lực lượng Việt Minh, mọi người gọi ông là với cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập.
Trong hàng ngũ cách mạng, thời kỳ đầu làm công tác địch vận ở chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, ông đã lập công xuất sắc, thực hiện chương trình phát thanh vào lực lượng địch, cảm hóa được nhiều lính lê dương. Kết quả là 40 lính đã bỏ Pháp mang theo súng đạn gia nhập lực lượng kháng chiến, 120 người bị địch bắt được cứu sống.
Khi làm xạ thủ trung liên, ông đã cùng đồng đội bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Moran ở gần ga Phú Cang (Quảng Nam) bắt sống ba tên giặc lái Pháp. Trong trận chống địch đi càn quét ở Hương An-Bà Rén ngày 13/4/1948, ông cùng đồng đội diệt gọn 200 lính địch, bẻ gãy cuộc càn quét.
Không chỉ chiến đấu dũng cảm trên chiến trường, khi được giao các nhiệm vụ khác, ông Nguyễn Văn Lập đều lập công xuất sắc. Được điều về làm Tổng giám thị Trại tù binh Âu-Phi số 3 ở Quảng Ngãi, ông đã hoàn thành tốt công tác giáo dục, làm cho tù binh hiểu rõ tính chính nghĩa của việc Việt Nam chống xâm lược và chính sách nhân đạo của chính phủ kháng chiến. Nhiều tù binh đã tỏ lòng cảm phục và biết ơn sâu sắc về việc chăm sóc và giáo dục của trại.
Với hàng loạt chiến công xuất sắc, năm 1949, ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Sau Hiệp nghị Geneva năm 1954, ông Nguyễn Văn Lập tập kết ra miền Bắc và tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Cách mạng, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội của Việt Nam. Bất cứ nhiệm vụ nào, công việc nào, ông Nguyễn Văn Lập cũng tận tâm cống hiến, đạt hiệu quả cao.
Năm 1965, ông Nguyễn Văn Lập cùng gia đình xin phép trở về Hy Lạp sau khi biết tin người mẹ già đang sống mòn mỏi chờ tin con tại quê nhà.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập (Ảnh tư liệu)
Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác, tấm lòng trọn vẹn, thủy chung trước sau như một, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả của một chiến sỹ quốc tế, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Hữu nghị. Năm 2010, ông chính thức công nhận quốc tịch Việt Nam, mang tên Nguyễn Văn Lập. Năm 2013, ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người nước ngoài đầu tiên và duy nhất trong lịch sử đến nay, được nhận danh hiệu cao quý này.
Tình cảm sâu sắc dành cho nhân dân Việt Nam
Ngày 7/1/2011, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao quyết định Quốc tịch Việt Nam cho ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Trở về quê hương, ông gia nhập Đảng Cộng sản Hy Lạp và là đầu mối xây dựng, vun đắp mối quan hệ giữa hai nước, tình hữu nghị bạn bè giữa hai dân tộc Việt Nam – Hy lạp. Ông là nòng cốt trong vận động bà con Việt Nam định cư ở Hy Lạp thành lập Hội Việt kiều ở Hy Lạp, động viên bà con hướng về Tổ quốc. Ông cũng là người đặt nền móng cho Hội Hữu nghị Hy Lạp - Việt Nam với các hoạt động chính của Hội là kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam khôi phục đất nước sau chiến tranh, trong đó có vấn đề chất độc da cam; ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông; giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước…
Ông từng phát biểu: “Năm mươi năm sống tại Hy Lạp nhưng tôi vẫn thấy mình là người Việt 80%, cách sống vẫn là người Việt Nam, nghĩ bằng tiếng Việt trước, tiếng Hy Lạp sau. Tôi còn có khả năng viết văn, viết hồi ký bằng tiếng Việt Nam. Trông mặt mũi tôi nhiều người cũng bảo tôi là người Việt Nam. Vì tôi đã ăn cơm Việt Nam, nước mắm Việt Nam...
Các con ông vẫn giữ tên Việt Nam của họ là Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Thuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và Nguyễn Tự Do. Đến thế hệ các cháu của ông cũng đều có tên Việt Nam: Nguyễn Phục Sinh, Nguyễn Hồ Minh... Bản thân ông vô cùng tự hào với cái tên ra đời trong khói lửa chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam: Nguyễn Văn Lập. Hộp thư báo gắn ở căn hộ ông ở thủ đô Athens vẫn đề tên Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. Trên căn hộ đó vẫn thường cắm lá cờ đỏ sao vàng. Ông vẫn tự hào mặc bộ lễ phục của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trên cầu vai là quân hàm đại uý, cấp bậc cao nhất của ông.
Khi sức khỏe còn cho phép, ông Nguyễn Văn Lập đã nhiều lần trở lại Việt Nam. Lần nào trước khi đi, ông cũng viết di chúc để lại, dặn dò vợ con là nếu chẳng may có mệnh hệ gì thì dứt khoát không đưa ông về Hy Lạp, mà hãy chôn cất ông ở Việt Nam, vì với ông, Việt Nam cũng là Tổ quốc, là quê hương như đất nước Hy Lạp mà ông đang sinh sống.
Có một chi tiết cảm động về “người lính Cụ Hồ da trắng” này, đó là khi được giới thiệu lên phát biểu, Kostas Sarantidis luôn kính cẩn cúi đầu chào trước tượng Bác, rồi mới bước đến bục phát biểu. “Tôi thích được gọi là Nguyễn Văn Lập hơn là Kostas Sarantidis. Bởi cái tên này gắn với những kỷ niệm không thể nào quên với nước Việt Nam của cụ Hồ. Các bạn Việt Nam đã giúp tôi hiểu thế nào là độc lập, tự do”. Ông hứa trước sau như một, luôn luôn giữ vững phẩm chất bộ đội cụ Hồ, sẵn sàng đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa.
Năm 2011, trở lại Việt Nam, ở tuổi 84, người đảng viên cộng sản kiên định lý tưởng mình theo đuổi đã trả lời câu hỏi của bạn bè về những hoạt động giúp đỡ Việt Nam ở Hy Lạp: “Còn sống ngày nào là tôi còn nghĩ, còn trách nhiệm đối với Việt Nam”.
Trong một bộ phim phóng sự về mình, người chiến sĩ già đã rưng rưng nước mắt nói về nỗi nhớ đất nước Việt Nam trong từng miếng ăn, từng giấc ngủ: “Cả đời tôi thức dậy từ sáng đến tối, ngủ cũng mơ Việt Nam, nhớ đến nỗi mà có lúc khóc tại vì ở xa. Đáng lẽ bây giời phải ở Việt Nam mới phải”. Người lính già ấy đã viết dặn các con rằng ”nếu như bố chết ở Việt Nam, thì nên chôn tại Việt Nam. Điều này bố đã bàn với mẹ các con” và ký tên rõ ràng ở dưới “Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập”.
Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các đại biểu quốc tế đang ở tham dự các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015).
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam vinh dự được nhiều lần đón ông Nguyễn Văn Lập đến Việt Nam đặc biệt là chuỗi hoạt động đối ngoại nhân, nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015). Anh bộ đội cụ Hồ Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập mặc bộ quân phục, mái tóc bạc trắng, ngực đeo đầy huân huy chương luôn mang lại cho nhân dân Việt Nam rất nhiều tình cảm yêu mến. Vĩnh biệt người đồng chí, đồng đội, người bạn quốc tế thủy chung, son sắc luôn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, cũng như sự nghiệp vì hòa bình, đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Hy Lạp.
NN