Các dự luật này để bênh vực nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đồng thời bênh vực cả các nạn nhân chất độc da cam Mỹ và đặc biệt là các nạn nhân gốc Việt Nam hiện sống ở Mỹ, là những người cho đến nay cũng chưa được đền bù cho thiệt hại do chất độc da cam gây ra cho họ trong thời gian họ ở Việt Nam.
Hạ nghị sĩ Barbara Lee (Đảng Dân chủ, bang California) - Ảnh:AP |
Phát biểu với Truthout nhân việc trình ra Quốc hội Mỹ Dự luật H.R.3518, bà Barbara Lee nói: “Hoa Kỳ có trách nhiệm đạo lý trong việc bồi thường cho các nạn nhân của chiến dịch phun rải chất độc da cam”.
"H.R.3518 “sẽ tăng thêm quyền lợi cho trẻ em các cựu chiến binh (Mỹ) bị phơi nhiễm chất độc da cam; đẩy mạnh nghiên cứu về chất độc da cam và ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe của những người bị phơi nhiễm; và hỗ trợ về y tế, nhà ở và xóa đói giảm nghèo cho những người Việt Nam bị ảnh hưởng do phơi nhiễm chất độc da cam cũng như con cái của họ", hạ nghị sĩ nói.
Trước bà Babara Lee, năm 2011 Hạ nghị sĩ Bob Filner (đảng Dân chủ, bang California) cũng đã trình Quốc hội Mỹ một dự luật tương tự.
Các dự luật này yêu cầu Chính phủ Mỹ phải đẩy nhanh hơn tiến trình tẩy độc môi trường tại tất cả những nơi còn tồn dư chất độc dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, thực hiện các chương trình hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở và các dịch vụ y tế cho tất cả những người bị ảnh hưởng của chất độc da cam ở tất cả các vùng bị phun rải loại chất độc này trong chiến tranh.
Kể từ khi dự luật đầu tiên được Hạ nghị sĩ Bob Filner đưa ra, chưa một dự luật nào được thông qua; thậm chí chưa một dự luật nào được đưa ra thảo luận ở Hạ viện mà mới chỉ được thảo luận ở một số ủy ban của Hạ viện, nhưng 10 năm qua Chính phủ Mỹ đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam hoàn thành tẩy độc dioxin ở điểm nóng Đà Nẵng và bắt đầu tẩy độc dioxin ở điểm nóng Biên Hòa.
Chính phủ Mỹ cũng đang thực hiện các chương trình hỗ trợ cải tạo nhà ở, dịch vụ y tế cho “những người khuyết tật” ở “các tỉnh bị phun rải nặng” chất độc da cam (Giai đọan 2016-2020 với ngân sách được phê duyệt 21 triệu USD ở 6 tỉnh: Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước; Giai đoạn 2021-2025 ở 6 tỉnh nêu trên và 2 tỉnh Quảng Trị, Kon Tum với ngân sách được phê duyệt 65 triệu USD).
Các chuyên gia nước ngoài đo đạc mức độ nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hoà. Ảnh: VNE |
Mới đây, vào tháng 7/2021, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã viết thư cảm ơn Hạ nghị sĩ Barbara Lee. Trong thư có đoạn: "Thay mặt 3 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, tôi xin gửi đến bà lời cảm ơn chân thành về những nỗ lực đóng góp để đấu tranh vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam và yêu cầu Mỹ tham gia vào việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng ở Việt Nam. Đây là vấn đề đặc biệt cấp bách vì thế hệ nạn nhân chất độc da cam thứ hai và thứ ba đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe khi cha mẹ và ông bà của họ qua đời và họ không có người chăm sóc.
Chúng tôi cũng hy vọng bà sẽ tiếp tục bênh vực nạn nhân chất độc da cam, kiên trì vận động Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật được bà đệ trình. Với tư cách nghị sĩ Hạ viện Hoa Kỳ, chúng tôi hy vọng bà sẽ thúc đẩy Chính phủ Mỹ phải tham gia tích cực hơn nữa vào việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam".
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng gửi lời cảm ơn các nghị sĩ đã đồng bảo trợ dự luật, các bạn bè Mỹ trong Ban Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với chất độc da cam ở Việt Nam của Mỹ (VAORRC), Hội Cựu chiến binh vì hòa bình Mỹ (VFP), Hội Luật gia Mỹ (NLG), những người đã cùng phối hợp với nghị sĩ đưa ra các dự luật bênh vực nạn nhân chất độc da cam.
Q.Hoa t.h / TĐ