Biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba
Sinh ra trong một gia đình giàu có tại thị trấn nhỏ Biran, nhưng Fidel Castro lại quyết định đi theo con đường vô sản để tìm lại công bằng cho nhân dân lao động. Tên tuổi của Fidel Castro gắn liền với vận mệnh quốc gia và cuộc sống của toàn thể nhân dân Cuba kể từ khi ông khởi binh tấn công pháo đài Moncada ngày 26/7/1953 chống lại chính quyền quân sự do Batista đứng đầu.
Trong trái tim mỗi người Việt Nam, Cuba và vị lãnh tụ Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam luôn dành cho nhân dân Cuba, cho vị lãnh tụ Fidel Castro niềm tin yêu, sự khâm phục và đồng cảm sâu sắc.
Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12/1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn kết với Việt Nam (tháng 9/1963), cũng là nước đầu tiên và duy nhất lập Sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7/1967).
Ngày 15/9/1973, đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba thăm Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị (Vùng giải phóng miền Nam Việt Nam). (Ảnh: TTXVN)
Những năm đó, Cuba khó khăn, đời sống nhân dân gặp nhiều thiếu thốn, có kẻ ác ý tung tin dân Cuba thiếu đường, thiếu sữa là vì có bao nhiêu Fidel gửi cả cho Việt Nam. Nhưng trong một cuộc míttinh quần chúng với hàng chục vạn người tham gia tại thủ đô La Habana, Fidel Castro đã nói: “Đáng tiếc là chúng ta – những người Cuba – không có đủ đường sữa để gửi cho nhân dân Việt Nam, chứ nếu có, không những đường sữa mà cả máu chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng cho nhân dân Việt Nam.”
Năm 1967 được Cuba đặt tên là “Năm Việt Nam Anh hùng.” Năm 1972, đê điều ở miền Bắc Việt Nam trở thành mục tiêu phá hoại của đế quốc Mỹ, Cuba đã lấy ngày 28/8/1972 làm “Ngày đê điều” và phát động chiến dịch tuyên truyền mới tố cáo tội ác đế quốc. Fidel một lần nữa khẳng định: “Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối.”
Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Fidel năm 1973 là một minh chứng hùng hồn cho tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Hình ảnh vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới hiên ngang sải bước trên con đường mới được giải phóng ở Quảng Trị và phất cao lá cờ bách chiến bách thắng của Quân giải phóng miền Nam tại cuộc mit tinh ở căn cứ 241 gần Dốc Miếu, Đông Hà đã khắc sâu trong trí nhớ của nhiều thế hệ người Việt Nam. Những lời nói xúc động lòng người của Fidel dịp đó tại Quảng Trị, Quảng Bình và thủ đô Hà Nội luôn là niềm khích lệ to lớn đối với quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước.
“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” cũng là câu nói chí tình, chí nghĩa của Fidel trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên này. Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, câu nói ấy đã làm rung động bao trái tim của nhân dân Cuba và nhân dân Việt Nam, cũng như hàng triệu người có lương tri trên thế giới.
Trong chuyến thăm lần đầu tiên này của Fidel đến Việt Nam, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam-Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), Đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại, đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ Đại học và cao học và vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc…. Tấm lòng sẻ chia càng đáng trân trọng hơn khi chúng ta biết được lúc đó đất nước Cuba đang chịu sự cấm vận, khó khăn chồng chất mà vẫn sẵn lòng giúp Việt Nam vô điều kiện với một tình cảm anh em ruột thịt. Fidel và nhân dân Cuba đã xem cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam như của chính mình.
Tháng 12/1995 và tháng 2/2003, Fidel Castro có chuyến thăm lần thứ hai và thứ ba đến Việt Nam. Trong những chuyến thăm này, tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước Việt Nam-Cuba tiếp tục đạt được nhiều mốc son mới. Qua những chuyến thăm, chủ tịch Fidel luôn khẳng định, nhân dân Việt Nam mãi mãi là những người bạn, người anh em gần gũi, thân thiết của nhân dân Cuba và tin tưởng chắc chắn rằng tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác toàn diện giữa Cuba và Việt Nam sẽ không ngừng được củng cố và phát triển.
Xúc động về Fidel Castro qua câu chuyện của cán bộ ngoại giao Việt Nam
Ông Vũ Xuân Hồng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là người may mắn đã có nhiều dịp gặp mặt và làm việc với lãnh tụ Cuba Fidel Castro.
Ông Vũ Xuân Hồng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong lần gặp gỡ Chủ tịch Fidel Castro.
Ấn tượng đầu tiên của ông là sự gần gũi và chân thành, không có bất kỳ sự cách biệt nào giữa một vị lãnh tụ và người anh em Việt Nam. “Tôi vẫn nhớ kỷ niệm lần cuối cụ sang thăm Việt Nam năm 2003, lúc chúng tôi tới chào cụ, cụ đã hỏi: “Hội viên hội Việt Nam - Cuba của các đồng chí có bao nhiêu người?”. Tôi mạnh dạn trả lời: “Hội viên chúng tôi có 88 triệu người (tức cả dân tộc Việt Nam)”. Lúc đó cụ ôm lấy tôi và nói: “Cảm ơn đồng chí, chúng tôi hiểu đấy là Việt Nam”.
Còn nhắc tới lãnh tụ Fidel, thì phải nhắc tới tài diễn thuyết của cụ. Tôi nhớ năm 1979 khi sang Cuba tham dự Liên hoan sinh viên, thanh niên quốc tế được tổ chức tại Đồi Lê Nin. Giữa hàng nghìn học sinh, sinh viên quốc tế hừng hực khí thế yêu nước, giọng cụ vang lên trầm hùng.
Cụ nói về tinh thần của nhân dân Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé nhưng đã đứng lên chiến đấu dành độc lập. Cụ căn dặn thanh niên thế giới nên học tập Việt Nam và quan trọng nhất luôn nhớ tới tình đoàn kết hữu nghị quốc tế”.
Là một cán bộ làm công tác đối ngoại, ông Vũ Xuân Hồng hiểu rất rõ về tình cảm hữu nghị của lãnh tụ Cuba đối với người dân Việt Nam, ông chia sẻ: Những năm 60, cụ Fidel đã đề nghị với Đảng, Nhà nước ta: “Châu Mỹ Latinh bấy giờ có 28 quốc gia, các đồng chí cần chuẩn bị đào tạo 28 đại sứ tương lai của Việt Nam tại những quốc gia đó. Và Cuba xin được nhận phần trách nhiệm đó”.
Từ những năm 60 mà cụ Fidel đã có tầm nhìn xa rộng như vậy, dù đất nước Cuba bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn nhưng đã đào tạo miễn phí cho bao thế hệ cán bộ nguồn của Việt Nam qua học tập. Để rồi rất may mắn, những thế hệ hạt nhân đầu tiên ấy thực sự đã trở thành đại sứ của Việt Nam tại các nước khu vực Mỹ Latinh.
Có thể người dân Cuba lúc đó cơm không đủ ăn, sữa không đủ uống nhưng vị lãnh tụ đã truyền tình yêu Việt Nam cho nhân dân Cuba, để giúp đỡ chúng ta. Trên hòn đảo Thông, đảo Thanh Niên (các địa danh của Cuba) không biết hàng trăm, hàng vạn thanh niên ở các quốc gia châu Phi, Mỹ Latinh, những nước anh em như Việt Nam đã được Cuba giúp đỡ đào tạo trở thành những trí thức, những nhà khoa học giúp đỡ đất nước.
Nếu như cụ Fidel từng nói trong chiến đấu, Cuba sẵn sàng đổ máu vì Việt Nam thì khi hòa bình Cuba sẵn sàng đổ mồ hôi vì Việt Nam. Lãnh tụ Cuba là người đầu tiên trong lúc Việt Nam khó khăn nhất xin xóa nợ cho Việt Nam. Ở giai đoạn khó khăn như thế, nhưng những công lao của cụ Fidel đối với Việt Nam đã đi vào huyền thoại.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tình hữu nghị, đoàn kết thể hiện qua sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai nước một lần nữa góp phần làm sâu sắc hơn, thắt chặt hơn mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba. Dù Việt Nam còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã quyết định tặng Cuba hàng nghìn tấn gạo và vật tư, thiết bị y tế nhằm chia sẻ phần nào khó khăn mà nhân dân Cuba anh em đang phải đối mặt. Về phía Cuba, dù phải đối mặt với muôn vàn thách thức do bị bao vây, cấm vận, song Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba đã quyết định tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam món quà hết sức ý nghĩa, đó là lô thuốc gồm hàng nghìn liều Interferon Alfa 2B để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 và cử nhóm bác sĩ giỏi sang Việt Nam hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Có thể nói, dù trong hoàn khó khăn, nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba luôn chú trọng gìn gữ và phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hữu nghị truyền thống lâu đời do lãnh tụ hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Fidel Castro dày công vun đắp.
N. Nghiêm