Tháng 4/2016 một đoàn cựu chiến binh - phi công Mỹ gồm 11 người do Đại tá cựu phi công Charlie Tutt làm trưởng đoàn - đã đến Hà Nội và gặp gỡ các cựu phi công quân đội Việt Nam. Cuộc gặp ở quy mô nhỏ và sau đó được các nhà báo mô tả là cuộc tái ngộ của các cựu thù sau hơn 40 năm.
Từ cuộc hội ngộ lịch sử đầu tiên
Không khí đón tiếp và nhất là những gì diễn ra trong cuộc gặp lại đặc biệt này đã thực sự thuyết phục họ về một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Khi được đề nghị thăm đài tưởng niệm các phi công liệt sĩ của Không quân nhân dân Việt Nam, đoàn cựu phi công Mỹ đã đến đặt hoa trước bia tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trong các trận không chiến.
Hình ảnh chuẩn đô đốc Kenneth “Pete” Pettigrew và John Kerr cùng 11 cựu sỹ quan - phi công Mỹ đứng nghiêm chào theo tư thế nhà binh trước bia các liệt sỹ phi công trên đồi Sóc Sơn lộng gió và hình ảnh gia đình liệt sỹ phi công Nguyễn Văn Ngãi đón phi công Hải quân Curt Dose, hình ảnh người chị ruột của liệt sỹ nắm tay viên Trung tá Mỹ dẫn ra nghĩa trang thắp hương tưởng nhớ chiến sĩ không quân Ngãi, thực sự xúc động. Tất cả phi công Việt Nam và Mỹ chứng kiến sự kiện này đều cảm nhận như có một luồng gió vừa thổi qua. Đây đúng là thời khắc quá khứ đã được gác lại, một chương mới trong quan hệ giữa các cựu chiến binh - phi công hai nước đã mở ra.
Hơn một năm sau, tháng 9 năm 2017, nhận lời mời của đoàn cựu chiến binh Hoa Kỳ, đoàn cựu phi công tiêm kích Việt Nam gồm 12 người do Trung tướng phi công – Anh hùng Nguyễn Đức Soát dẫn đầu - đã lên đường đến thành phố San Diego – thủ phủ của Hải quân Hoa Kỳ để tham gia những sự kiện đặc biệt trong cuộc gặp gỡ lịch sử lần thứ hai với câu đề dẫn: “From Dogfight to détente - Từ không chiến đến hòa giải”. Trong đoàn có đại diện các cựu phi công MiG - 17, MiG - 19 và MiG - 21, người lớn tuổi nhất là phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy đã sang tuổi 82, với chòm râu điển hình của lão nông Nam Bộ.
Cuộc gặp tại San Diego năm ấy thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng các cựu phi công Hoa Kỳ. Khi danh sách các phi công của Việt Nam sẽ có mặt tại San Diego được gửi đến, bầu không khí thực sự nóng lên. Đại tá Charlie Tutt một trong những nhà tổ chức chính cuộc gặp cho biết có hơn 100 cựu phi công, các nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh trên không từ nhiều bang của Hoa Kỳ đã đăng ký tham dự. Các cựu phi công đã có gần trọn một ngày gặp nhau theo từng nhóm để tìm hiểu về các trận không chiến diễn ra hơn 40 năm trước. Các tấm bản đồ, sơ đồ, nhật ký chiến đấu đã ố vàng được bày ra bàn trong cuộc tranh luận rất thẳng thắn. Nhiều câu hỏi đi theo các phi công suốt hơn 40 năm qua đã được nêu ra…
“Lúc ấy tôi mới 19 tuổi và đeo quân hàm binh nhất”
Cựu Đại tá phi công Mỹ Roy Cash, cao tới 1m90, đầu cạo trọc, mặc chiếc quần bò và sơ mi caro bỏ ngoài quần, bay từ thành phố Memphis đến từ mấy hôm trước. Khi chiếc xe chở đoàn phi công Việt Nam dừng trước sảnh khách sạn, ông bước ra, nhìn quanh một lượt, như muốn đối chiếu với người trong cuốn tạp chí mà ông đã có. Khi tìm được phi công Phạm Phú Thái chính là người trong bức ảnh, ông ôm chầm lấy và tự giới thiệu đã gặp nhau trên trời trận ngày 10-7-1968, và nói “Tôi đã bắn rơi ông, bao nhiêu năm nay tôi vẫn áy náy không hiểu số phận của ông như thế nào?”.
Người Mỹ có tính thực tế, óc hài hước và rất thẳng, họ không ngại khi nói: “Ông là người bắn rơi tôi, hay, tôi đã bắn rơi ông”! Khi Roy Cash kể về trận không chiến và nói rằng ông ta đã bắn rơi được chiến cơ do Phạm Phú Thái lái, thì Tướng Thái mỉm cười nói: “Chiến công ấy của ông cũng chẳng vẻ vang gì lắm đâu, vì lúc ấy tôi mới chỉ là anh binh nhất, 19 tuổi và mới xuất kích vài lần!” Cả hội trường cười, vỗ tay và hồi hộp chờ câu đối đáp của Roy Cash. Vốn là phi công hải quân, đã từng tốt nghiệp trường đào tạo phi công Top Gun nổi tiếng, Roy Cash đáp lại: “Hôm nay tôi mới biết điều này, nếu lúc đó tôi biết trong buồng lái chiếc MiG là một binh nhất mới qua tuổi 18, chắc tôi không dám ấn cò bắn, vì sẽ gặp rắc rối với pháp luật Mỹ liên quan đến luật vị thành niên!” Cả hội trường vỗ tay trước màn đối đáp rất láu lỉnh và đầy tình người của hai cựu thù năm xưa.
Trái ngược với phong thái nghệ sỹ của Roy Cash, Thomas Hanton, người bị Phạm Phú Thái bắn rơi trong trận ngày 27-6-1972 rất tri thức, nhẹ nhàng, luôn đi cùng cô vợ dáng nhỏ nhắn xinh đẹp. Hai vợ chồng khi biết tin tướng Thái sẽ có mặt ở San Diego đã bay hàng ngàn km đến để mong gặp lại người hơn 40 năm trước đã bắn hạ máy bay mình. Bà vợ nắm tay tướng Thái và nói: “Cảm ơn ông đã bắn rơi máy bay, mà Tôm vẫn sống. Khi Tom còn đang trong Hilton Hà Nội, cô vợ cũ đã bỏ đi lấy chồng khác, vì vậy tôi mới có cơ hội lấy được Tom!”
“Tướng Soát đã phá hỏng ngày hè đẹp trời của tôi…”
Cuộc hội ngộ có mặt gần 500 các cựu phi công, những cư dân trong vùng quan tâm đến lịch sử cuộc chiến và giới truyền thông đến từ nhiều bang của Hoa Kỳ. Đoàn các cựu phi công chiến đấu Việt Nam được bố trí ngồi chính giữa hàng đầu. Ngồi trên khán đài là Tướng Nguyễn Đức Soát, Đại tá Lê Thanh Đạo, Đại tá Nguyễn Thanh Quý, và phi công F-4 John Cezak- người bị Tướng Soát bắn rơi trong trận không chiến ngày 27-6-1972. Khi MC McGaugh hỏi John Cezak về cảm nghĩ khi bị bắn rơi, ông đã nói: “Đó là một ngày nắng đẹp, chúng tôi bay qua biên giới với tâm trạng phấn khích, nhưng chính Tướng Soát đây đã phá hỏng một ngày hè đẹp trời của tôi và bắn rơi tôi”…Cả hội trường rộ lên cười tán thưởng tính hài hước của Cezak.
Khi biết trong danh sách các phi công ACE (thuật ngữ thông dụng trong hàng không quân sự dùng để chỉ các phi công đã bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên) Việt Nam sẽ sang San Diego có Tướng Soát, người đã bắn rơi chiếc F-4 của ông năm 1972, John Cezak đã cùng vợ đến từ rất sớm. Đến San Diego lần này, John Cezak còn có một câu hỏi mà bao năm nay ông rất muốn được giải đáp. Sau khi bị phi công Nguyễn Đức Soát bắn rơi trong trận ngày 27-6-1972, do bị thương khi nhảy dù nên John Cezak được điều trị rất tích cực, và ông được thông báo viên phi công Bắc Việt Nam đã bắn rơi ông sẽ vào “Hilton Hanoi” gặp ông. Bao năm nay ông vẫn canh cánh muốn hỏi để biết tên của viên phi công ấy. Nay, tại San Diego, ông không chỉ biết tên mà còn được gặp trực tiếp tướng Soát, người đã vào tận “Hilton Hanoi” gặp ông hơn 40 năm trước.
Sức hút của huyền thoại sống - phi công Nguyễn Văn Bảy
Nguyễn Văn Bảy là thành viên lớn tuổi nhất đoàn, ông luôn là trung tâm chú ý của báo chí và cộng đồng phi công Hoa Kỳ, đi đến đâu cũng có rất nhiều người hỏi thăm xin chụp ảnh cùng, xin quay phim và phỏng vấn ông.
Trong cuộc đối thoại, một cựu phi công đã hỏi:“Có phải ông bắn rơi 7 chiếc và không phải nhảy dù lần nào không? Và tại sao ông lại quyết định để bộ râu rất giống Hồ Chí Minh như vậy? Nguyễn Văn Bảy vuốt râu, nở nụ cười nhân hậu của người đồng bằng Nam Bộ và trả lời: “Đúng là tôi chưa biết mùi nhảy dù lần nào, duy nhất một lần bị tên lửa F-4 bắn, khi về hạ cánh thấy có hơn 80 lỗ thủng trên thân và đuôi tàu bay. Tuy nhiên tôi biết, không chiến với không quân Mỹ là cuộc đọ sức rất ác liệt, có thể trúng tên lửa bất cứ khi nào, không ai nói giỏi được. Khoảng giữa năm 1967, một buổi tối khi đang chuẩn bị cho nhiệm vụ sáng hôm sau thì nhận được điện từ cấp trên yêu cầu tôi dừng trực ban chiến đấu. Về sau tôi mới biết, đó là yêu cầu của Hồ Chủ tịch. Người nói: “Nên rút chú Bảy ra khỏi danh sách trực, nếu chiến đấu hy sinh, sau này thống nhất đất nước đồng bào Nam Bộ hỏi: “Anh hùng Nguyễn Văn Bảy của chúng tôi đâu, thì không biết trả lời thế nào…”.Nếu còn xuất kích có thể tôi còn bắn rơi 2 -3 chiếc nữa, nhưng cũng có thể tôi không có cơ hội được có mặt ở đây hôm nay. Tôi đã sống qua cuộc chiến… Tôi quyết định để râu giống Bác để thờ Bác Hồ”. Có một phi công Mỹ đứng lên hóm hỉnh nói, may mà Bác Hồ yêu cầu không cho ông xuất kích nữa, nên chúng ta không gặp nhau trên bầu trời Việt Nam hơn 40 năm trước, nếu không hôm nay tôi chắc cũng không còn sống để có mặt ở đây… Cả hội trường đã vỗ tay tán thưởng.
Phi công F-4 Hubert E.Buchanan, khi gặp Nguyễn Văn Bảy đã hỏi: “ Có phải ông đã tham gia trận không chiến với F-4 ngày 16-9-1966 không?”. Sau khi hai bên mô tả vài động tác và nghe ông Bảy kể lại về quyết định rê nòng pháo ra cánh máy bay chứ không bắn thẳng vào buồng lái chiếc F-4, nên viên phi công ngồi buồng sau có cơ hội nhảy dù, Buchanan đã ôm chầm lấy Nguyễn Văn Bảy rưng rưng nước mắt, mấy phút sau hai mắt vẫn đỏ hoe, ông nói: “Nếu hôm đó, ông không rê nòng pháo ra cánh máy bay thì tôi đã tử trận. Hai người đàn ông đã trên 80 tuổi ôm nhau đứng như vậy trong vài phút.
Năm 2016, trong phái đoàn của Mỹ đến Hà Nội, duy nhất chỉ có một phụ nữ, đó là bà Molty vợ của phi công Clint Johnson, người đã cất cánh từ tàu sân bay USS Midway và đụng độ biên đội MIG-17 của hai phi công Mai Đức Toại - Nguyễn Văn Lai ngày 20-6-1965. Bà Molty vốn là một tiếp viên hàng không và luôn có mặt bên chồng trong những chuyến quay lại thăm Việt Nam. Bà đặc biệt quý phi công Nguyễn Văn Bảy, nguời bằng tuổi với chồng bà, nhưng trong dáng vẻ nhỏ bé của ông là những câu chuyện huyền thoại.
Khi gặp lại phi công Nguyễn Văn Bảy ngay trên đất Mỹ được đích thân ông tặng và quấn cho bà chiếc khăn rằn đặc trưng quê hương Nam bộ, bà Molty đã rất cảm động. Lúc chia tay, bà đã khóc, hai mắt đỏ hoe vì cảm phục người phi công Việt Nam nhỏ bé nhưng lập những chiến công phi thường. Bà nghẹn ngào không nói lên lời và vùng chạy khi biết những giọt nước mắt đã lăn. Trong khoảnh khắc này không chỉ có tình cảm con người mà cả sự thiêng liêng kính trọng người Đại tá phi công Anh hùng của dân tộc Việt Nam. Nhiếp ảnh gia Vũ Tuấn đã chớp được thời khắc đầy xúc động này…
Ông có ghét người Mỹ không?
Thiên nhiên đã tạo cho thành phố San Diego vị trí địa lý lý tưởng để đóng các căn cứ hải quân, một dải núi chắn ngang phía trước bến cảng ngăn mọi đợt sóng bão, mực nước sâu, khiến đây trở thành căn cứ của Hạm đội 3- nơi xuất phát hầu hết các chuyến tàu chở lính thủy đánh bộ đi các chiến dịch trong Thế chiến thứ II cũng như trong chiến tranh Việt Nam. Tàu sân bay USS Midway được hạ thủy từ cuối Thế chiến thứ II, từng 3 lần sang tham chiến ở Việt Nam với thời gian hơn 200 ngày. Rất nhiều chuyến xuất kích của hải quân Mỹ từ tàu USS Midway tấn công các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam.Tháng 4-1975, tàu USS Midway lại tham gia chiến dịch di tản chở những lính Mỹ cuối cùng rời Nam Việt Nam. Sau khi kết thúc thời hạn phục vụ, tàu USS Midway trở thành bảo tàng thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Buổi tối ngày 21-9-2017, tàu USS Midway lại chứng kiến một sự kiện nữa liên quan đến chiến tranh Việt Nam, nhưng lần này không phải là những tiếng gầm rú cất cánh của máy bay ném bom mà là buổi tái ngộ thú vị của các cựu thù hơn 40 năm trước. Ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất của thế kỷ 20 cũng không ai dám tin có một ngày các phi công tiêm kích của Không quân nhân dân Việt Nam được đón tiếp như những vị khách đặc biệt trên tàu và tham gia cuộc đối thoại lịch sử với các cựu phi công Mỹ.
Ông Scott McGaugh là một trong những người sáng lập Bảo tàng – Chiến hạm này, đồng thời là diễn giả, người phát ngôn của bảo tàng. Tuy là một MC nổi tiếng đã điều hành mỗi năm hàng trăm buổi giao lưu gặp mặt cho mọi loại đối tượng, nhưng có lẽ làm MC cho cuộc gặp mặt với các cựu thù năm xưa thì đây là lần đầu tiên. Scott McGaugh không đưa ra những câu hỏi- đáp thông thường mà luôn đưa ra những câu hỏi rất bất ngờ, gây sự thú vị cho hội trường.
Chắc muốn thử tài ứng đáp của các phi công Việt Nam ngay trong lòng nước Mỹ, ông đã hỏi Tướng Soát: “Bây giờ sau hơn 40 năm, ông có thể nói với cử tọa ở đây là ông có còn ghét người Mỹ không?”. Tướng Soát rất điềm đạm đáp rằng: “Không giống như trên mặt đất, các chiến binh đôi khi nhìn thấy mặt nhau, các phi công trên trời không nhìn thấy mặt nhau, họ bay cách nhau hàng cây số, nên không để lại ấn tượng khuôn mặt của kẻ thù trong đầu, trước mắt họ là những chiếc máy bay cơ động rất nhanh mà họ có nhiệm vụ phải bắn rơi. Thực tế là 7 năm trước, chính tôi đã đề nghị ông Charlie Tutt cần phải tổ chức cuộc gặp mặt các cựu phi công Việt- Mỹ, để các cựu thù năm xưa chưa từng nhìn thấy mặt nhau, nay có thể gặp lại nhau, hiểu nhau hơn và cùng khép lại quá khứ. Sự có mặt của tôi cùng các phi công Việt Nam trên tàu USS Midway hôm nay chính là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi của ông”. Hội trường vỗ tay hồi lâu, không chỉ tán thưởng câu trả lời rất chính khách của Tướng Soát mà còn là hoan nghênh một thời khắc, khi các cựu thù gác lại quá khứ, sẵn sàng ngồi lại với nhau để nói về chuyện tương lai.
Ngoại giao cựu chiến binh - Tại sao không?
Một khi các biện pháp ngoại giao chính thống đang còn nhiều khe cửa hẹp, thì nhiều khi chính ngoại giao nhân dân sẽ mở ra cánh cửa để hai phía tiếp cận được nhau. Thế giới đã từng chứng kiến các hình thức ngoại giao bóng bàn, ngoại giao bóng rổ, ngoại giao văn hóa… Trong các chuyến thăm Việt Nam của mình cựu Tổng thống B.Obama và Tổng thống D.Trump đều nhắc tới vai trò của các cựu chiến binh trong quá trình hòa giải của hai nước. Các cựu chiến binh là những người trực tiếp tham chiến, trong những giây phút sinh tử của cuộc chiến, luôn tìm mọi cách để tiêu diệt nhau, bây giờ chiến tranh đã trôi qua, nếu họ dũng cảm bỏ qua quá khứ, ngồi lại với nhau, sẽ là thông điệp tốt nhất chuyển đến tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao, vì họ là những người trả giá cao nhất, hiểu rõ nhất cái giá phải trả của chiến tranh.
Có thể ngay lúc đầu các cựu phi công hai nước chưa ý thức được hết ý nghĩa, nhưng những kết quả đáng khích lệ sau hai cuộc gặp đã vượt qua những dự tính ban đầu, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa các cựu phi công chiến đấu hai nước. Sau này có nhiều nhà báo đã gọi đó là Ngoại giao nhân dân- Ngoại giao cựu chiến binh. “From Dogfight to détente - Từ không chiến đến hòa giải”, lúc đầu chỉ là câu đề dẫn của cuộc gặp giữa các cựu phi công hai nước, nay đã vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường, trở thành một thông điệp khi các cựu thù năm xưa ngồi với nhau, hiểu nhau và cảm nhận được những mất mát lớn lao của chiến tranh và cái giá của bảo vệ nền hòa bình, để cùng cầu mong giữa hai dân tộc sẽ chỉ có hòa bình, hợp tác như tinh thần hiệp ước đã ký kết của lãnh đạo hai nước. Trong lời phát biểu, Đại tá Charlie Tutt – Trưởng đoàn phi công Mỹ - nói: “Chúng ta trở nên gần gũi hơn, càng hiểu và đánh giá về nhau cao hơn nhờ những cuộc gặp ý nghĩa này, hy vọng điều này sẽ kéo hai nước chúng ta lại gần nhau hơn”.
Khi Scott McGaugh đề nghị hãy chỉ nói một câu ngắn gọn về ấn tượng của buổi gặp mặt, phi công ACE Lê Thanh Đạo đã nói: “ Tôi tin chắc rằng cuộc gặp này sẽ để lại dấu ấn rất đặc biệt, vượt ra khỏi khuôn khổ những cuộc gặp thông thường, nó như một minh chứng cho giai đoạn mới trong quan hệ hai nước, để kết thúc tôi chỉ muốn nói: “Chúng ta không thay đổi được quá khứ, nhưng có trách nhiệm phải xây dựng tương lai”.
Nguyễn Sỹ Hưng
Trung tá Nguyễn Sỹ Hưng từng là phi công MiG-21, sau này là tiến sĩ tâm lý học hàng không đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines. Ông cũng là dịch giả của các cuốn sách: Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Ðại nguyên soái Stalin, Condi - Chuyện về Condoleezza Rice, Buôn bom, Aleksandr Ivanovich Kuprin - tập truyện ngắn... và là tác giả của cuốn Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) - nhìn từ hai phía và cuốn Tâm lý học hàng không.