Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng Đài Kỷ niệm Hồng Quân Liên Xô tại Berlin. Bộ trưởng Hoàng Minh Giám cùng đi (người thứ 2 từ bên phải sang). |
Có thể nói rằng Gs Hoàng Minh Giám được sinh ra, lớn lên và nuôi dưỡng trong môi trường trí thức. Từ năm lên 5 tuổi, ông theo học chữ Hán, đến năm 10 tuổi thì theo học chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Năm 20 tuổi, sau khi nhận bằng tú tài bản xứ toàn phần, ông quyết định theo học Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương. Trong thời gian là sinh viên từ năm 1924 đến năm 1926, Gs Hoàng Minh Giám tham gia rất tích cực vào các phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên. Phiên tòa đại hình xử nhà yêu nước Phan Bội Châu có rất đông sinh viên bỏ học tham dự. Do sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, từ mức án chung thân, Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varene đã phải ký giấy ân xá cho cụ Phan. Để dẹp yên phong trào đấu tranh đang diễn ra mạnh mẽ, Varene đã tổ chức một cuộc đối thoại với sinh viên tại trụ sở thanh niên ở phố Vọng Đức. Ông cùng với Gs. Nguyễn Khánh Toàn soạn thảo diễn văn nhằm vạch trần chính sách áp bức, bất công, sự cách biệt trong đãi ngộ giữa người Pháp với người Việt, chính sách ngu dân, lừa bịp của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Chính những năm tháng sôi động thời sinh viên đã hun đúc thêm lòng yêu nước, căm ghét bọn thực dân cướp nước của nhà trí thức trẻ Hoàng Minh Giám. Bởi thế, để cách li với phong trào sôi động trong nước, sau khi cấp bằng Cao đẳng sư phạm, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã đưa Hoàng Minh Giám sang giảng dạy Trường Trung học Si Sơvanh Phnômpênh - Campuchia. Tại đây, Gs Hoàng Minh Giám vẫn tiếp tục tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc và lòng căm thù thực dân Pháp. Vì vậy chỉ hai năm sau ông bị thải hồi.
Về Sài Gòn, Gs Hoàng Minh Giám tham gia giảng dạy ở An Nam học đường, viết bài cho một số tờ báo tiến bộ, đặc biệt là cộng tác với tờ báo Tiếng chuông rè sau đổi tên là L'Annam- tờ báo đã cho đăng nhiều bài viết về chủ nghĩa Mác - Lênin và nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc.
Trở ra Hà Nội, Gs Hoàng Minh Giám tiếp tục làm việc. Mặc dù thực dân Pháp luôn truyền bá chính sách “khai hóa nền văn minh” song thực chất, thực dân Pháp không hề mong muốn cho nước ta phát triển, mà ngược lại chúng quyết tâm áp đặt chính sách ngu dân. Một câu hỏi luôn luôn được đặt ra trong ông là làm thế nào để người dân Việt Nam được mở mang trí tuệ?
Sau khi Cách mạng tháng tám thành công, Gs Hoàng Minh Giám được giao đảm trách nhiều vị trí quan trọng: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1947 - 1954), Bộ trưởng Bộ Văn hóa (1954 - 1976), Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội khóa VI (1976 - 1981)...Trên lĩnh vực ngoại giao nhân dân, ông cũng là người có nhiều cống hiến to lớn. Ông đã góp phần quan trọng trong giai đoạn đầu của nền độc lập, phục vụ Chính phủ thực hiện thành công sách lược ngoại giao hòa để tiến” và “ngoại giao phá vây”, nối thông căn cứ Việt Bắc với hậu phương bao la của các nước đồng minh. Cuộc đời Gs. Hoàng Minh Giám gắn bó khăng khít với sự phát triển của nền ngoại giao nhân dân. Từ năm 1977 đến năm 1992, ông Hoàng Minh Giám giữ chức Chủ tịch Ủy ban Việt Nam đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước (hiện nay là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam). Ông là một trí thức có lối ngoại giao cực kỳ bình tĩnh, kín đáo, hòa nhã và tinh tế. Qua 15 năm dưới sự lãnh đạo của ông, Ủy ban Việt Nam đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước đã trở thành một tổ chức lớn mạnh, có vị thế trong nước và quốc tế.
Vào đầu năm 1950, Việt Nam đã thu được những thắng lợi ngoại giao rực rỡ: Liên Xô, Trung quốc đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 18/1/1950 trở thành ngày hữu nghị Việt – Trung – Xô. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngoài sự lãnh đạo sáng tạo của Đảng, lòng quả cảm và ý chí kiên cường kháng chiến của toàn dân, toàn quân ta thì sự giúp đỡ có hiệu quả về vật chất, tinh thần của Liên Xô và Trung Quốc lúc bấy giờ là rất quan trọng. Để thắt chặt mối quan hệ này, Gs Hoàng Minh Giám đã viết bài “Tình hữu nghị Việt – Trung – Xô”: “Phải phát triển sự trao đổi và hợp tác giữa các dân tộc về mọi mặt, kinh tế và văn hoá, để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt đoàn kết với nhau và do đó thành lập và củng cố một mặt trận hoà bình gồm toàn thể nhân dân thế giới chống bọn đế quốc gây chiến, để thực hiện hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Bài viết của ông thể hiện rõ mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới vì hòa bình, phát triển và sự tiến bộ của tất cả các dân tộc.
Tháng 4 – 1955, Hội nghị Băng - Đung được tổ chức tại Inđônêxia với sự tham dự của đại diện chính phủ 29 nước Châu Á và Châu Phi, bàn về vấn đề độc lập dân tộc, bình đẳng, chung sống hoà bình và hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc, chống phân biệt chủng tộc, chống chủ nghĩa đế quốc và thực dân. Đại diện của Việt Nam là Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã có bài phát biểu thể hiện sự kiên quyết cùng các dân tộc Á – Phi đấu tranh phản đối chủ nghĩa thực dân, ủng hộ quyền bình đẳng dân tộc, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ chung sống hoà bình và cộng tác quốc tế. Ông nhấn mạnh Lần đầu tiên trong lịch sử, một cách chính thức và kiên quyết, các nước Á - Phi đồng thanh nói với thế giới rằng: vận mệnh của các dân tộc Á - Phi là do các dân tộc Á - Phi quyết định. Trên tinh thần của Hội nghị, Gs Hoàng Minh Giám kêu gọi nhân dân ra sức đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền Nam, thực hiện hoà bình thống nhất tổ quốc, tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Lào, nhân dân Angiêri, nhân dân Cônggô, nhân dân Inđônêxia và nhân dân các nước khác, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn và vĩnh viễn chủ nghĩa thực dân và đế quốc.
Bài phát biểu của Gs Hoàng Minh Giám tại hội nghị có ý nghĩa vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các dân tộc Á – Phi, làm cho bạn bè quốc tế và nhân dân các nước hiểu rõ thêm về thiện chí của Việt Nam muốn chung sống hòa bình và hợp tác hữu nghị.
Trong những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, quan hệ giữa Việt Nam với Campuchia, Trung Quốc có nhiều biến động, quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước khác thời kỳ này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thức rõ vấn đề, Gs. Hoàng Minh Giám lúc này là Chủ tịch Ủy ban Việt Nam đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước đã có bài viết Mở rộng quan hệ với anh em bạn bè năm châu” nhằm tuyên truyền quan điểm của Đảng về đối ngoại, qua đó thể hiện suy nghĩ sâu sắc của ông về đường lối đối ngoại nhân dân của ta: Chúng ta ra sức mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân tất cả các nước có chế độ xã hội khác nhau trên tinh thần bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau cùng tôn trọng hoà bình”.
Những suy nghĩ của Gs. Hoàng Minh Giám phản ánh đường lối chính sách của Đảng về đối ngoại trong chặng đường đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa; Ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; Thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường giũa nước ta với tất cả các nước khác trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi. Thấm nhuần tư tưởng, đường lối ngoại giao của Đảng và Hồ Chủ tịch và với sự nhạy cảm, sắc sảo, Gs. Hoàng Minh Giám đã góp phần tích cực thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong việc làm sáng tỏ cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta, cô lập kẻ thù và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Thuộc thế hệ trẻ mới bắt đầu tham gia công tác đối ngoại nhân dân, khi tìm hiểu về cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của cụ Hoàng Minh Giám, chúng tôi vô cùng khâm phục sự đóng góp của cụ đối với nền ngoại giao nói chung và ngoại giao nhân dân nói riêng. Chúng tôi nguyện sẽ tiếp bước trên con đường của cụ, cố gắng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp đối ngoại nhân dân mà cụ đã theo đuổi, cùng các thế hệ tiền bối đưa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trở thành một tổ chức lớn mạnh, hoạt động có hiệu quả trong việc vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình và phát triển của toàn nhân loại.
Nguyễn Thị Nghiêm