Đây là sản phẩm do đoàn nhà báo Việt Nam sang thăm Palestine cuối tháng 5/2011 phát hành và đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho phép.
Tham dự buổi lễ ra mắt có ngài Saadi Salma, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, đồng chí Hồ Anh Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Palestine, đồng chí Vũ Thị Hải, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, cùng đại diện đến từ các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, đại diện các đoàn thể: cựu chiến binh, phụ nữ, sinh viên…và đông đảo các phóng viên báo đài Trung ương và Hà Nội.
Bộ phim “Palestine sau những bức tường chiếm đóng” dài 23 phút, mô tả toàn bộ hành trình đi vào vùng lãnh thổ Palestine của các nhà báo Việt Nam đầu tiên đặt chân đến miền đất này vào tháng 5/2011. Bộ phim được thực hiện bởi hai nhà báo Lê Trần Quỳnh và Lê Khánh Duy. Cuộc sống của người dân Palestine bên trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng cũng như tình cảm của họ với Việt Nam đã được khắc họa chân thực trong phim. Thông điệp của bộ phim là ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập trên cơ sở đường biên giới trước năm 1967.
Cuốn sách “Palestine sau những bức tường chiếm đóng” là tập hợp toàn bộ các bài viết và hình ảnh của 4 nhà báo gồm: Nguyễn Như Phong (Tổng Biên tập báo Năng Lượng mới), Mỹ Hạnh (phóng viên Báo Quân Đội Nhân Dân), Khánh Duy (Biên tập viên Báo VietNamNet) và Nguyễn Ngọc Hùng (cây bút bình luận Trung Đông cho báo Tuổi trẻ) đã thực hiện trong chuyến đi. Các bài viết này đều đã được đăng tải trên các báo nói trên và cuốn sách này đã được Nhà xuất bản Lao động Xã hội cấp phép tháng 9/2011. Nội dung cuốn sách mô tả lại cuộc sống cũng như tình cảm của người dân Palestine phía sau những bức tường chiếm đóng, nhấn mạnh quan hệ tinh thần đặc biệt giữa Việt Nam – Palestine.
Lễ ra mắt bộ phim và cuốn sách “Palestine sau những bức tường chiếm đóng” là một hoạt động tiêu biểu của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Nhà nước Palestine tại Việt Nam và Thư viện Quốc gia Việt Nam nhằm giúp nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn về hình ảnh, đất nước, con người Palestine; đồng thời là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị, sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Palestine trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình nhằm khôi phục lại các quyền dân tộc cơ bản, kể cả quyền được công nhận Nhà nước Palestine là thành viên đầy đủ của Liên hiệp quốc.
Trang