Điều đó chỉ đến sau 26 năm. Vào tháng Bảy năm 1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Jerilyn Brusseau và chồng là Danaan Parry nhận thấy đã đến lúc cho ý tưởng Cây Hòa bình được thực hiện nên đã thành lập tổ chức có tên PeaceTrees Việt Nam. Họ đã muốn làm tất cả có thể để giúp hàn gắn những vết thương tinh thần và môi trường mà chiến tranh để lại.
Mùa thu năm 1995, một nhóm nhỏ những người bạn tụ tập trong một bữa sáng Chủ nhật để chia sẻ quan điểm về xây dựng hòa bình và hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Jerilyn nhớ lại Chúng tôi muốn đưa tinh thần ngoại giao nhân dân đã được củng cố qua 18 chương trình Cây Hòa bình ở các nước khác lên một mức sâu sắc hơn, bằng cách làm việc với nhân dân Việt Nam cùng tháo gỡ bom mìn và trồng cây.
Chỉ vài giờ sau cuộc họp bữa sáng đó, Danaan bay đến Washington DC, hy vọng có mặt tại buổi tiếp tân của phái đoàn Việt Nam. Mặc dù không có giấy mời, Danaan đã được trưởng phái đoàn Việt Nam, ông Lê Văn Bàng chào đón nồng nhiệt và sẵn sàng hỗ trợ ý tưởng Cây Hòa bình Việt Nam.
Từ đó mọi việc bắt đầu diễn ra rất nhanh. Đầu tháng Giêng 1996, Danaan và Jerilyn đến Việt Nam và gặp các đại diện của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ban Đối ngoại tỉnh Quảng Trị để bàn về kế hoạch tài trợ tháo gỡ bom mìn và vật liệu nổ từ mảnh đất 6,5 ha gần Đông Hà. Họ cũng thỏa thuận là sẽ có 40 tình nguyện viên từ Mỹ và các nước khác sẽ đến để trồng cây trên mảnh đất đó.
Đến tháng Chín 1996, ba cựu chuyên gia rà phá bom mìn từ Mỹ đã sang Quảng Trị để đóng góp thời gian và chuyên môn của mình cho nỗ lực rà phá bom mìn. Công việc này đã đưa Cây Hòa bình trở thành Tổ chức phi chính phủ (NGO) đầu tiên được Chính phủ Việt Nam cho phép tiến hành công việc rà phá bom mìn nhân đạo kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Trước đó, công việc này hoàn toàn do người dân Việt Nam thực hiện. Tháng 11/1996, tất cả 43 tình nguyện viên quốc tế sẵn sàng đến Quảng Trị để cùng 43 tình nguyện viên Việt Nam trồng 2.000 cây trên mảnh đất vừa sạch bom mìn.
Chỉ mấy ngày trước khi lên đường, Danaan Parry bị một cơn đau tim đột ngột và qua đời. Jerilyn và toàn bộ nhóm PeaceTrees đã rất bất ngờ và buồn đau, nhưng họ tin tưởng mạnh mẽ vào chuyến đi và quyết tâm tiến hành. Từ những nơi khác nhau trên thế giới, những tình nguyện viên đã gặp nhau ở Quảng Trị và cùng các bạn Việt Nam trồng cây. Hơn 2.000 cây đã tạo nên công viên Hữu nghị ở Đông Hà cùng với rất nhiều tình hữu nghị đã nảy nở.
Jerilyn Brusseau không chỉ là thành viên duy nhất của gia đình Cheney có quyết tâm xây dựng những cầu nối của hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam. Rae Cheney, bà mẹ Sao vàng (các bà mẹ có con hy sinh trong chiến tranh) của Jerilyn và Daniel Cheney, cũng là tình nguyện viên cho Cây Hòa bình Việt Nam trong suốt 14 năm qua và giành được cảm tình của các bà mẹ Việt Nam mất con trong chiến tranh. Ở tuổi 89, bà vẫn là người ủng hộ mạnh mẽ cho việc đẩy mạnh quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ.
Trong 15 năm qua, Cây Hòa bình đã duy trì mục đích của mình trong khi tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động. Hiện nay tổ chức đang tài trợ cho ba đội rà phá bom mìn ở tỉnh Quảng Trị. Hai trong số đó là để đáp ứng những yêu cầu của người dân khi họ phát hiện ra mìn hay vật liệu nổ. Một đội vừa đưa vào hoạt động và đang rà phá bom mìn tại khu vực 42ha đất canh tác. Sau khi khu vực này được làm sạch bom mìn, 56 hộ dân sẽ có đất an toàn để cư trú và canh tác. Ba nhóm rà phá này đang được tài trợ từ Văn phòng Phá dỡ và Giảm nhẹ vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.
Có một lần, khi đang ở khách sạn Đông Hà, các tình nguyện viên trồng cây nghe thấy một tiếng nổ lớn. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra vật liệu nổ thực sự và nhanh chóng chạy tới xóm dân. Hai đứa trẻ đã bị thương nặng vì một quả đạn M-79 nổ gần nhà. Đó là khu vực trẻ em sống và vui chơi cùng với nhau. Nhóm Cây Hòa bình đã quyết định phải rà phá ngay mảnh đất này.
Năm 1998, Cây Hòa bình khánh thành Trung tâm giáo dục về bom mìn mang tên Danaan Parry ở giữa Công viên Hữu nghị, trung tâm đầu tiên ở Việt Nam. Tại Trung tâm này, Cây Hòa bình đã tiến hành chương trình giáo dục nhận thức về mìn cho hàng ngàn trẻ em, giúp chúng nhận biến và tránh các vật liệu nổvà công việc này vẫn đang được tiếp tục.
Năm 2000, Cây Hòa bình bắt đầu cung cấp trợ giúp y tế và kinh tế cho các nạn nhân bom mìn và gia đình của họ. Năm 2001, hỗ trợ kinh tế đã có thêm chương trình tín dụng vi mô. Trợ giúp y tế bao gồm cả cấp cứu, hỗ trợ dinh dưỡng, hỗ trợ kinh tế gia đình, chi phí đi lại, và học bổng cho học sinh.
Dự án nhiều tham vọng nhất bắt đầu từ năm 2002 là dự án xây dựng Làng Hữu nghị với 100 nhà cho các gia đình, thư viện, nhà trẻ và nhà họp cộng đồng ở Đông Hà. Được xây dựng trên diện tích 8 ha của một căn cứ Mỹ cũ, Làng Hữu nghị cung cấp cho người dân những ngôi nhà sáng sủa và tiện nghi, với nước sạch, tạo tình cảm cộng đồng và là một nơi an toàn để sống.
Năm 2003 và 2004, Cây Hòa bình dọn sạch bom mìn và xây dựng năm thư viện trên mảnh đất đó. và hỗ trợ 70 vận động viên khuyết tật tham gia vào ParaGames quốc gia ở TP. HCM. Trong những năm tiếp sau, Cây Hòa bình tiếp tục mở rộng các chương trình của mình, bao gồm cả tổ chức các chuyến đi ngoại giao nhân dân cho những người Mỹ và quốc tịch khác muốn đến tìm hiểu về Việt Nam và trồng cây.
Năm 2008, Cây Hòa bình cùng với Ban Đối ngoại tỉnh Quảng Trị khởi động hai chương trình lưu động giáo dục rủi ro về mìn cho những cộng đồng dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa và Đăk Rông, cũng do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ.
Đến cuối năm 2009, Cây Hòa bình đã hoàn thành rất nhiều công việc. Các nhóm rà phá đã phát hiện và tiêu hủy hơn 47.383 vật liệu nổ, dọn sạch 121 ha đất đã từng bị nhiễm bom mìn. Giáo dục về bom mìn đã đến với 66.500 người lớn và trẻ em. Hơn 41 ngàn cây bản địa đã được trồng trên đất an toàn. Tổ chức đã xây 100 ngôi nhà, 4 nhà trẻ và 8 thư viện. Cuối cùng, 465 nhà ngoại giao nhân dân đã cùng Cây Hòa bình đến Việt Nam để tiếp tục nỗ lực xây dựng cầu nối hữu nghị và hòa bình với nhân dân Việt Nam.
Năm 1996 khi lần đầu đến Hà Nội, chúng tôi đã được Liên hiệp các TCHNVN đón tiếp nồng nhiệt. Mọi người nói Đã đến lúc khép lại quá khứ và hướng tới tương lai.
Người Việt Nam vẫn tiếp tục chào đón nhân dân Mỹ trong tình hữu nghị và hòa bình. Nhờ có lịch sử giúp đỡ người dân Việt Nam lâu dài và thành công, Cây Hòa bình luôn nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các cán bộ cả ở cấp quốc gia và tỉnh. Không có sự hỗ trợ đó, Cây Hòa bình đã không thể làm được những điều như ngày hôm nay.
Mỗi năm qua đi, càng có nhiều cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam, để thăm đất nước tươi đẹp và những người dân Việt Nam hiếu khách, trong tinh thần hữu nghị và hòa bình. Nhiều cựu chiến binh đã tham gia các hoạt động nhân đạo, trong đó có nhưng người đi cùng những đoàn sang trồng cây của Cây Hòa bình. Để tưởng nhớ các cựu chiến binh đã khuất và gia đình của họ, các cựu chiến binh tích cực quyên góp quỹ để xây dựng trường học, thư viện và sân chơi cho trẻ em.
Trong suốt 15 năm từ khi quan hệ giữa hai nước được bình thường hóa, chúng tôi thấy ngày càng có nhiều người Mỹ đến Việt Nam. Kinh doanh và thương mại giữa hai nước đang tăng trưởng. Các ông bố bà mẹ Việt Nam gửi con em sang Mỹ học và sang thăm bạn bè và đồng nghiệp Mỹ. Tất cả các hoạt động đó làm hiểu biết giữa người dân hai nước sâu sắc thêm và củng cố những mối quan hệ hữu nghị và sự tin tưởng lẫn nhau.
Blair B. Burroughs Giám đốc điều hành của tổ chức Cây Hòa bình (PeaceTrees) Việt Nam.